Mẹ tôi ăn Tết thời Covid

Truyện ngắn - Ngày đăng : 09:32, 31/01/2022

Vâng lời mẹ, chị em chúng tôi không về quê ăn Tết nữa, nhưng vẫn phải chuẩn bị đón Tết. Một cái Tết ngọt ngào và hy vọng được mở ra. Một cái Tết thời Covid quá đặc biệt.

Minh họa: HUY CHƯƠNG

Tối 20 tháng chạp, chú Út gọi điện báo cho tôi biết:

- Tình hình dịch Covid - 19 mỗi ngày phức tạp căng thẳng, mẹ bảo là Tết này các anh chị không cần phải về đâu.

Ngạc nhiên và ngỡ ngàng, tôi hỏi lại:

- Đây là ý kiến của chú hay của mẹ?

Chú Út nói:

- Em làm gì có cái quyền to như thế. Anh nói chuyện với mẹ nhá.

Nói rồi chú Út chuyển điện thoại cho mẹ. Tiếng mẹ tôi:

- A lô, anh Hai đấy hả? Đây là ý kiến của mẹ. Các con cứ yên tâm ăn Tết ở nơi mình sinh sống. Mọi việc ở nhà đã có mẹ và vợ chồng chú Út lo liệu chu toàn.

Thằng con chú Út chen vào:

- Bác Hai ơi, bà nội bảo để dành mấy con gà chờ hết dịch các bác về đấy. Nhà mình vẫn còn Tết bác ạ.

Tiếng nói ríu rít của trẻ thơ khiến tôi thêm nhớ mẹ, nhớ quê.

Nhà tôi đông chị em lắm, những chín người, năm gái bốn trai. Nếu tính cả bố mẹ tôi nữa là mười một miệng ăn. Đồng lương cán bộ xoàng xĩnh như bố tôi không đủ chi tiêu nơi phố thị. Hầu như tất cả đều trông mong vào bàn tay khéo léo và hạt lúa củ khoai của mẹ. Ngày thường lo cho ngần ấy cái miệng ăn đã đủ nhược người nói chi đến Tết nhất. Có lẽ vì thế mà ngay từ đầu năm bố mẹ tôi đã tích những thứ để lâu được như gạo nếp, đỗ xanh, mộc nhĩ, nấm hương… Còn lại là sau ngày ông Táo chầu Trời dù bận công việc đến mấy bố mẹ tôi cũng dành thời gian mua tiếp những thứ cần thiết phải dùng trong ba ngày Tết. Chủ yếu là hoa quả, thịt cá cùng các vật dụng thờ cúng gia tiên. Từ ngày bố tôi mất, mẹ tôi phải tự lo tất cả.

Mấy chục năm đã trôi qua, chị em chúng tôi lần lượt trưởng thành rồi ra công tác. Mỗi người một phương trời. Rồi lấy chồng lấy vợ. Thế là “định cư” luôn nơi mình công tác. Ở quê chỉ còn mẹ và vợ chồng chú Út. Tôi thấm thía và luôn nhớ lời mẹ nói trong bữa cơm chiều ba mươi Tết: “Mẹ không mong mâm cao cỗ đầy, chỉ mong ngày Tết các con về đông đủ, thấy đứa nào cũng khỏe mạnh, thành đạt, hạnh phúc là mẹ mãn nguyện lắm rồi”. Niềm vui của mẹ tôi chỉ giản đơn vậy thôi. Nói là tất cả chứ thật ra ngày Tết chỉ có bốn anh em trai thôi, bà chị cả và bốn cô em gái tôi còn phải lo phận dâu con bên nhà chồng. Chỉ có ngày giỗ bố tôi mới thật đủ đầy con cháu. Càng gần đến ngày Tết tôi chỉ ước sao có đôi cánh bay ngay về với mẹ. Để mỗi sáng được nhìn ngọn khói lam lan tỏa trên mái đầu đã bạc và dáng ngồi quá đỗi thân thương của mẹ. Tôi sẽ cùng mẹ dậy khi còn tờ mờ đất, nhen bếp lửa rực hồng để được nghe tiếng sôi lục bục trong cái nồi cơm thơm mùi gạo mới. Nhớ. Chao ơi là nhớ.

Những năm trước ai cũng muốn nhân dịp ngày Tết cổ truyền về thăm quê hương, ông bà, cha mẹ. Trước là tri ân đấng sinh thành, sau là đón Tết vui xuân. Hoặc đơn giản chỉ là ngày họp mặt sau một năm xa cách, để cùng kể cho nhau nghe chuyện vui buồn trong một năm đã qua, chuyện ăn Tết trong thời bao cấp. Dù chuyện được kể nhiều lần mà dường như nó vẫn còn tươi mới và chưa bao giờ giảm hấp dẫn. Nhưng Tết năm nay là một cái Tết đặc biệt. Mẹ tôi tròn 90 tuổi. Ngay từ giữa năm, qua điện thoại, chị em chúng tôi thống nhất sẽ tổ chức một cái lễ mừng thượng thọ cho mẹ thật vui, thật hoành tráng. Để khỏi có sự trùng lặp quà mừng, chị cả phân công từng người mua gì, sắm gì. Khỏi phải nói chín chị em chúng tôi cùng các con cháu háo hức mong chờ Tết đến như thế nào. Cuộc đời mẹ tôi chưa bao giờ ra khỏi lũy tre làng lấy nổi một tháng. Mái nhà này, mảnh đất này cùng những người xóm giềng gần gũi như một phần máu thịt của mẹ. Năm nào mẹ cũng tính toán cẩn thận chu toàn khi cái Tết cận kề. Mẹ còn chuẩn bị quà cáp theo sở thích của mỗi đứa con sau Tết trở về nơi công tác của mình. Đúng là hiểu con không ai bằng người mẹ.

Thế mà năm nay mẹ “ra lệnh” không ai được về. Điều này mấy chị em tôi công nhận là mẹ cập nhật tình hình dịch bệnh Covid-19 quá sát. Nhưng tôi cũng cho rằng đôi khi mẹ cứ quan trọng hóa vấn đề. Thế là bao ngày chuẩn bị cho một cái lễ thượng thọ của mẹ tan thành mây khói. Qua các phương tiện thông tin đại chúng tôi biết ở quê nhà cũng có dịch nhưng cả nước đang thực hiện theo Nghị quyết 128, không bị cấm đi lại. Tôi than thở với mẹ:

- Vậy là năm nay chúng con ăn Tết không có mẹ ở bên, không được ăn miếng bánh chưng, miếng thịt kho đông mẹ nấu. Con nhớ cành đào khoe sắc, nhớ cả cái rét cắt da cắt thịt xứ Bắc. Có lẽ Tết năm nay mất vui.

Mẹ an ủi:

- Cũng đành phải chịu con ạ. Trách nhiệm của chúng ta là phải thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch. Năm nay phải thay đổi cách ăn Tết. Nhà ai ăn Tết nhà nấy thôi. Ngay cả việc đi chúc Tết cũng thật hạn chế.

Tôi buồn và hẫng hụt trong lòng. Tết Nguyên đán đâu chỉ có chuyện ăn chơi mà còn là dịp ta tìm về những giá trị truyền thống của dân tộc. Những năm trước đây vì mê mải bon chen nên tôi không có thời gian thực hiện. Tôi quên đi những năm tháng tuổi thơ sống cùng cha mẹ cũng như những việc cha mẹ đã làm cho chị em tôi trong những ngày Tết. Khi dịch bùng phát lần thứ tư. Lần này dữ dội hơn, ác liệt hơn. Mẹ nhắc chị em tôi:

- Chớ có hoảng loạn, cứ bình tĩnh thực hiện quy định phòng chống dịch thì chẳng có gì phải lo lắng cả.

Tuy vâng lời mẹ nhưng thực tâm tôi chưa thông với quyết định của mẹ. Tôi a lô cho chị cả. Chị cả tôi là giáo viên cắm bản có tới ba chục năm trên tận Tây Bắc. Mẹ tôi thương chị và cũng cưng chiều chị nhất nhà. Mẹ bảo: “Chị cả các con vất vả nhất, thiệt thòi nhất, học hành chẳng được bao nhiêu vì phải lao động sớm để giúp cha mẹ nuôi các em ăn học”. Nghe tôi nói, chị cả bảo: “Chị cũng được cậu Út thông báo rồi. Thôi được, để chị vận động mẹ xem sao. Tính mẹ chắc cậu chẳng lạ gì”. Từ ngày có mạng xã hội, lại được sự trợ giúp của chú em tư kỹ sư tin học, gia đình tôi lập nhóm “Gia đình là tuyệt vời nhất”. Mọi vấn đề cần trao đổi đều được đưa vào trang. Như ngày nay người ta gọi là họp trực tuyến. Mọi cách trở về không gian bị xóa nhòa. Mẹ tôi tuy không am hiểu gì về tin học thì đã có chú Út bên cạnh hướng dẫn. Thế là tối 23, sau khi hoàn tất tiễn đưa ông Táo lên Trời, đại gia đình tôi lên mạng năn nỉ mẹ cho các con các cháu về mừng thọ. Tôi lên tiếng trước:

- Mẹ ơi, một năm đại gia đình ta có mấy ngày đoàn tụ đâu. Giờ mẹ lại bảo chúng con đừng về, thử hỏi còn gì là Tết nữa. Mà Tết năm nay lại rất đặc biệt là mừng mẹ thượng thọ. Các chắt cụ mong mỏi ngày này lắm đấy.

Không chờ mẹ nói, chị Cả tiếp lời:

- Mẹ à, khu vực con chẳng thấy con "Cô vi Cô veo" nào hết nha. Nói như thế để mẹ thấy là chúng con không tha con "Cô vi" nào về quê mình cả. Không phải chúng con chủ quan đâu. Gia đình con vẫn thực hiện mọi quy định của chính quyền. Chỉ cần mừng thọ mẹ xong là chúng con đi ngay.
Nghe xong, mẹ bảo:

- Mẹ biết, mẹ biết. Ngay quê mình cũng thế. Nhưng nói chung là tình hình dịch bệnh rất chi là phức tạp và căng thẳng. Nói dại, lỡ có chuyện gì xảy ra thì mẹ sẽ là người nhận hậu quả đầu tiên. Mẹ đã già lại mắc bệnh huyết áp. Không phải mẹ sợ chết đâu mà mẹ lo cho các con các cháu thành F1, F2 thì còn khổ hơn.

Tôi chen vào:

- Mẹ ơi, lúc nào chúng con cũng cảnh giác cao độ. Bằng chứng là đại gia đình mình đến giờ phút này chưa có ai bị dính con Covid. Mẹ gật đầu cho chúng con vui.

Mẹ vẫn lắc đầu:

- Không được đâu. Nhìn thấy con cháu vui vẻ hạnh phúc thế này mẹ toại nguyện lắm. Các con hãy nghe lời mẹ. Con thử nghĩ xem một ngày các con các cháu đi bao nhiêu nơi, tiếp xúc biết bao nhiêu người, làm sao biết được ai nhiễm bệnh ai không. Cái con "Cô vi" này hiểm độc lắm, có khi nhiễm bệnh cả chục ngày sau mới biết. Thôi, ai ở đâu cứ ở đấy cho mẹ an lòng.

Vợ tôi cũng góp lời:

- Công việc chúng con ở phố nhiều áp lực căng thẳng, chỉ mong mỏi được về quê gặp mẹ, gặp các chị các em thôi.

- Ừ, mẹ không hiểu công việc các con đang làm, không hiểu hết sự nguy hiểm của đại dịch nhưng các con thử tưởng tượng xem nếu như gia đình ta có một người là F0, F1 thì cuộc sống sẽ đảo lộn thế nào không? Tuy Tết năm nay gia đình ta không được sum vầy, mẹ không có lễ mừng thượng thọ nhưng mẹ vẫn ở bên các con cháu, tai vẫn nghe được lời chúc Tết, mắt vẫn nhìn được các con cháu quây quần.

Điều thật bất ngờ là cô Năm, cô Bẩy lại ủng hộ mẹ. Cô Năm nói:

- Em xin nói câu này. Nhà chúng em đều còn bố mẹ chồng, tuổi tác cũng xấp xỉ mẹ đây, lại nay ốm mai đau rất cần có người chăm sóc. Nếu chẳng may dính vào Covid thì nhà em vỡ trận luôn. Chúng em ủng hộ quyết định ăn Tết của mẹ.

Mẹ cười:

- Con Năm, con Bẩy nói rất chuẩn. Mẹ mong gặp các con chẳng kém các con đâu. Nhưng tình thế bây giờ nó vậy.

Biết không thể thuyết phục được mẹ, cô Ba cười tủm tỉm, nói như nửa vui nửa than thở:

- Mẹ nghe chừng sắt đá quá, kể cả với các con.

Mẹ cười thành tiếng, hở cả hai hàm răng cái còn cái mất: “Mẹ chỉ sắt đá với con Covid thôi”. Rồi mẹ động viên:

- Điều quan trọng lúc này là sự an toàn. Ăn Tết bớt vui một chút cũng không sao. Còn nhiều dịp mà!

Chừng như muốn lấy lại cái không khí vui vẻ đầm ấm ngày cuối năm trong buổi “họp trực tuyến”, mẹ bảo:

- Này các con, tuy Tết năm nay các con không về nhưng đừng quên lì xì đầu năm cho mẹ đấy. Người già ai cũng thích được mừng tuổi ngày Tết lấy may. Nhớ lấy, nhớ lấy.

Nhìn mẹ cười, mười tám người con cả dâu lẫn rể cùng cười mà lòng tôi rưng rưng muốn khóc. Tôi hiểu lòng mẹ luôn lo lắng đến các con các cháu như thế nào. Hóa ra gần 60 tuổi tôi vẫn chưa hiểu hết lòng mẹ.

Vâng lời mẹ, chị em chúng tôi không về quê ăn Tết nữa, nhưng vẫn phải chuẩn bị đón Tết. Tôi chọn cách mua các thứ qua mạng. Vừa tiện lợi vừa an toàn. Ngày 29 Tết cả nhà tôi quây quần thái thịt, rửa lá, gói bánh chưng, nấu nồi thịt đông. Điều gì không biết thì a lô hỏi mẹ hướng dẫn khiến tôi cảm giác như vẫn có mẹ ở bên. Thằng cháu đích tôn của tôi 13 tuổi vui nhất nhà vì lần đầu tiên được trực tiếp gói bánh cùng ông nội. Tối ba mươi Tết mọi công việc hoàn tất. Một năm đầy khó khăn vất vả được gột rửa tinh tươm. Một cái Tết ngọt ngào và hy vọng được mở ra. Một cái Tết thời Covid quá đặc biệt. 

Truyện ngắn của ​NGUYỄN SỸ ĐOÀN