Đi tìm ký ức chợ Giằng chiều áp Tết

Kinh tế - Ngày đăng : 20:30, 31/01/2022

Những người lớn tuổi ở các xã phía tây bắc, tây nam của huyện Cẩm Giàng vẫn gọi chợ Giằng - để nhớ về một thời khốn khó nhưng đầm ấm, vui vầy, nhất là những ngày cận Tết.

Chợ Giằng giờ họp quanh năm suốt tháng và bán không thiếu thứ gì, giống trên phố thị

Chợ Giằng là chợ cổ nhất ở huyện Cẩm Giàng, xuất hiện từ thế kỷ XIX cùng với phố huyện Cẩm Giang. Bây giờ, người ta gọi là chợ Cẩm Giàng, nhưng những người lớn tuổi đều nói "đi chợ Giằng", để nhắc con cháu rằng, muốn mua gì thì đến đó. Ở đó thứ gì cũng có, kể cả một phần ký ức không thể xoá nhoà.

Có nhiều cách lý giải về tên chợ Giằng, nhưng cách được nhiều người đồng tình nhất, đó là gọi theo tên làng Giằng ở đầu bên kia thị trấn.

Làng Giằng là tên nôm, tức làng Bình Lãng thuộc tổng Ngọc Trục, huyện Cẩm Giàng, là nơi có truyền thống khoa bảng, hiếu học với nhiều người đỗ đạt, làm quan. Nay làng Giằng là thôn Bình Phiên thuộc xã Ngọc Liên của huyện Cẩm Giàng. Gần đó, cây cầu phục vụ tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng do người Pháp xây dựng đầu thế kỷ XX cũng được gọi là cầu Giằng. Còn dòng sông nơi cây cầu vượt qua cũng được gọi sông Giằng.

Chợ Giằng không chỉ là chợ cổ mà còn họp nhiều phiên nhất huyện Cẩm Giàng. Mẹ tôi bảo, chợ Giằng họp tới 6 phiên mỗi tháng vào các ngày mùng 4, 9, 14, 19, 24, 29 âm lịch. Khi trước, chợ Giằng lớn nhất, là nơi trao đổi, mua bán của người dân tất cả các xã phía tây bắc, tây nam của huyện, gồm: Cẩm Sơn (nay là Định Sơn), Thạch Lỗi, Kim Giang (nay là thị trấn Cẩm Giang), Lương Điền, Ngọc Liên và Cẩm Hưng.

Mẹ kể, thời trước, những gì ngon ngọt nhất cũng thu hái đúng ngày chợ phiên để mong được giá. Nhằm các ngày họp chợ, từ tờ mờ sáng, người người lục tục châm đèn rồi cho nông sản, vịt gà... vào quang gánh quẩy đến chợ Giằng. Trong mờ mịt, rét cắt da cắt thịt, từng đoàn người nối tiếp nhau, chỉ thấy tiếng lầm rầm trong sương sớm, đến chợ thì trời vừa sáng. Hàng hoá không nhiều nhặn gì, nhưng chắc chắn đủ đầy cho một mâm cơm ngày Tết. Phía bên này là dãy hàng rau cần, rau sương muối, thì là, lá dong... còn tươi mơn mởn. Phía bên kia là cá, là gà, là lồng chó cún sủa nhặng xị vì mất mẹ... Sang hơn nữa thì đi sâu vào trong phố, với những dãy nhà vừa bật điện sáng choang. Ở đó bày bán nhiều tranh kính, tranh Đông Hồ, tranh cành đào, tùng - cúc - trúc - mai. Ở đó còn bày la liệt rượu cam, rượu chanh, mứt Tết. Những đứa trẻ như tôi ngày đó, thường níu tay mẹ mỗi khi đi qua hàng quần áo lượt là, nhưng chẳng mấy năm có manh áo mới. Khi bé, chợ Giằng với tôi là một thế giới ảo diệu vô cùng. Ở đó có những quán phở thơm nức mũi, có những bà, những chị diện dàng ngồi trong quán chào mời...

Lâu nay, năm nào tôi cũng về quê ăn Tết, và đưa con đến chợ Giằng. Chợ giờ không thiếu thứ gì, giống trên phố thị. Nhưng chợ họp quanh năm chứ không nhằm phiên như trước nữa. Không khí nhộn nhịp, vui vầy, nhất là những ngày áp Tết vì thế cũng vơi dần.

Tôi vẫn tìm về góc chợ, nơi có hàng bơm mực bút bi, ông cụ hàn giày dép nhựa, chú bé bán bóng bay xanh đỏ... nhưng người không còn ở đó. Giống như cái tên chợ Giằng, rồi cũng chỉ còn trong ký ức!

TIẾN HUY