Lưu giữ giá trị văn hóa của Tết truyền thống

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 00:38, 01/02/2022

Để những giá trị văn hóa truyền thống của Tết cổ truyền dân tộc không bị mất đi thì cần chú trọng  xây dựng, phát huy văn hoá gia đình.


Hoạt động trải nghiệm gói bánh chưng, luộc bánh chưng tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương 

Tết Nguyên đán là ngày hội cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, có phạm vi phổ biến rộng nhất và là ngày lễ tưng bừng, nhộn nhịp của cả dân tộc Việt Nam. Hiểu một cách đơn giản, chữ "nguyên" có nghĩa là bắt đầu, chữ "đán" có nghĩa là buổi ban mai, là khởi điểm của một năm mới. “Nguyên đán” có nghĩa là bắt đầu một năm mới.

Bản sắc văn hóa Tết của Việt Nam luôn gắn liền với nông nghiệp. Cái hồn của văn hóa Tết truyền thống biểu hiện ở việc nhà nhà gói bánh chưng, bánh tét để cúng ông bà tổ tiên, để ăn uống và để đãi khách. Ngày Tết nấu cơm cúng ông bà tổ tiên bằng các món ăn truyền thống dân tộc từ những sản vật của nông nghiệp. Con người Việt Nam ý thức cái Tết là sự hòa nhập, hòa điệu, giao hòa với thế giới. Tết cổ truyền còn là cái tết sum vầy của mọi gia đình, cộng đồng. Xóm làng cùng vui Tết, cùng ăn Tết với nhau, tiêu khiển giải trí với nhau, tặng quà tết với nhau, lì xì với nhau, thắt chặt tình cảm, điều này đã trở thành điều cốt lõi, nét tiêu biểu của Tết cổ truyền dân tộc.

Ngày nay, quan niệm về Tết đã có nhiều đổi thay, đặc biệt là một bộ phận thế hệ trẻ. Họ cho rằng Tết là “nghỉ Tết”, “chơi Tết” chứ không còn là “ăn Tết”. Sự sum họp ngày Tết dường như cũng không còn vẹn nguyên giá trị trong lòng người trẻ. Tết đến nhiều người lựa chọn tận hưởng một kỳ nghỉ dài, đón Tết bằng những chuyến vi vu du lịch  thay vì quay về bên mái ấm gia đình.

Gói bánh chưng bao đời nay luôn là nét đẹp của Tết truyền thống thì ngày nay, với giới trẻ đã trở thành hoạt động mới lạ. Thói quen gói bánh chưng Tết cũng dần mất đi trong thế hệ trẻ. Nhiều gia đình trẻ chọn cách mua bánh, đặt bánh thay vì cả gia đình cùng ngồi gói bánh.

Do vậy, để những giá trị văn hóa truyền thống của Tết cổ truyền dân tộc không bị mất đi, để văn hóa Tết được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thì cần chú trọng vào yếu tố gia đình. Thực hành văn hóa truyền thống ngày Tết thì cha mẹ phải là người dạy con cái mình, hướng dẫn con cái mình biết thực hành Tết truyền thống. 

Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ 4.0, tác dụng của các phương tiện báo chí, truyền thông trong việc giáo dục, tuyên truyền là rất hiệu quả. Các chương trình, thông tin, bài viết nói về văn hóa Tết, giải thích các ý nghĩa truyền thống Tết rất phổ biến, góp phần cho xã hội, đặc biệt là giới trẻ hiểu được văn hóa Tết, tạo hiệu ứng xã hội. Chúng ta ăn Tết trong sự hiểu biết truyền thống của mình để làm sao giữ gìn được các giá trị hồn cốt của cha ông mình từ hàng ngàn năm qua.

Ngoài những giá trị Tết cổ truyền dân tộc thì ở Hải Dương, phong tục Tết cũng có những nét riêng gắn liền với truyền thống văn hoá xứ Đông như truyền thống hiếu học, những phong tục, tập quán, lối sống tốt đẹp, lành mạnh của cộng đồng dân cư được lưu truyền và thể hiện qua các lễ hội truyền thống...

Thật ra, lớp trẻ hiện nay vẫn còn rất nhiều người háo hức về ngày Tết truyền thống. Nhiều người bị cuốn đi trong vòng quay thời cuộc nhưng khi tĩnh lại vẫn mong muốn trở lại với những giá trị xưa cũ, giá trị lâu bền của cha ông... Vì vậy chúng ta phải tiếp tục duy trì, bảo tồn và tuyên truyền, để những giá trị văn hóa tốt đẹp của Tết cổ truyền được giữ gìn và lưu truyền mãi đến các thế hệ tiếp theo.


NGUYỄN KHẮC DUY - THÀNH CHUNG