Thêm một Tết online đáng nhớ
Xã hội - Ngày đăng : 18:00, 01/02/2022
Anh Phạm Văn Duy, chồng của chị Nguyễn Thị Tình (sinh sống và làm việc ở Đài Loan) gọi điện thoại video cho vợ để thấy con trai và mình trang trí bàn thờ ngày Tết
Chị Nguyễn Thị Tình (37 tuổi) quê ở Kinh Môn, sinh sống và lao động ở Đài Loan đã 7 năm. Đây là Tết thứ hai chị không được ở bên chồng con.
Chia sẻ qua điện thoại chị Tình cho biết dù không được ăn Tết cùng gia đình nhưng chiếc điện thoại thông minh đã giúp nhiều người xa xứ như chị không lỡ hẹn cuộc đoàn viên. Mọi hoạt động ngày Tết vẫn được chị kết nối online qua Zalo với gia đình.
Một mình nơi đất khách quê người, không cùng ở bên chồng sẻ chia, bố chồng lại vừa qua đời khiến chị càng buồn và nhớ nhà hơn. "Chồng tôi thường xuyên dành thời gian điện thoại qua Zalo để tôi thấy được các hoạt động ở nhà như gói bánh chưng, mua sắm, trang hoàng nhà cửa. Nhất là nhìn thấy con trai khoẻ mạnh, cùng chồng đi mua bộ quần áo mới khiến tôi vơi bớt nỗi nhớ nhà", chị Tình nói.
Anh Phạm Văn Duy (39 tuổi) chồng chị Tình cho biết trước giao thừa 15 phút anh điện thoại video cho vợ để đón giao thừa, chúc Tết cùng cả gia đình.
Đêm giao thừa, gia đình chị Vũ Minh Châu đang sinh sống tại Mỹ gửi những lời chúc Tết tới ông bà ở TP Hải Dương qua Zalo
Chị Vũ Minh Châu (41 tuổi) quê ở TP Hải Dương đang sinh sống tại Mỹ. Đây cũng là Tết thứ hai gia đình chị không được ăn Tết cùng bố mẹ ở Việt Nam. Chị Châu nhớ không khí nhộn nhịp sắm Tết ở quê, thèm được bên gia đình ăn bữa cơm tất niên.
Chị Châu cho biết để các con không quên hương vị Tết cổ truyền của Việt Nam chị vẫn chuẩn bị mâm ngũ quả và nấu một số món ăn ngày Tết. Chị giới thiệu cho các con về bánh chưng và cách cắt bánh chưng. Mọi hoạt động đều được chị Châu điện thoại video về Việt Nam cho ông bà xem. Khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng, chị đã gọi video để gia đình chúc Tết ông bà, cùng mọi người cảm nhận không khí Tết dù không ở cạnh nhau.
Anh Bùi Văn Đăng cùng anh em, bạn bè, đồng hương đang sinh sống ở Nhật Bản quây quần bên mâm cơm tất niên và điện thoại về gia đình ở Việt Nam
Tương tự anh Bùi Văn Đăng (37 tuổi) quê Thanh Miện đang sinh sống bên Nhật Bản. Đây cũng là Tết thứ ba anh Đăng không được ở bên bố mẹ, anh em, bạn bè. Tối 29 Tết anh Đăng cùng những anh em, bạn bè người Hải Dương đang ở Nhật Bản cùng nấu những món ăn ngày Tết và quây quần bên mâm cơm tất niên. Mỗi người đều lần lượt gọi điện thoại video về gia đình để chúc Tết người thân. Họ vẫn như được tay bắt mặt mừng với bố mẹ, anh em nơi quê nhà; vẫn nhìn nhau hoan hỉ, khen nhau có cành đào thế đẹp, cây quất đủ cả tứ quý, thậm chí là lì xì online cho con trẻ.
Anh Đăng cho biết: "Mùng 1 Tết em trai tôi sẽ đi chúc Tết người thân trong họ hàng, đi đến nhà nào em tôi sẽ gọi điện thoại video để tôi chúc Tết mọi người".
Dịp Tết, nhiều người sinh sống, học tập và làm việc xa quê, định cư ở nước ngoài không có điều kiện về thăm ông bà, cha mẹ nhưng họ vẫn có thể cùng nhau quây quần đón mừng năm mới… trên mạng xã hội. Không thể lấp hết khoảng trống xa nhau nhưng họ vẫn cảm thấy tràn đầy ấm áp, yêu thương.
THẾ ANH