Những món ăn ngày Tết độc đáo

Ẩm thực - Ngày đăng : 07:30, 02/02/2022

Văn hóa truyền thống ngày Tết ở Hải Dương có nhiều nét đặc sắc, trong đó không thể không nhắc đến những món ăn được người dân chế biến trong dịp này.

Các món ăn đa dạng, phong phú, được chế biến từ những nguyên liệu gần gũi nhưng độc đáo, mang đậm hương vị quê hương.

Bánh dày



Đây là món ăn truyền thống được người dân một số nơi ở TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn và huyện Gia Lộc làm vào dịp Tết cùng với bánh chưng để dâng cúng thánh, gia tiên.

Nguyên liệu làm bánh dày nhất thiết phải là gạo nếp cái hoa vàng. Gạo được ngâm với nước trong khoảng 10 tiếng. Sau khi ngâm, đãi sạch gạo, để ráo nước và cho vào đồ trong khoảng 1 tiếng đến khi chín dẻo, thơm thì mang ra giã nhuyễn. Bánh dày sau khi được vo tròn sẽ được đặt lên lá chuối. Bánh có màu trắng, dẻo, thơm ngon. Người dân thường dâng bánh cúng thánh, gia tiên rồi chia lộc cho con cháu nhằm cầu mong một năm mới mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn.

Giò lây



Giò lây cũng được chế biến từ thịt lợn ba chỉ, là món ăn truyền thống ngày Tết của người dân nhiều nơi tại các huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ, Ninh Giang, Gia Lộc…

Người dân thường chuẩn bị một miếng thịt ba chỉ nguyên khối từ 2 - 4 kg. Thịt sau khi rửa sạch sẽ được ướp với bột canh, mỳ chính, tiêu, nước mắm... khoảng 30 phút; rồi dùng tay cuộn tròn, buộc chặt miếng thịt bằng lạt. Dùng lá chuối tươi cuộn kín miếng giò, tiếp tục bọc ở phía ngoài bằng một tấm bao dứa rồi đem đi luộc. Khi sôi, giữ lửa cháy nhỏ khoảng 4tiếng, sau đó vớt ra để nguội. Cho giò vào ngăn mát tủ lạnh đến khi đông thì thái miếng như giò lợn, chấm với nước mắm nguyên chất hòa cùng hạt tiêu. Món này nếu ăn kèm với dưa chua, hành muối sẽ ngon hơn.

Chả rươi



Với người dân các xã khu hạ ở huyện Tứ Kỳ, trong mâm cỗ ngày Tết nhất định phải có món chả rươi. Có nhiều món ngon chế biến từ loại đặc sản tự nhiên này. Tuy nhiên, người ta thường chế biến món chả rươi vì vị thơm ngon, từ trẻ nhỏ đến người già đều thích.

Để chế biến 2 đĩa chả rươi cỡ lớn sẽ cần 0,5kg rươi. Rươi rửa nhẹ nhàng với nước sạch, để ráo nước. Chuẩn bị khoảng 2 lạng thịt lợn xay nhuyễn, 2-3 quả trứng gà, các loại gia vị: gừng, hành, lá lốt, xương sông, rau mùi ta, mùi tàu, vỏ quýt, hạt mùi rang thơm, ớt, thì là, hạt tiêu. Cho rươi, thịt lợn xay, trứng và các loại gia vị thái nhỏ vào một chiếc thau hoặc nồi sạch. Sau đó nêm mỳ chính, nước mắm, hạt nêm, hạt tiêu vừa đủ rồi trộn đều.

Sau 30 phút, các loại gia vị ngấm đều vào rươi thì đem rán trên chảo dầu đã đun nóng. Đun vừa lửa để cho chả rươi chín đều đến khi có màu vàng ruộm là được. Chả rươi thường được ăn kèm với hành tía ngâm mắm ớt và rau thơm.

Hành cuốn thịt



Là một món ăn dân dã, dễ làm nhưng rất hấp dẫn, thường được nhiều gia đình ở các huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang chế biến vào dịp Tết.

Thịt ba chỉ rửa sạch, luộc với gừng, hành khô, một chút muối để loại bỏ mùi hôi. Hành tươi để nguyên cây, cắt rễ, rửa sạch rồi đem luộc. Rau mùi, rau răm, gừng tươi rửa sạch, thái lát mỏng như ăn kèm với trứng vịt lộn. Trứng tráng mỏng, thái con chì dài khoảng 2-3 cm. Thịt lợn đã chín cũng thái tương tự. Công đoạn cuối cùng là dùng miếng thịt, trứng, rau răm, mùi, gừng xếp ngang phía dưới củ hành, tiếp tục dùng lá hành cuộn thành miếng vừa ăn.

Khi thưởng thức món hành cuốn thịt ta sẽ cảm nhận được vị ngọt của hành, béo ngậy của thịt lợn, trứng và hương thơm của các loại rau gia vị. Món này ăn không bị ngán và phù hợp khi chấm với nước mắm gừng, tỏi, ớt pha chua ngọt.

Bánh lòng



Đây là món ăn không thể thiếu của người dân Kinh Môn trong dịp Tết. Họ làm thứ bánh truyền thống này để thờ cúng tổ tiên và thết đãi khách đến chơi nhà.

Nguyên liệu dùng làm bánh lòng gồm gạo nếp cái hoa vàng, đường, lạc, vừng, mứt dừa. Gạo nếp được đem nổ thành bỏng rồi nghiền nhỏ mịn. Đường trắng cô thành mật, lạc rang bỏ vỏ, vừng rang thơm, gừng giã lấy nước, mứt dừa. Cho tất cả những nguyên liệu này vào nồi đường đảo nhanh, đều tay cho đến khi bánh nhuyễn, se mặt, đem đổ vào khuôn gỗ để ép.

Bánh lòng mang hương vị rất đặc trưng, khi ăn cảm nhận rõ mùi béo thơm của gạo nếp cái hoa vàng, lạc, vừng, vị cay của gừng và độ ngọt vừa phải từ đường, mứt. Bánh ngon hơn khi thưởng thức cùng trà nóng.

Khau nhục



Đây là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của người dân tộc Hoa ở xã Bắc An (Chí Linh). Không ai biết món ăn này có từ bao giờ, chỉ biết do ông cha truyền lại.

Khau nhục (có nơi gọi khổ nhục) được chế biến từ thịt lợn ba chỉ. Để làm ra món khau nhục tròn vị, ngon đúng điệu, người Hoa ở Bắc An thường chọn mua những miếng thịt lợn ba chỉ tươi ngon. Thịt được luộc chín, vớt ra để nguội, dùng vật nhọn châm vào bì để nước thoát ra ngoài. Thoa nước cốt dừa thật đều lên bề mặt bì lợn rồi đưa vào chảo dầu quay cho tới khi bì lợn chuyển màu vàng và phồng rộp lên. Thịt được vớt ra, ngâm với nước ấm cho mềm, sau đó thái miếng dày 2 cm, dài khoảng 8-10 cm.

Thịt sau khi thái miếng sẽ cho vào bát to, ướp lẫn với tỏi khô băm nhỏ, củ địa liền, nước mắm, đường, mỳ chính, hạt tiêu, gừng... và cho lên bếp hấp cách thủy trong 2-3 giờ. Khi ăn, mọi người cảm nhận được mùi thơm đặc trưng của các loại gia vị hòa quyện với vị béo ngậy của thịt lợn...

Bánh phổi bò



Cùng ở xã Bắc An (Chí Linh), đồng bào dân tộc Sán Dìu lại coi bánh phổi bò (còn gọi là bánh mào gà, bánh rợm) là món ăn truyền thống trong dịp Tết. Vào dịp này, trong mâm cỗ của đồng bào nơi đây nhất thiết phải có bánh phổi bò để cúng tổ tiên.

Nguyên liệu làm bánh phổi bò có sẵn ở địa phương như gạo nếp cái hoa vàng, đỗ xanh, thịt lợn, đường... Cách làm bánh khá đơn giản. Gạo vo sạch, ngâm với nước ấm 60 độ C trong khoảng 1giờ. Vớt gạo ra để ráo nước, nghiền thành bột.

Đỗ xanh rửa sạch, nấu chín, đánh nhuyễn trộn với đường để làm bánh chay hoặc trộn với thịt lợn xào hành khô và hành hoa làm bánh mặn. Công đoạn tiếp theo là nhào bột nặn thành hình tròn, đường kính khoảng 10 cm, đưa vào nồi luộc đến khi nổi lên trên mặt nước. Bánh được vớt ra đánh nhuyễn trộn với nhân đường hoặc thịt lợn xào sẵn, lấy lá chuối gói lại và hấp cách thủy trong khoảng nửa giờ.

Bánh phổi bò khi ăn có vị đậm, béo ngậy của thịt lợn hòa quyện phảng phất với mùi thơm của hành hoa, lá chuối. Nếu là nhân chay, khi ăn bánh có vị thanh mát.

BÌNH MINH