Lời mời chào tươi và ngon...
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:04, 02/02/2022
Việc mở rộng diện tích nhà màng, nhà lưới giúp nâng cao chất lượng nông sản và thu nhập
Thành quả bước đầu trong sản xuất nông sản hàng hóa an toàn, hiệu quả kinh tế cao nhờ ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại theo hướng hữu cơ ở HTX Tân Minh Đức, xã Phạm Trấn (Gia Lộc) là một minh chứng cho triển vọng thành công tốt đẹp của đề án “Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030” của tỉnh.
Ngồi dưới giàn nho đã khô lá được che tấm bạt cũ, ấm nước vối nóng đặt trên bàn, vẻ dã chiến thoải mái, ông Phùng Thanh Mừng, Giám đốc và ông Hoàng Anh Thư, Phó Giám đốc HTX Tân Minh Đức vừa tiếp khách vừa điều hành công việc hằng ngày.
- Gọi là giám đốc nghe có vẻ “oai” hơn chủ nhiệm HTX, ông nhỉ?
Tôi hỏi vui ông Mừng nhưng quay sang ông Thư vì biết ông Mừng bị khản tiếng do di chứng ung thư thanh quản đã chữa lành. Ông Thư cười:
- Vẫn thế, quan trọng gì! Bây giờ đối tác làm ăn to nhỏ đều ký đóng dấu giám đốc cả. Còn phải làm ăn với đối tác nước ngoài nữa. Mình cũng phải hòa đồng chứ.
HTX nông nghiệp kiểu mới không đơn thuần là tổ chức sản xuất tập thể mà là một loại hình doanh nghiệp. Không quản lý trực tiếp ruộng đất, lao động, kho quỹ như xưa mà điều hành bằng hợp đồng liên kết tự nguyện của các thành viên, đứng ra cung cấp dịch vụ, cả đầu vào đầu ra. Xã Phạm Trấn (Gia Lộc) vốn có hai HTX là Quảng Đức và Minh Đức. Từ năm 2015 theo Luật HTX mới, đại hội thành viên biểu quyết đổi tên là Tân Minh Đức, có 174 thành viên, 37 ha canh tác, 1,6 tỷ đồng vốn cổ phần do các thành viên đóng góp. Đại hội nhiệm kỳ mới vừa qua ông Mừng, ông Thư vẫn tái cử. Tuổi đã ngoài sáu mươi nhưng tôi để ý hai ông sử dụng điện thoại thông minh khá thành thạo. Có mặt chăm chỉ trong các buổi tập huấn của ngành nông nghiệp ở tỉnh, ở huyện, về mày mò tra cứu trên internet, tự nghiên cứu bản vẽ thiết kế, không thuê thợ, tìm mua vật tư về cùng bà con xã viên dựng nhà màng khung thép, hợp đồng kỹ sư chuyên ngành hướng dẫn vận hành sản xuất theo công nghệ của Nhật Bản hay Israel trong nhà màng, nhà lưới thành công. Giờ HTX đã có hơn mười thành viên đầu tư lắp dựng và trang bị hệ thống điện, nước tổng cộng gần 60.000 m2 nhà màng ngoài đồng ruộng. Chuyển từ hai vụ lúa một vụ đông hầu như tất cả diện tích là trồng rau màu các loại, gieo trồng quanh năm, thu hoạch bốn mùa.
Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước diện tích nhà màng hoành tráng của ông Phùng Danh Út. Nhà màng của gia đình ông rộng 8.500 m2, lớn nhất HTX, kinh phí lắp dựng và thiết kế mặt bằng tới 30 tỷ đồng. Diện tích canh tác của gia đình dồn đổi vào một khu chỉ có 6 sào, nhưng ông đã kiên trì vận động “tích tụ” ruộng đất của 20 gia đình nữa. Người hợp đồng thuê đất ngắn hạn, người nhận tiền, người mười năm, người nhận thóc quy đổi từng vụ... Ông đã tập trung tạo mặt bằng với hệ thống đường điện, cấp thoát nước kiên cố, bể ngầm hàng trăm mét khối, bơm tưới nước chăm bón tự động… Chúng tôi đến gặp lúc ông Út cùng mấy người trong gia đình đang mải nhặt hạt dưa cho vào từng ô vuông nhỏ trong một cái khay ươm giống. Ông Út cho biết đây là giống dưa leo mua từ một công ty ở phía Nam nhập khẩu từ Hà Lan. Khu nhà màng này trồng khoảng 15.000-16.000 cây. Mỗi hạt khi trổ lá được trồng vào một giá thể làm từ xơ dừa, có ống dẫn nước tưới nhỏ giọt tự động tận gốc. Riêng giá ống dẫn và vòi nước bình quân mỗi gốc 8.000 đồng. Dưa giống Hà Lan giá 3.500 đồng một hạt. Thu mỗi lứa 4-5 kg quả, giá bán theo hợp đồng đã ký 35.000 đồng/kg. Mỗi vụ hái ba bốn đợt được khoảng 500 tấn, gia đình ông thu từ 500-700 triệu đồng. Dưa thu hoạch, sau khi HTX kiểm tra bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, dán tem nguồn gốc xuất xứ, ông đóng vào thùng xếp lên xe tải, chở đến tận nơi tiêu thụ theo lịch trong hợp đồng của HTX đã thông báo. Tiền bên mua chuyển thẳng vào tài khoản của ông. Hơn ba mươi năm chạy xe buôn rau quả khắp các tỉnh, ông bỏ nghề buôn đi vào đầu tư sản xuất, mải mê với công nghệ trồng rau sạch - cho thu nhập ổn định tăng tiến mỗi năm.
Cũng trong số thành viên "khỏe" như ông Út phải kể đến trang trại nhà màng 5.500 m2 của vợ chồng anh Viên, con trai ông Mừng. Trong khu nhà chỉ có một mình chị Viên bên luống dưa đang ngắt bông hoa kẽ lá trên ngọn chụp vào bông hoa phía dưới. Chị mặc bộ đồ bảo hộ màu cỏ úa có gắn quạt chạy pin chống nóng, khăn mũ trùm đầu che mặt, chỉ để lộ đôi mắt đen láy như đang cười chào khách.
- Chị tỉa bớt hoa hay thụ phấn vậy?
- Thụ phấn, gọi là "chấm hồng" bác ạ!
- Công phu quá nhỉ, với tất cả khu vườn này à?
- Không, chỉ "chấm hồng" mé này, tổ ong để xa không tới.
- Ô, có ong thụ phấn?
Với quy trình sản xuất sạch, sản phẩm của HTX Tân Minh Đức đã có được chỗ đứng tốt trên thị trường. Trong ảnh: Ông Phùng Danh Mừng hướng dẫn thành viên HTX trồng dưa Kim Hoàng Hậu cho năng suất cao
Tôi thêm một lần ngạc nhiên. Đầu bên kia khu nhà màng được đặt các tổ ong Ý, giống ong lấy phấn khỏe hơn ong nội để thụ phấn cho dưa sai quả. Tiền thuê 500.000-600.000 đồng/tổ ong, mỗi đợt khoảng 10 ngày, tùy thời điểm. Sản xuất theo công nghệ sinh học thật công phu. Tất cả trong khu nhà gồm nhiều khung giàn kết cấu thép không gỉ, trùm lên tất cả một lớp màng trắng đục như một khung trời riêng, tỏa ánh sáng, điều hòa nhiệt độ cho khu vườn. Mưa to, bão gió cấp tám, cấp chín cây trồng cũng không bị gẫy đổ, dập nát, nhất là ngăn sâu bướm, côn trùng gây bệnh. Hiện đại nhất là hệ thống tưới nước tự động. Từ bể đầu nguồn, phân bón vi sinh hữu cơ pha theo tỷ lệ thích hợp với từng thời kỳ phát triển của cây, lập trình nước, đúng giờ là máy bơm vận hành vào hệ thống ống dẫn nhỏ chăng trên cao, theo từng hàng cây. Dây dẫn nước cũng làm dây leo cho cây dưa. Đầu tưới có khía và dài hơn cái mỏ con chim dẽ run cắm xuống giá thể, nhỏ giọt vừa đủ độ ẩm cần thiết. Công việc lắp dựng nhà màng, chăm sóc cây trồng tự động ban đầu nhờ tư vấn kỹ thuật ngành nông nghiệp hướng dẫn, bây giờ vợ chồng anh Viên đã thao tác thành thạo. Theo chị Viên, sau công đoạn "chấm hồng" là công đoạn "tuyển quả". Dưa leo thì hái bỏ những quả bé, để lại bên dưới những chùm quả đều nhau. Dưa lê vân lưới thì mỗi cây chỉ giữ lại một quả to nhất, trọng lượng trên một kg. Tiếng là dưa loại nhưng là hàng sạch vẫn có giá trên dưới 20.000 đồng/kg, dân buôn hẹn trước đến mua hết bán ra chợ. Anh Viên lật lớp lá phía dưới gốc để lộ ra những chùm dưa chuột sai xúm xít, hái mời chúng tôi mỗi người một quả. Dưa leo giống Hà Lan quả dài vỏ xanh hơn dưa ta. Không phải lau rửa, trời nắng hanh khô khát, ăn ngay tại ruộng miếng dưa giòn và ngọt mát thật là ngon nghẻ.
Để hôm nay có thể ăn tươi quả dưa trong nhà màng hay quả cà chua chín ngoài ruộng, nông dân xã Phạm Trấn, đi trước là xã viên HTX Tân Minh Đức đã trải qua một quá trình thay đổi nhận thức, kiên trì, quyết liệt từ bỏ thói quen canh tác ăn xổi, chạy theo năng suất, vô tư rải phân hóa học, thuốc trừ sâu, trừ cỏ, trừ kiến cho đất đai nguồn nước bị đầu độc, cây trồng đều cằn cọc, héo úa, còn gây bệnh tật cho con người. Toàn dân đồng lòng góp sức hồi sinh đồng ruộng, tận dụng phân bón hữu cơ, cơ cấu lại mùa vụ, sản xuất sạch theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP, rồi GlobalGAP, biến đổi đồng ruộng hai vụ lúa một vụ màu thành một vùng sản xuất hàng hóa tập trung luân canh rau màu, sản phẩm sạch, vươn ra thị trường bằng uy tín và chất lượng. HTX xây dựng quy chế sản xuất an toàn chặt chẽ, sát sao kiểm tra đầu ra của sản phẩm. Rau quả giao cho bên mua nếu bị trả về do phát hiện không sạch (chủ yếu là dư lượng thuốc trừ sâu quá tiêu chuẩn cho phép) thì nhà vườn chịu hoàn toàn thiệt hại lô hàng không tiêu thụ được mà còn bị “cấm vận” tiếp mấy đợt sau. Vì HTX đã ký nhập hàng của thành viên cao hơn giá thị trường 5% do đã hợp đồng trước với các bên đối tác thương mại. Sự ràng buộc trách nhiệm trong nội bộ không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn là uy tín và danh dự của thương hiệu sản phẩm tươi và sạch của HTX Tân Minh Đức in trên con tem dán vào từng cái bắp cải, quả dưa vân, từng thùng đựng cà chua, dưa chuột…
Bữa trưa chúng tôi được mời cùng gia đình ông Mừng ngồi ăn xung quanh nồi lẩu thịt gà với rau gém là cải xanh, dưa vân non thái lát, đặc biệt là món dưa leo cắt khúc nén như nén cà, có vị chua nhẹ và giòn. Thật hạnh phúc khi vào mỗi bữa ăn ta không còn thấy gợi lên cảm giác băn khoăn về sự an toàn của miếng thịt, ngọn rau mua ngoài chợ. Ở Tân Minh Đức từ lâu không còn tình trạng nhà trồng hai luống rau, luống rau sạch để nhà ăn, còn luống rau phun thuốc trừ sâu đem bán ra chợ. Đây không chỉ là giải pháp đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn là danh dự, đạo đức của người nông dân làm ăn lương thiện…
Niềm tin thị trường mở ra triển vọng nông sản sạch của Tân Minh Đức rất khả quan. Buổi chiều, chúng tôi đang hỏi thêm ông Mừng, ông Thư về ý tưởng sản xuất nông sản hữu cơ thì chiếc xe bảy chỗ biển số Hà Nội của Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco tiến vào sân. Tiếp sau là chị cán bộ HTX Nông sản sạch Nam Vũ (xã Liên Mạc, Thanh Hà) bước vào phòng khách. Tự nhiên như người nhà, chị cười đặt trên mặt bàn một túi ổi quả to làm quà. Ông Mừng tiếp đoàn Công ty VinEco để thảo luận ký tiếp hợp đồng mua nông sản của Tân Minh Đức cho hệ thống siêu thị Vinmart năm 2022. Ông Thư tiếp bạn hàng mới từ xứ ổi Thanh Hà hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm. HTX Minh Đức còn có quan hệ gắn bó tin cậy với siêu thị Big C của Hà Nội, Big C Hải Phòng rồi Công ty Phân phối Hải Long (Quảng Ninh), Hải Minh (Hải Dương)… Những nơi này hồi đầu ông Mừng trực tiếp đến chào hàng, nay thì họ đánh xe đến nhận…
Thấy ông Mừng có khách, chúng tôi qua một cái sân rộng mới láng xi măng xuống thăm khu kho lạnh mới xây. Kho lạnh có sức chứa 100 tấn nông sản cùng hệ thống dây chuyền tự động rửa sạch, phân loại, đóng gói sản phẩm của Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc viện trợ được tỉnh đưa về Tân Minh Đức. Ông Thư cho hay nếu tình hình dịch bệnh Covid -19 đỡ căng thẳng thì sẽ tổ chức khánh thành khai trương kho lạnh vào dịp Tết Nguyên đán. Đã mong ước từ lâu, kho lạnh giúp HTX chủ động nguồn hàng, giữ tươi sạch, tăng chất lượng hàng hóa. Hiện đang mùa cải bắp, cà chua, dưa leo, dưa vân lưới, ngày nào cũng rất khẩn trương thu hoạch, bán hàng. Tôi ngạc nhiên khi biết hàng năm Tân Minh Đức chỉ nghỉ giao hàng có hai ngày là ba mươi và mùng một Tết Nguyên đán. Trước ngày này các đối tác đăng ký hẹn giờ giao nhận. Xe tải 8 tấn của HTX chuyển giao cho VinEco vào 3 giờ chiều, siêu thị Big C vào 8 giờ tối. Mỗi năm Tân Minh Đức bán ra thị trường từ 25.000-30.000 tấn rau các loại. Đắt hàng thế này thì vui thật!
Anh lái xe chắc không khỏi xúc động và tự hào trao những sản phẩm cuối cùng của bà con quê mình mang con tem in hai chữ tươi và sạch, để rồi sẽ hiện diện tin cậy trong bữa cơm sum họp năm mới của bao nhiêu gia đình, như trao gửi lời chào mời tươi ngon từ Tân Minh Đức.
NGUYỄN PHÚC LAI