Top 5 lò đào tạo nổi bật nhất của bóng đá Việt Nam

Trong nước - Ngày đăng : 09:58, 03/02/2022

Những lò đào tạo đã đóng góp và hứa hẹn sẽ mang đến những sản phẩm chất lượng cho các đội tuyển quốc gia. Dưới đây là 5 lò đào tạo đáng chú ý nhất.

1. TRUNG TÂM BÓNG ĐÁ THỂ THAO VIETTEL

Trung tâm thể thao Viettel đang duy trì sự ổn định với việc đào tạo ra rất nhiều tài năng cho bóng đá Việt Nam những năm qua. Trung vệ Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Thanh Bình, tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức là những sản phẩm chất lượng của  lò Viettel. Được biết, để có những sản phẩm chất lượng, Viettel đã xây dựng một hệ thống vệ tinh kéo dài khắp cả nước, được sàng lọc, chọn lựa một cách khắt khe theo những tiêu chí riêng. Đội ngũ chuyên gia, huấn luyện viên của Viettel đều là những người có chuyên môn giỏi. Các cầu thủ không chỉ được đào tạo kỹ thuật mà còn được học văn hóa và có ràng buộc điều kiện để tốt nghiệp các khóa bóng đá.

2. TRUNG TÂM BÓNG ĐÁ TRẺ HÀ NỘI

Khác với hầu hết các đội bóng chuyên nghiệp trong cả nước, Hà Nội FC không sở hữu một trung tâm hoặc học viện bóng đá đúng nghĩa, mà linh hoạt kết hợp nhiều mô hình đào tạo khác nhau để tạo nguồn cầu thủ đầu vào cho các lứa trẻ và đội 1. Cụ thể, nguồn cung cầu thủ chủ lực cho đội trẻ vẫn nằm ở lò Gia Lâm (thuộc hệ thống đào tạo bóng đá trẻ của Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội) và trước đây là Trung tâm bóng đá T&T VSH - đóng tại Cửa Lò (Nghệ An). Sau khi trải qua quá trình đào tạo cơ bản từ lứa U11 đến U15, các học viên sẽ được sàng lọc, cạnh tranh gắt gao để hy vọng có tên trong thành phần đội trẻ Hà Nội FC.

3. LÒ ĐÀO TẠO BÓNG ĐÁ TRẺ PVF

Lò đào tạo PVF có trụ sở tại Hưng Yên, được đánh giá là trung tâm bóng đá chất lượng và hiện đại bậc nhất Việt Nam. Trung tâm bóng đá này ra mắt vào tháng 6.2009. Trải qua 12 năm, PFV đã cho ra lò rất nhiều tài năng, đáng chú ý có Hà Đức Chinh, Bùi Tiến Dụng, Trương Văn Thái Quý, Đỗ Thanh Thịnh… Điều đáng tiếc nhất, PVF không sở hữu một đội bóng chuyên nghiệp nên chỉ chuyển giao cầu thủ cho các đội bóng hạng Nhất, V.League. Vừa qua, PVF chính thức được Tập đoàn Vingroup chuyển giao cho Tập đoàn Giáo dục Văn Lang. Với việc Tập đoàn Văn Lang sở hữu Câu lạc bộ Sài Gòn, ít nhiều cầu thủ của PVF (hoặc một cái tên khác trong tương lai) sẽ có “đầu ra” thay vì khi ra lò phải đi tìm bến đỗ.

4. HỌC VIỆN HOÀNG ANH GIA LAI

Sau hơn 15 năm tồn tại, Học viện Hoàng Anh Gia Lai Arsenal - JMG đã khép lại sứ mệnh tìm kiếm, đào tạo tài năng cho Hoàng Anh Gia Lai và bóng đá Việt Nam. Điều đáng tiếc, sau lứa khóa 1 và 2, lò Hoàng Anh Gia Lai JMG đã không còn sản sinh ra nhiều cầu thủ chất lượng. Dù sao, Trung tâm huấn luyện Hàm Rồng vẫn là một trong những lò đào tạo quy mô và và đáng hy vọng nhất của bóng đá Việt Nam. Dẫu chuyển đổi sang mô hình mới, nhưng chủ tịch Đoàn Nguyên Đức vẫn cam kết sẽ có những chiến lược để tiếp tục đào tạo ra những tài năng kế cận.

5. HỌC VIỆN BÓNG ĐÁ JUVENTUS VIỆT NAM

Năm 2018, Học viện Juventus Việt Nam thực hiện chương trình tuyển sinh đầu tiên tại Việt Nam và đã tìm ra 60 “ngọc thô” từ hàng ngàn thí sinh đăng ký khắp cả nước. Học viện Juventus Việt Nam tập trung tuyển sinh các em có năm sinh từ 2006 - 2009, đào tạo trong 7 năm để đến 2023 sẽ có lứa cầu thủ chất lượng đầu tiên xuất hiện. Học viện Juventus mở ra những hy vọng ở thì tương lai cho bóng đá Việt Nam.

Theo Bongdaplus