Sức xuân trên đồng ruộng

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:30, 04/02/2022

Những ngày đầu xuân Nhâm Dần, để bảo đảm thời vụ, nông dân ở các địa phương trong tỉnh đã xuống đồng gieo cấy, chăm sóc lúa và hoa màu, với hy vọng mùa màng bội thu.

Nông dân xã An Sơn (Nam Sách) chăm sóc rau mùi tàu

Phấn khởi

Mặc dù đang vui Tết với gia đình nhưng bà Dương Thị Xuyến ở thôn Thiện Đáp, xã Kim Xuyên (Kim Thành) vẫn tranh thủ lúc nắng ráo xuống đồng cấy nốt sào ruộng dang dở từ trước Tết. “Nhiều nơi ở huyện Kim Thành thường cấy sớm hơn các địa phương khác trong tỉnh. Phần lớn diện tích lúa đã được cấy từ trước Tết. Tết năm nay đúng đợt rét đậm, rét hại nhưng do giữ đủ nước nên lúa không bị ảnh hưởng. Năm ngoái, chúng tôi phấn khởi vì năng suất lúa đạt cao, ít sâu bệnh. Năm nay, hy vọng sẽ tiếp tục có một vụ mùa bội thu”, bà Xuyến chia sẻ.

Sáng mùng 3 Tết, vợ chồng ông Đỗ Văn Ba ở thôn Quan Sơn, xã An Lâm (Nam Sách) đã tất bật nhổ, bó sả để kịp giao hàng cho 1 quán ăn ở TP Hải Dương. Năm nay, vợ chồng ông chỉ trồng 1,5 sào sả nhưng thu lãi gần chục triệu đồng, gấp 3-4 lần cấy lúa lại không mất nhiều công chăm sóc. Cây sả ít sâu bệnh, cho thu hoạch được nhiều lần.

Vợ chồng ông Đỗ Văn Ba ở thôn Quan Sơn, xã An Sơn ( Nam Sách) thu hoạch sả để cung cấp cho nhà hàng

Cách đó không xa, chị Thủy ở cùng thôn Quan Sơn đang chăm sóc diện tích rau mùi tàu của gia đình. Chị Thủy cho biết vụ nào gia đình chị cũng trồng khoảng 1 mẫu mùi tàu. Loại rau này cho thu hoạch quanh năm nên nhiều hộ trong xã trồng. Hiện thương lái thu mua mùi tàu với giá từ 8.000-10.000 đồng/kg, tương đương trước Tết. Mùi tàu thường được tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… Mặc dù vẫn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng giá bán ổn định, khâu tiêu thụ tốt nên nông dân vẫn có lãi hơn 10 triệu đồng/sào mùi tàu.

Xã An Sơn hiện có 12,6 ha trồng mùi tàu theo tiêu chuẩn VietGAP, tập trung ở thôn Quan Sơn. Đây là vùng rau gia vị duy nhất của tỉnh hiện được cấp mã số vùng trồng, tạo thuận lợi cho xuất khẩu. Nếu được xuất khẩu, cây mùi tàu sẽ mang lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần các loại rau màu khác.

Mong bội thu

Ngoài tất bật gieo cấy, nông dân còn tích cực thu hoạch hành tỏi, chăm sóc rau vụ xuân, bảo đảm nguồn cung cho thị trường sau Tết và rằm tháng giêng. Gia đình anh Phạm Văn Hiếu ở thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) đang khẩn trương thu hoạch tỏi tây để chuẩn bị gieo cấy lúa xuân. Anh Hiếu cho biết: “Mỗi sào tỏi tây, gia đình tôi thu lãi hơn 10 triệu đồng. Vụ tới, tôi chuyển sang cấy lúa để cải tạo đất, chuẩn bị cho vụ xuân hè sắp tới. Tôi tin rằng với kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất của nông dân nơi đây thì vụ tới sẽ tiếp tục thắng lợi”.

Người dân bơm nước làm đất để chuẩn bị gieo cấy lúa xuân

Ông Phạm Văn Tính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Đạo cho biết năm nay, xã có khoảng 100 ha rau màu vụ đông, phần lớn đã thu hoạch trước Tết. Hiện chỉ còn 10-15 ha rau cuối vụ đang cho thu hoạch nốt. "Mặc dù thời tiết đầu vụ khó khăn nhưng chúng tôi đã khắc phục được. Mỗi sào rau cho thu lãi từ 4-8 triệu đồng, tùy từng loại rau. Vụ tới, nông dân tiếp tục trồng dưa hấu, lưa lê với diện tích khoảng 80 ha. Diện tích còn lại sẽ cấy lúa để cải tạo đất”, ông Tính nói.

Nông dân xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) đang xuống giống rau vụ xuân

Đến ngày 3.2 (tức mùng 3 Tết), toàn tỉnh đã gieo cấy được gần 600 ha mạ, lúa. Phần lớn diện tích mạ đã bảo đảm để nông dân gieo cấy đúng lịch. Hơn 14.800 ha rau màu vụ đông đã được thu hoạch, diện tích chưa được thu hoạch chủ yếu là hành, tỏi ở Kinh Môn và cà rốt ở Cẩm Giàng. Rau tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao hơn so với cùng kỳ các năm trước nên nông dân ra đồng sản xuất với tâm thế hân hoan, phấn khởi. Hiện toàn tỉnh cũng đã trồng được hơn 2.000 ha rau vụ xuân, nhanh hơn khoảng 500 ha so với cùng kỳ năm trước.

TRẦN HIỀN