Cẩm Giang có tự bao giờ?
Xã hội - Ngày đăng : 06:30, 05/02/2022
Cầu đường sắt có tuổi đời 120 năm nối thị trấn Cẩm Giang với quốc lộ 38 về phía tây
Thị trấn văn chương
Theo nhiều tư liệu, Cẩm Giang là thị trấn cổ của huyện Cẩm Giàng, có khoảng 400 năm nay. Còn Cẩm Giàng cũng là huyện lâu đời nhất của tỉnh Hải Dương. Ngay từ đầu, huyện có tên Cẩm Giang nhưng ở thế kỷ XVIII, khi Uy Nam vương Trịnh Giang lên ngôi, để kiêng húy nên đọc chệch thành Cẩm Giàng. Năm 2019, căn cứ Nghị quyết số 788 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thị trấn Cẩm Giang được thành lập sau khi sáp nhập với xã Kim Giang. Như vậy, thị trấn Cẩm Giang (dòng sông gấm) lại trở về với cái tên vốn có của mình.
Ở thị trấn Cẩm Giang bây giờ có Nhóm bút Hương hoàng lan tập hợp các học sinh yêu thích văn chương của thị trấn. Nhóm bút này do cô giáo Trần Thùy Linh, giáo viên Trường Tiểu học Cẩm Giang thành lập. Các sáng tác của thành viên trong nhóm đã được đăng tải trên báo chí, khiến cái tên Nhóm bút Hương hoàng lan càng được nhiều người biết đến. Song ít người, kể cả người Hải Dương biết, tại sao ở thị trấn nhỏ và khuất nẻo này lại có một nhóm bút trẻ phát triển nhiều năm nay? Nhóm bút ra đời xuất phát từ niềm yêu thích văn chương của các nhà văn nổi tiếng Việt Nam, trong đó có Thạch Lam - người sinh ra và lớn lên ở thị trấn này.
Thạch Lam cùng với 2 người anh ruột của mình (nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo) và một số nhà văn, nhà thơ khác đã thành lập nhóm Tự lực văn đoàn. Nay đất cũ của anh em nhà văn - còn gọi là cố trạch Tự lực văn đoàn - vẫn còn ở đó và nằm gần đường tàu hỏa Hà Nội - Hải Phòng, nơi hai chị em Liên, An trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam hằng ngày nhìn lên đoàn tàu sáng trưng và mơ tưởng về một cuộc sống khác. Hương hoàng lan ra đời cũng từ gợi ý của truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan của nhà văn nổi tiếng này.
Trong suốt chiều dài phát triển, thị trấn Cẩm Giang có một cộng đồng người Hoa sinh sống và làm ăn phát đạt. Họ đã trở thành một phần của thị trấn và đóng góp thêm cho Cẩm Giang những màu sắc đặc thù mà ít thị trấn nào có được, nhất là về ẩm thực. Một thị trấn nhỏ, trước khi sáp nhập chỉ có 2.000 dân nhưng là nơi nổi tiếng về thức ăn, đồ uống. Phở Tân, bánh cuốn Sáu Tì, cafe Hanh Lượng, bánh mỳ Xuân Thu, món nào cũng ngon, cũng hấp dẫn. Đến bây giờ, chỉ còn lại bánh cuốn Sáu Tì, cafe Hanh Lượng. Bà Sáu Tì là Hoa kiều nổi tiếng với nghề làm giò chả và bánh cuốn. Đến giờ con cháu bà có những quán bánh cuốn lớn nhất ở thị trấn, nhất là quán gần ga tàu, chỗ đi vào cố trạch Tự lực văn đoàn. Người quanh vùng coi đây là đồ ăn sáng quen thuộc, còn người ở xa cũng tìm đến để thưởng thức món bánh cuốn nóng hổi và những miếng chả thái to theo lời giới thiệu.
Thị trấn nhỏ quanh co, giữ lại được gần như toàn bộ các tuyến đường quy hoạch từ thời Pháp thuộc, khi Cẩm Giang là huyện lỵ, nơi người Pháp đặt bộ máy cai trị ở mảnh đất này. Và trong cái không gian yên tĩnh ấy vẫn còn đâu đây hình bóng của vườn hoa con cóc, tháp nước ven đường sắt, những lô cốt lớn phía trên là ụ pháo hay những quán rượu tây dập dìu khách hằng đêm lui tới...
Và lịch sử
Được coi là "từ điển sống" của thị trấn Cẩm Giang, ông Nguyễn Quang Thông sinh ra và lớn lên ở đây đã dày công tập hợp tư liệu, hình ảnh và ghi chép những đổi thay của thị trấn. Cha ông là cụ Tự Dung, người đầu tiên của cả vùng có hiệu ảnh. Bây giờ, những người già trong vùng còn lưu giữ được những bức ảnh đen - trắng cũ, viền có răng cưa thì y như rằng góc dưới ảnh có in nổi chữ Tự - Dung. Trong cuốn "Thị trấn Cẩm Giàng 50 năm xây dựng và phát triển" in năm 2008 còn in nhiều bức ảnh cũ và rất quý của cụ Tự Dung như tháp nước, cầu đường sắt Cẩm Giàng...
Ngày 17.8.1945, người dân vùng lên giành chính quyền, chiếm giữ đồn bốt của Pháp ở thị trấn Cẩm Giang và biểu dương lực lượng. Cẩm Giàng là nơi giành chính quyền đầu tiên trong tỉnh, sau đó phong trào cách mạng lan rộng ra các huyện, thị xã của Hải Dương. Ngoài đường Thạch Lam, ở thị trấn Cẩm Giang còn có các đường Chiến Thắng, Độc Lập... để ghi nhớ những ngày Tháng Tám lịch sử. Ông Thông cho biết trước đây đã đề xuất ý tưởng xây dựng một cụm biểu tượng hoặc tượng đài ghi dấu nơi giành chính quyền đầu tiên trong tỉnh tại đây. Cùng với khu lưu niệm Tự lực văn đoàn được xây dựng, thị trấn Cẩm Giang càng trở nên đặc biệt so với các thị trấn ở nhiều nơi khác.
Ngày nay, ở thị trấn Cẩm Giang còn tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, nhà ga cùng cầu đường sắt chạy qua là những chứng nhân lịch sử ghi dấu một phần sự hình thành và phát triển đi lên của thị trấn. Cầu đường sắt là tuyến huyết mạch nối tuyến phố chính của thị trấn với quốc lộ 38 về phía tây trong chiến tranh đã nhiều lần bị tàn phá. Cây cầu dài 35 m chỉ có một làn đường dành cho xe cộ, bên cạnh là đường sắt. Ở giữa thị trấn là ga tàu hỏa, một trong những ga lớn trên tuyến đường sắt đi qua tỉnh Hải Dương. Nhà ga có thiết kế đẹp, càng làm cho thị trấn vương nét xưa cũ của một thời lịch sử. Nhà thơ Lữ Giang đã viết những câu thơ khi một lần bước xuống ga đường sắt này: Chừng buổi tàu về ga cũ đồng quê/ Làm thức dậy cái ngôi hàng xén nhỏ/ Có hai chị em hiền như khoai lúa/ Nhìn tàu đi lại đóng cửa đợi chờ...
Theo ông Nguyễn Ngọc Đường, Chủ tịch UBND thị trấn Cẩm Giang, sau khi sáp nhập với xã Kim Giang, đời sống kinh tế - xã hội của thị trấn càng thêm phong phú với 2 nhiệm vụ song song là tiếp tục phát triển dịch vụ và nông nghiệp. Tình hình an ninh trật tự trước đây có thời điểm phức tạp song nay đã trở nên nền nếp. "Dù có phát triển đến thế nào thì thị trấn Cẩm Giang cũng vẫn giữ được những nét xưa phố cũ cùng truyền thống lịch sử, văn hóa và không gian mà bao thế hệ người dân chung tay xây đắp", ông Đường nói.
CẨM LINH