Làm gì để Hải Dương có đội bóng đá chuyên nghiệp?
Trong tỉnh - Ngày đăng : 05:30, 06/02/2022
Các tuyển U11, U13 Hải Dương có chất lượng tốt, nhiều cầu thủ sau này trở thành nòng cốt cho các đội tuyển. Trong ảnh: Cầu thủ Duy Khánh (Kim Thành) trong màu áo U13 Viettel
Có lực lượng kế cận hùng hậu và đang hội tụ những điều kiện quan trọng khác, nhiều người cho rằng đây là thời điểm chín muồi để Hải Dương xây dựng một đội bóng đá chuyên nghiệp.
Điều kiện đáng mơ ước
Từng theo sát tình hình bóng đá của Hải Dương, từ các tuyến đào tạo trẻ cho đến những cầu thủ đang thi đấu thành công tại giải chuyên nghiệp và các đội tuyển quốc gia, cựu cầu thủ đội Công an Hà Nội Nguyễn Đức Thịnh cho rằng, Hải Dương đang hội tụ các yếu tố mà nhiều địa phương muốn xây dựng đội bóng đá chuyên nghiệp mơ ước. Hải Dương có hệ thống đào tạo trẻ rất tốt, từng thi đấu thành công ở giải vô địch quốc gia U11, U13. Những lớp cầu thủ này sau đó tiếp tục phát triển ở các lò đào tạo chuyên nghiệp khác và hầu hết thi đấu thành công ở giải hạng nhất, giải vô địch quốc gia và cả đội tuyển quốc gia Việt Nam. Điều này không phải địa phương nào cũng có được. Trong lịch sử giải vô địch quốc gia, từng có tỉnh "xây nhà từ nóc" mua hẳn một đội bóng về đá nhưng lớp kế cận không có nên chỉ vài năm xuống hạng rồi giải tán. Theo ông Nguyễn Đức Thịnh, điều kiện về con người Hải Dương hiện hoàn toàn có thể đáp ứng được. Vấn đề là ngoài U11, U13 thì cần có thêm các lứa trẻ theo yêu cầu và hệ thống cơ sở vật chất tập luyện cho các cầu thủ. "Trong vài năm tới, Hải Dương có một đội bóng đá chuyên nghiệp thì cũng không bất ngờ và là đội bóng được chú ý nhiều khi đây là nơi sản sinh ra rất nhiều cầu thủ chất lượng cao", ông Thịnh cho biết.
Đồng ý với nhận xét này, danh thủ Thế Anh, cựu tuyển thủ quốc gia Việt Nam, từng thành danh với Câu lạc bộ Thể Công cho rằng yếu tố con người là quan trọng nhất thì nhìn vào thực tế cho thấy Hải Dương đã cơ bản đáp ứng được. "Con người ở đây gồm người đá bóng thì Hải Dương đã có sẵn và người đứng ra để bắt tay vào xây dựng đội bóng. Bóng đá Hải Dương xây dựng được nền móng khá vững chắc và tạo được sự tin tưởng cho các cấp lãnh đạo cùng với người dân. Hải Dương hiện chưa có tên trên bản đồ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, song họ giống như cậu bé chưa biết nói, biết cười, chỉ cần có một lời hiệu triệu là sẽ bung ra trở thành Thánh Gióng", danh thủ Thế Anh ví von.
Tiền vệ Hoàng Đức đang dần trở thành trụ cột của tuyển quốc gia Việt Nam
Những nhận xét của các cựu cầu thủ nói trên hoàn toàn phù hợp với đánh giá của những người dân Hải Dương yêu thích môn túc cầu. Anh Trần Công Mười ở Kim Tân (Kim Thành) rất hào hứng nói chuyện về tương lai khi Hải Dương có một đội bóng đá chuyên nghiệp. Con anh Mười là cầu thủ Trần Duy Khánh đang trong đội hình U13 Viettel và đi lên từ lò đào tạo trẻ Hải Dương. Theo anh Mười, để có một đội bóng đá chuyên nghiệp cần nhiều thứ và cơ bản Hải Dương đáp ứng được. "Khi có đội bóng đá giải hạng nhất, hạng nhì, Hải Dương chắc chắn thu hút được nhiều cầu thủ về đầu quân. Khi thi đấu ổn định ở hạng nhất, nhì, chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện để thăng hạng. Nếu bắt tay vào thực hiện ngay thì chỉ sau vài năm tới Hải Dương sẽ có đội bóng. Nhìn sang các tỉnh đã có đội đá hạng nhì, hạng nhất như Hòa Bình, Phú Thọ... thì Hải Dương cũng hoàn toàn có thể làm được", anh Mười nhận định.
Cơ hội chín muồi
Theo ông Trịnh Công Quyền, nguyên Giám đốc Sở Thể dục, Thể thao (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), xây dựng đội bóng đá là mong mỏi của nhiều thế hệ người Hải Dương nhưng phải có rất nhiều điều kiện cần và đủ. Đây là lúc Hải Dương nên bắt tay vào thực hiện điều này và cần coi là một nhiệm vụ quan trọng. Ông Quyền cho biết, khi ông còn là Giám đốc Sở Thể dục, Thể thao, việc hình thành đội bóng đá chuyên nghiệp đã được thai nghén nhưng khi đó điều kiện cơ sở vật chất, kinh tế của địa phương còn khó khăn nên chưa thể triển khai. "Hải Dương hiện đã tự thu - chi ngân sách, có các doanh nghiệp đủ mạnh để nuôi một đội bóng đá. Người Hải Dương đam mê bóng đá, có tố chất thể thao... Đó là cơ sở quan trọng để tỉnh hình thành cơ chế thành lập một đội bóng đá, phù hợp với nguyện vọng của người dân và để thể thao Hải Dương phát triển đều khắp hơn nữa", ông Trịnh Công Quyền nói.
Tiến Linh - cầu thủ người Hải Dương - đã góp công lớn đưa Việt Nam lần đầu tiên lọt đến vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á. Trong ảnh: Tiến Linh trong trận lượt đi giữa tuyển Việt Nam và Australia trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình
Cũng theo ông Quyền, lịch sử thể thao Việt Nam trong quá khứ và hiện tại đã ghi nhận sự đóng góp lớn của các cầu thủ bóng đá người Hải Dương. Ở thập niên 50, 60 của thế kỷ XX, Hải Dương đã có "đội tuyển bóng đá chân giày" (hạng A) toàn miền Bắc, với những danh thủ như Lê Thế Thọ, Phùng Mạnh Ngọc, Phạm Ngọc Khánh... Năm 1987, Hải Dương vô địch hạng A2 toàn quốc và thăng hạng A1, tương đương V-League bây giờ.
Còn hiện nay là những lớp cầu thủ thế hệ mới đã và đang thành danh cùng các đội tuyển trẻ, tuyển quốc gia Việt Nam gặt hái nhiều thành công trên các đấu trường khu vực và quốc tế. Những cầu thủ Hải Dương như Tiến Linh, Văn Toàn, Hoàng Đức, Văn Thanh, Đức Huy, Triệu Việt Hưng... đã góp công lớn để U23 lần đầu tiên trở thành nhà á quân U23 châu Á, vô địch SEA Games, vô địch AFF Cup và vào đến vòng loại cuối cùng World Cup 2022.
"Để có đội bóng chuyên nghiệp cần phải xã hội hóa mạnh mẽ. Đó là thu hút sự đầu tư của doanh nghiệp. Hưng Yên đang làm được điều này, khi doanh nghiệp bắt tay vào thì đã có đội Phố Hiến đang đá thành công tại giải hạng nhất", ông Quyền cho biết.
TIẾN HUY