Tháp Tường Long - điểm đến ngày đầu xuân
Khám phá - Ngày đăng : 10:53, 06/02/2022
Tháp Tường Long toạ lạc trên đỉnh núi Long Sơn cao 95,2 m so với mặt nước biển, là ngọn núi cao nhất trong dãy Cửu Long của bán đảo Đồ Sơn (Hải Phòng). Theo các nhà nghiên cứu, tháp được xây dựng vào năm 1058, đời vua Lý Thánh Tông. Tương truyền, tháp là nơi "tụ sơn tích thuỷ" nên thu giữ được khí thiêng của trời đất.
Tháp có tên là Tường Long do vua Thánh Tông mơ thấy rồng vàng hiện ra ở điện Trường Xuân, ý muốn ghi lại một điềm lành. Cùng với tháp Báo Thiên ở kinh đô Thăng Long, tháp Tường Long là một trong hai công trình Phật giáo kỳ vĩ nhất vào thời vương triều Lý (1010-1225) khi đạo Phật phát triển mạnh và được tôn làm Quốc giáo.
Trải qua hàng nghìn năm, toà tháp cổ chỉ còn lại nền móng hình vuông. Toà tháp hiện tại mà du khách ghé thăm là phiên bản phỏng dựng có quy mô 9 tầng, hình vuông, cao 37,14 m. Công trình được khánh thành vào ngày 19.11.2017 chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập quận Đồ Sơn. Việc phỏng dựng, tôn tạo tháp Tường Long nhằm tôn vinh giá trị lịch sử văn hoá, kiến trúc, nghệ thuật, phát huy bản sắc dân tộc, giữ gìn cho hậu thế những di sản của tiền nhân, góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho nhân dân và du khách.
Vỏ tháp được xây dựng bằng gạch gốm với các hoa văn, hoạ tiết theo mỹ thuật thời Lý, tinh xảo và mềm mại. Hình tượng rồng thời Lý với phần mào, mũi, bờm đặc trưng.
Quần thể di tích chùa tháp Tường Long gồm tháp Tường Long, nhà che hố khảo cổ học và khu quần thể chùa tháp Tường Long. Trong đó có tháp Tường Long được UBND TP Hải Phòng công nhận là điểm du lịch. Từ khuôn viên chùa tháp, du khách có thể trải mắt nhìn toàn cảnh quận Đồ Sơn và bờ biển lộng gió. Ở 4 cạnh của mái chùa trang trí hình tượng đầu rồng thời Lý mũi dài miệng rộng và chim Anh Vũ bằng đất nung.
Những ngày đầu năm, du khách thập phương đổ về để cầu cho một năm an lành, có sức khoẻ và may mắn. Đinh Thị Hạnh (áo đen trắng), nhà ở An Đồng, Hải Phòng, năm nào cũng cùng gia đình đi lễ và du xuân ở đây. "Từ khi biết đến ngôi chùa tháp này, Tết năm nào mình cũng đến đây để cầu may. Chùa có không gian rộng, nhiều chỗ để chụp ảnh nên rất hợp để cùng gia đình đến đây du xuân", Hạnh chia sẻ.
Bên trong chùa, nhạc Phật an nghiêm được phát liên tục, khiến du khách gần xa đến đều có cảm giác thanh tịnh, tĩnh tâm. Trong ảnh là bức tượng Phật cao nhất trong ban tam bảo.
Du khách đến tham quan quần thể không chỉ đến làm lễ mà còn có cơ hội tìm hiểu lịch sử, văn hoá qua di tích khảo cổ học tại nhà che hố khảo cổ. Di tích tháp cổ còn nền móng hình vuông, cạnh dài 7,86 m, lòng tháp rỗng, có diện tích khoảng 9 m2. Những viên gạch xây tháp được tìm thấy có khoét lõm, độ sâu vừa phải, khung hình chữ nhật, in nổi hai hàng chữ Hán về niên đại xây tháp: "Lý gia đệ tam đế, Long Thuỵ Thái Bình tứ niên tạo".
Bên trong chùa có nhiều tiểu cảnh, tượng Quán Thế Âm Bồ Tát và các vị chư Phật. Điểm nhấn trong quần thể di tích là công trình "Chùa vàng Thiên Trúc" được dát vàng bên trong. Đây là công trình tâm linh mang nét văn hoá Phật giáo nối liền giữa cổ và kim, truyền trống và hiện đại. Chùa vàng Thiên Trúc là biểu trưng của cõi Phật, vừa là nơi phục vụ việc tâm linh tín ngưỡng cho nhân dân còn có tác dụng trấn yểm cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh.
Bên trong quần thể di tích trồng và được biếu tặng nhiều loại hoa, như mộc lan, hoa đào, bưởi... Trong đó, hoa mộc lan tượng trưng cho nhân phẩm và sự cao thượng còn hoa đào trong khuôn viên đang nở rộ, hiện vẫn còn nhiều nụ. Sắc hồng đem đến không khí vui tươi, ngập tràn màu sắc của một mùa xuân đã đến.
Ở khu vực cổng tháp có gian hàng đầu xuân, trong đó du khách có thể đến xin chữ ông đồ để lấy may, với mong muốn một năm mới an khang, thịnh vượng.
Quần thể hút nhiều khách trong và ngoại tỉnh đến tham quan, chụp ảnh, xuất hành đầu xuân lấy may. Du khách có thể kết hợp tham quan biển Đồ Sơn và tham quan chùa Hang, đền Bà Đế ở gần đó.
Theo VnExpress