Tổng thống Mỹ: Chấm dứt đường ống Nord Stream 2 nếu Nga vượt biên giới Ukraine
Tin tức - Ngày đăng : 08:41, 08/02/2022
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: REUTERS
"Nếu Nga điều quân, dù là xe tăng hay quân đội vượt qua biên giới Ukraine một lần nữa, thì sẽ không còn Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương bắc 2) nữa. Tôi hứa với ông là chúng ta sẽ kết thúc nó", Tổng thống Mỹ phát biểu trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng với Thủ tướng Scholz.
Theo hãng tin AFP, tuyên bố của Tổng thống Biden là tuyên bố thẳng thừng nhất cho đến nay về số phận của đường ống dẫn khí đốt mới khổng lồ, đã hoàn thành, nhưng chưa vận chuyển khí tự nhiên đến Đức - nơi rất khát năng lượng, đặc biệt là trong mùa đông.
Tuy nhiên, Thủ tướng Scholz đáp lại một cách mập mờ hơn và chỉ hứa rằng sẽ "đoàn kết" với Mỹ. Ông Scholz không rõ ràng về mức độ sẵn sàng trừng phạt Nga của Đức nếu Nga tấn công vào biên giới Ukraine.
Ông cho biết Đức và Mỹ "tuyệt đối thống nhất" về các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, nhấn mạnh rằng "chúng tôi sẽ không hành động khác nhau, sẽ đồng hành và các biện pháp phản ứng sẽ rất khó khăn với Nga".
Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức họp báo chung tại Nhà Trắng ngày 7.2. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi về Nord Stream 2, ông Scholz liên tục tránh nhắc đến tên đường ống này và cũng tránh trực tiếp xác nhận rằng mình ủng hộ việc loại bỏ nó.
Về phía ông Biden, khi được hỏi làm thế nào ông có thể chấm dứt đường dẫn khí đốt Nord Stream 2 trong khi Đức kiểm soát một phần quan trọng của cơ sở này, Tổng thống Mỹ trả lời: "Tôi cam đoan chúng tôi sẽ có thể làm được".
Ông Scholz đã bị Ukraine và một số người ở Mỹ chỉ trích do tỏ ra tương đối im lặng trong việc bảo vệ Ukraine.
Đức không tham gia cùng với Mỹ và các đồng minh NATO khác ở châu Âu trong việc gửi vũ khí đến trợ giúp quân đội Ukraine. Liệu Đức có thực sự sẵn sàng từ bỏ Nord Stream 2 - được xem là một trong những biện pháp khắc nghiệt nhất trong danh sách các đòn trừng phạt tiềm năng với Nga - còn là điều bỏ ngỏ.
Dù sao đi nữa, có thể thấy cả ông Biden và ông Scholz đều sử dụng cuộc họp báo sau cuộc hội đàm của họ để khẳng định không có gì khác biệt giữa đôi bên.
"Đức hoàn toàn đáng tin cậy. Tôi không nghi ngờ gì về Đức cả", ông Biden nhấn mạnh. Trước khi bước vào cuộc họp, ông Scholz cũng khẳng định với các phóng viên: "Chúng tôi (Đức và Mỹ) là đồng minh thân thiết, hành động phối hợp và thống nhất".
Theo Tuổi trẻ