Hiệu quả ứng dụng thiết bị tách ép chất thải chăn nuôi lợn
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 20:51, 10/02/2022
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cẩm Giàng kiểm tra thiết bị tách ép chất thải chăn nuôi
Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Đoàn ở thôn Kim Đôi, xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) hiện có 350 con lợn nái và 2.000 con lợn thịt. Để xử lý chất thải trong chăn nuôi, những năm trước gia đình ông phải xây dựng nhiều hầm biogas, đào hàng mẫu ao, đầu tư lắp máy tách ép chất thải chăn nuôi của nước ngoài. Thời gian đầu sử dụng, vận hành thiết bị tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, khi chất thải trong bể thu chuyển dạng huyền phù thì trục vít hay bị kẹt, bó trục, vỡ hộp số. Hộp số thay thế phải đặt mua từ nước ngoài nên chi phí cao, ảnh hưởng đến quá trình thu gom xử lý chất thải.
Từ năm 2021, gia đình ông Đoàn áp dụng thiết bị tách ép chất thải chăn nuôi lợn theo dự án “Ứng dụng thiết bị tách ép thải chăn nuôi lợn (NTM-VTL21) công suất tối thiểu từ 3-5/m3/giờ”, thuộc đề tài “Nghiên cứu đề xuất công nghệ phù hợp xử lý chất thải chăn nuôi quy mô trang trại vừa và nhỏ thành phân bón hữu cơ” do Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam triển khai. Từ khi sử dụng thiết bị này, thời gian tách phân nhanh hơn, giảm được công lao động, thu được lượng chất thải rắn nhiều hơn so với thiết bị cùng loại của nước ngoài. Đến nay, gia đình ông Đoàn tiếp tục lắp đặt thêm 2 máy tách ép chất thải chăn nuôi NMT - VTL21.
Thạc sĩ Phạm Chí Trung, Trưởng Phòng Nghiên cứu khoa học và tư vấn kỹ thuật (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam) cho biết nội dung Đề tài “Nghiên cứu đề xuất công nghệ phù hợp xử lý chất thải chăn nuôi quy mô trang trại vừa và nhỏ thành phân bón hữu cơ” là lắp đặt thiết bị tách phân, vận hành, cải tiến, thu gom chất thải sau ép để sản xuất phân bón hữu cơ. Thiết bị tách này được chế tạo, cải tiến kết hợp công nghệ sàng rung và công nghệ trục vít để khắc phục nhược điểm trong hoạt động tách pha rắn và pha lỏng, giúp thời gian tách phân nhanh hơn, thu được lượng chất thải cao hơn. Việc lắp đặt thiết bị không cần cải tạo các điều kiện chuồng trại, bể thu, bể nước thải… giúp hộ chăn nuôi dễ dàng sử dụng. Quy trình này đã tận dụng triệt để hệ thống thu gom chất thải, các hồ thuỷ sinh (ao cá), các hầm biogas hiện có của trang trại, rút ngắn thời gian xử lý chất thải.
Theo ông Phạm Văn Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cẩm Giàng, trong những năm gần đây, hoạt động tách ép phân để xử lý chất thải chăn nuôi đã được một số hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Cẩm Giàng áp dụng. Tuy nhiên, việc xử lý chất thải trong chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn đang gặp áp lực rất lớn về quỹ đất phục vụ xử lý, máy móc trang thiết bị phải nhập từ nước ngoài gây khó khăn trong việc sửa chữa, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi chưa được xử lý dứt điểm. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tổ chức các hoạt động phối hợp nghiên cứu như tham vấn, điều tra nông hộ, theo dõi triển khai, hội thảo tham vấn, tổ chức tập huấn tuyên truyền tới 30 hộ chăn nuôi quy mô vừa và lớn để nhân rộng việc ứng dụng mô hình này.
LÊ SƠN