Ba chữ “an” cho người lao động

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:34, 12/02/2022

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc công nhân, lao động có được 3 chữ “an”, đó là an toàn, an tâm và an cư.

Đến thăm và động viên doanh nghiệp dịp đầu xuân Nhâm Dần 2022, ngoài khích lệ các doanh nhân, người lao động thực hiện đồng bộ các giải pháp để có một năm tăng trưởng bứt phá, các đồng chí lãnh đạo tỉnh còn chúc công nhân, lao động của tỉnh có được 3 chữ “an”, đó là an toàn, an tâm và an cư. Quả thật, đối với nhiều công nhân, lao động của Hải Dương nói riêng cũng như cả nước nói chung có được 3 chữ “an” đó là hạnh phúc. 

Hai năm qua, nhiều doanh nghiệp của tỉnh đã gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đặc biệt, sau Tết Tân Sửu 2021, nhiều doanh nghiệp đã phải tạm ngừng sản xuất để đối phó với dịch bệnh. Những doanh nghiệp duy trì sản xuất thì cũng phải đối diện với nguy cơ thiếu đơn hàng, khan nguyên liệu do chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Đời sống của công nhân, lao động gặp khó do phải nghỉ làm hoặc bị cắt giảm lương, thưởng. Đi làm trở lại dịp đầu xuân mới này, nhiều công nhân, lao động bày tỏ mong ước doanh nghiệp luôn được an toàn để yên tâm lao động, sản xuất.

Để có được sự an toàn cho công nhân thì trước hết phải bắt đầu từ chủ doanh nghiệp. Mặc dù số công nhân, lao động đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 trong tỉnh chiếm tỷ lệ khá cao nhưng không vì thế mà chủ quan. Tuy nhiên, sự cẩn trọng của doanh nghiệp thôi chưa đủ mà còn cần ý thức của mỗi người lao động. Bởi ngay sau Tết, số lượng F0 của Hải Dương đã tăng vọt, nhiều ngày lên đến hơn 1.000 ca mắc. Chỉ cần một lao động chủ quan không thực hiện tốt các quy định phòng chống dịch thì nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 trong doanh nghiệp có thể xảy ra bất cứ khi nào và hệ quả ra sao thì hẳn nhiều lao động đã thấy rõ. Vì vậy, người lao động không chỉ cần thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch ở nơi làm việc mà còn phải thực hiện nghiêm khi về nhà. 

Khi môi trường làm việc an toàn, công nhân, lao động sẽ an tâm làm việc mà không phải tìm cách “nhảy việc”. Sự an tâm đó ngoài bắt nguồn từ an toàn, còn cần sự quan tâm của doanh nghiệp tới đời sống vật chất và tinh thần cho họ. Người lao động không chỉ cần mức lương, thưởng tốt mà họ còn cần môi trường làm việc thoải mái, khích lệ được tinh thần cống hiến, sáng tạo, được học tập, nâng cao trình độ và tay nghề. Người lao động được bảo vệ, có mức thu nhập tốt thì sẽ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Các chủ doanh nghiệp cũng không phải đôn đáo lo đi tuyển dụng lao động sau kỳ nghỉ Tết. 

Cuối cùng là vấn đề “an cư”. Câu chuyện nhà ở cho công nhân, lao động luôn là trăn trở của lãnh đạo tỉnh cũng như người lao động ở Hải Dương. Hiện nay, nhu cầu nhà ở của công nhân, lao động trong tỉnh rất cao nhưng để đáp ứng được yêu cầu này vẫn còn nhiều vướng mắc. Theo thống kê của Sở Xây dựng, đến nay toàn tỉnh mới có khoảng 30 doanh nghiệp xây được nhà ở hoặc bố trí chỗ ở cho công nhân, lao động. Con số này quá nhỏ so với số doanh nghiệp đang hoạt động và số công nhân đang làm việc trên địa bàn Hải Dương. Họ phải thuê nhà trọ bên ngoài, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, tình hình an ninh trật tự chưa được bảo đảm. Do đó, điều mong mỏi của công nhân, lao động trong xuân mới là các doanh nghiệp sớm có chính sách quan tâm lo chỗ ở cho họ. Đây là điều kiện rất quan trọng để lao động có thể yên tâm cống hiến và gắn bó với doanh nghiệp. 

Người lao động là tài sản quý giá của doanh nghiệp. 3 chữ “an” cũng là nguyện vọng chính đáng của người lao động dịp đầu xuân mới. 

BẢO ANH