Smigus - Dyngus - Ngày hội "thủy chiến" Ba Lan

Khám phá - Ngày đăng : 18:36, 12/02/2022

Nói là thủy chiến song đó chỉ là một trò chơi hết sức vui nhộn, náo nhiệt dù rằng ai nấy đều ướt sũng từ trên xuống dưới.

Các chàng trai đợi bên ngoài, chờ các nàng đi ra là nhanh tay té nước vào người

Trò chơi thủy chiến (Smigus-Dyngus) đã có từ đầu thế kỷ XIV, xuất phát từ việc trẻ con tinh nghịch, nhất là các em nam hay chọc đùa các em gái. Vào ngày Phục sinh thứ hai, các em nam thường tìm tới nhà, mò vào tận giường và dội những gáo nước lạnh, thậm chí thùng vại vào người của bạn, khiến bạn gái phải vùng dậy, rồi mấy đứa đuổi nhau chí chóe.

Sở dĩ như vậy vì người Ba Lan coi chuyện ngủ nướng trong lễ Phục sinh của bất kể ai đều là một việc làm biếng nhác, thiếu tôn trọng thần thánh. Về sau, trò vui trên đã trở thành ngày hội lớn dành cho cả hai giới, tuy nhiên người chủ động đi té nước vẫn là các anh chàng muốn gây sự chú ý ở bạn khác giới. Vẫn rình mò ở cửa, song hiện giờ các anh không được vào nhà mà chỉ đợi bên ngoài, chờ các nàng là người mình thương đi ra, nhanh tay té một xô nước vào bạn. Cũng có lúc các thiếu nữ chủ động đứng ngồi thành hàng một chỗ hoặc tập trung thành tốp đâu đó, đợi các chàng “ra tay” vì họ cũng ngầm để ý tới nhau rồi. 

Có khi các cô gái đứng thành hàng chờ "người thương" té nước

Để “trả đũa”, các bạn nữ thường chọn hôm sau để “phạt bạn”. Mỗi cô gái xách một xô nước và hiện giờ có thêm súng máy phun nước rượt đuổi theo các bạn trai, dội nước tung tóe để bạn ướt sũng. Đường phố do vậy lênh láng, thậm chí giăng phủ hơi nước vì chỗ nào người ta cũng té nước mù trời. Ở những nhà cao tầng, họ còn dội nước từ trên cao xuống vào đầu hành khách, tất nhiên là những người quen trước tiên như một lời cầu chúc mọi điều tốt lành sẽ đến trong ngày xuân và năm mới.

Những cô gái xinh đẹp thường được nhiều chàng trai săn đón té nước

Ở Ba Lan, người dân bắt đầu đón xuân vào những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 khi tuyết tan và trời ấm áp. Mọi người thường đun một xô nước ấm, hoặc lấy ngay nước lạnh té vảy vào nhau như một nghĩa cử chúc thọ, chúc phúc. Lễ Phục sinh mừng Chúa cứu thế sống lại cũng diễn ra từ chủ nhật cuối tháng 3 cho đến hết một tuần lễ nên người Ba Lan xem đây là một dịp để mừng Chúa Phục sinh, xuân mới, năm mới cũng như cuộc sống trở lại bình yên, khang thái. Ngày hội ngoài ra cũng có ý nghĩa của một sự thanh tẩy, gột đi tất cả những bặm bụi, bệnh tật, lo âu và việc té nước lên trời, vung vẩy khắp nơi là để đánh thức mưa xuân, mang đến một mùa vụ bội thu rực rỡ.

Cùng với té nước, các chàng trai còn cầm theo những nhành liễu để phất vào mông hay vụt vào chân các cô gái họ thích, khiến các nàng phải nhảy tưng tưng, tránh né. Một thiếu nữ có thể được rất nhiều chàng trai, cá biệt cả làng để ý nên trong ngày này cô sẽ liên tục bị té nước.

Đường phố lênh láng, giăng phủ hơi nước

Để tránh bị té, các cô gái có một cách là vào chủ nhật đã nhắn với bạn trai là không té nước và chuẩn bị một giỏ trứng vẽ, tỉa gọt là trứng Phục sinh Pisanki rất sặc sỡ, đa họa tiết gồm những phong cảnh thiên nhiên, cây cỏ, con người, sinh hoạt để tặng cho bạn. Với người Ba Lan, trứng cũng có ý nghĩa tương tự như nước mang tới sự lắm con, nhiều cháu, hạnh phúc và tài lộc, những màu sắc cùng hoa văn trên trứng cũng tượng trưng cho sự màu nhiệm, đổi mới và tốt lành từng ngày… Đôi bạn trẻ sau đó cùng ăn trứng và rủ nhau đi sang nhà khác để xem cô bạn thân chưa chọn được người yêu sẽ bị chọc ghẹo bởi những người theo đuổi như thế nào...

Hình ảnh ngày hội thủy chiến được in trên đồng xu của Ba Lan

Như vậy Smigus-Dyngus gồm hai phần: Smigus gắn với việc dội nước, “đánh yêu”, vui đùa của tuổi trẻ và Dyngus gắn với việc tặng quà, thăm nhà, chia sẻ niềm vui, sự ngọt ngào, tâm đầu hợp ý của các đôi uyên ương hoặc bằng hữu thân cận trong dịp đầu xuân.

Vì ý nghĩa vui vẻ, nhân văn của ngày hội nước, xưa nay đã có rất nhiều tranh ảnh, bưu thiếp, tiền tệ của Ba Lan đặc tả về Smigus-Dyngus, trở thành một nét đẹp văn hóa đặc sắc, riêng có của nước này tại khu vực và thế giới.

CHU MẠNH CƯỜNG