Những số liệu đặc biệt về giáo sư ngành toán
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 11:40, 13/02/2022
Theo GS.TSKH Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành toán học, từ trước tới nay, việc xét đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư ngành toán luôn được làm rất chặt chẽ.
Đặc biệt, nhiều người được đạt chức danh giáo sư ngành toán còn có hồ sơ với những kết quả cao hơn so với quy định chung.
GS Lê Tuấn Hoa thống kê tính đến năm 2019, đã có 91 người được công nhận giáo sư toán học, trong đó có 4 giáo sư được công nhận đặc cách (là Giáo sư Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm (trước 1980), Ngô Bảo Châu (năm 2005) và Vũ Hà Văn (năm 2009)).
Như vậy, nếu tính 3 giáo sư được công nhận năm 2020 thì đến nay đã có 94 người được công nhận là giáo sư toán học.
Năm 2021, theo đề nghị của Hội đồng Giáo sư ngành toán học, chỉ có duy nhất TS Nguyễn Sum (Khoa Toán, Trường Đại học Quy Nhơn) đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư toán học.
GS Lê Tuấn Hoa đã có một thống kê tính tới đầu năm 2020 (không bao gồm 4 giáo sư được công nhận đặc cách và 3 giáo sư được công nhận vào tháng 12.2020 là GS Lâm Quốc Anh - sinh năm 1974, GS Trần Văn Tấn (sinh năm 1976) và GS Lê Anh Vinh (sinh năm 1983)).
Cụ thể, theo GS Lê Tuấn Hoa, trong 87 giáo sư, ngoài 6 giáo sư được công nhận đợt 1 đương nhiên không qua chức danh phó giáo sư, thì chỉ có 9 giáo sư được phong thẳng.
Đó là các giáo sư: Nguyễn Hữu Anh, Nguyễn Xuân Lộc, Nguyễn Đình Ngọc (năm 1984), Đinh Dũng, Nguyễn Văn Khuê, Đào Trọng Thi, Trần Đức Vân (1991) và Trần Văn Nhung, Nguyễn Văn Thu (1992). Mới chỉ có 2 nữ giáo sư được công nhận là GS Hoàng Xuân Sính (47 tuổi, năm 1980) và GS Lê Thị Thanh Nhàn (45 tuổi, năm 2015).
Người trẻ nhất khi được công nhận là GS Phạm Hoàng Hiệp, đạt chuẩn chức danh giáo sư năm 2017, khi 35 tuổi.
Tiếp theo là GS Nguyễn Quang Diệu (37 tuổi, năm 2011), GS Lê Anh Vinh (37 tuổi, năm 2020), GS Ngô Việt Trung (38 tuổi, năm 1991) và GS Sĩ Đức Quang (38 tuổi, năm 2019).
Người cao tuổi nhất là GS Đỗ Văn Lưu (75 tuổi, năm 2019).
Tuổi bình quân khi được công nhận giáo sư là 51,7 tuổi.
Ban chấp hành Hội Toán học Việt Nam khóa 1 với những nhà toán học danh tiếng. Hàng đầu (từ trái sang): Hoàng Tụy (thứ 3), Nguyễn Thúc Hào (4), Lê Văn Thiêm (5), Nguyễn Cảnh Toàn (6), Nguyễn Đình Trí (7)
Trong số những giáo sư làm việc trong nước, có 13 người đã mất. Có 41 giáo sư hoặc đã trên 70 tuổi, hoặc đã quá 60 tuổi và đã về hưu, không còn làm nơi nào cả.
Như vậy, chỉ còn 35 giáo sư chưa quá 70 tuổi và còn làm việc (kể cả ngoài công lập). Tuổi bình quân của các giáo sư này là 61 tuổi, và chỉ có 11 giáo sư dưới 60 tuổi.
Theo MathSciNet, nếu tính tổng số bài quốc tế đã đăng trong toàn bộ sự nghiệp cho đến thời điểm này, thì trong 35 giáo sư nói trên, người có nhiều công trình nhất là 142 bài, còn người ít nhất là 25 bài. Tính bình quân, mỗi giáo sư công bố 63,6 bài. Đa số bài được liệt kê là các công bố quốc tế, và ước tính hơn 2/3 số bài được đăng ở tạp chí ISI.
Một vấn đề được dư luận quan tâm tiếp theo là việc nghiên cứu sau khi được công nhận. Ở Việt Nam, có một e ngại là sau khi được công nhận chức danh giáo sư thì nhiều người sẽ thôi làm nghiên cứu. Rất đáng mừng là tất cả 35 giáo sư này vẫn hăng say nghiên cứu.
Chỉ có điều rất khó làm thống kê, vì nếu tính số lượng tuyệt đối, thì thông thường những người được công nhận đã lâu sẽ có số lượng cao hơn. Ngược lại, nếu tính tỷ số công trình trên số năm được công nhận, thì ở những người mới được công nhận, thông thường con số sẽ lớn hơn (do lúc mới được công nhận còn trẻ và còn đang sung sức).
Theo MathSciNet, người có tỷ số thấp nhất là 0,85 bài/ một năm (giáo sư này đã được công nhận 13 năm), còn người có tỷ số cao nhất là 9 bài/năm (giáo sư này mới được công nhận 1 năm), người có tỷ số cao thứ nhì là 5,61 bài/năm.
Điều đó có nghĩa là sau khi được công nhận, mỗi giáo sư bình quân mỗi năm công bố ít nhất gần 1 công trình. Nếu tính trung bình của cả 35 giáo sư, thì con số là 2,2 bài/1 năm/1 giáo sư (bằng tổng số bài chia cho tổng số năm – cả hai thông số đều tính từ khi công nhận giáo sư - của tất cả 35 người).
Theo GS Lê Tuấn Hoa, đây là một con số khá cao, chứng tỏ ham mê nghiên cứu và năng lực sáng tạo của các giáo sư sau khi được công nhận vẫn được phát huy, thậm chí trong nhiều trường hợp còn hiệu quả hơn so với trước lúc được công nhận.
Các chuyên ngành có nhiều giáo sư được công nhận gồm có: lý thuyết tối ưu, giải tích phức, phương trình đạo hàm riêng, phương trình vi phần và hệ động lực, lý thuyết xác suất và thống kê toán học và đại số giao hoán.
"Theo ước tính của chúng tôi, hiện có khoảng 300-350 phó giáo sư. Trong số đó, không đến 100 người có tuổi ít hơn 60. Rất may, một số không nhỏ trong số đó còn tương đối trẻ và có thành tích nghiên cứu tốt. Hy vọng trong thời gian sắp tới họ sẽ tiếp tục phát huy được khả năng của mình để nhanh chóng được công nhận chức danh giáo sư và gánh vác trách nhiệm phát triển nền toán học Việt Nam của các thầy, cô, các lớp đàn anh để lại" - GS Lê Tuấn Hoa nói.
Theo Vietnamnet