Người cao tuổi bệnh nặng do rét đậm kéo dài

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 18:01, 13/02/2022

Liên tiếp những ngày qua trời rét đậm kéo dài nên nhiều người cao tuổi đã phải nhập viện trong tình trạng bệnh nặng và nguy kịch.


Bác sĩ Bệnh viện Phổi theo dõi sức khỏe bệnh nhân tại Khoa Hồi sức cấp cứu

Bệnh viện Phổi những ngày vừa qua tiếp nhận từ 20-30 bệnh nhân cấp cứu, nhập viện/ngày. Hiện bệnh viện đang điều trị cho 150 bệnh nhân, phần lớn diễn biến nặng với các biểu hiện bệnh lý như: viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), ho ra máu, giãn phế quản, ung thư phổi… Trong số này, bệnh nhân COPD chiếm trên 50% nhập viện với đợt cấp nặng, một số rất nặng và nguy kịch.

Bác sĩ Phan Thị Hoài Thu, Phó Giám đốc bệnh viện khuyến cáo: “Thời tiết rét đậm, người già, đặc biệt là người có bệnh lý hô hấp mạn tính có nguy cơ cao mắc bệnh. Đặc biệt đối với những bệnh nhân COPD rất dễ tái mắc các đợt cấp nguy hiểm".

Cũng bởi ảnh hưởng của trời rét nên nhiều bệnh nhân Covid-19 cũng diễn biến nặng. Ngày 13.2, Bệnh viện Phổi điều trị 23 trường hợp, trong số này 10 ca phải thở máy xâm lấn và 3 trường hợp nguy kịch. Số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, nguy kịch và các bệnh nhân cấp cứu nặng tăng cao gây áp lực lớn cho đội ngũ cán bộ y tế trong việc chăm sóc và cấp cứu.

Ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tại các Khoa: Nội hô hấp, Hồi sức tích cực và Chống độc, Đột quỵ, Trung tâm Tim mạch... số bệnh nhân cấp cứu diễn biến nặng cũng tăng mạnh. Ngoài các bệnh về hô hấp, tim mạch và các bệnh lý khác, nhiều người cao tuổi phải nhập viện do đột quỵ.

Sáng 13.2, Khoa Đột quỵ Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị 40 bệnh nhân. Những ngày rét đậm vừa qua mỗi ngày có từ 5-10 bệnh nhân nhập viện. Nhiều bệnh nhân đột quỵ do bệnh lý tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch… Trong số bệnh nhân đang điều trị tại đây có tới 30% bị chảy máu não. Các bác sĩ tại khoa cho biết thời tiết rét đậm kéo dài rất nguy hiểm đối với sức khỏe người cao tuổi đặc biệt là những người có tiền sử tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường...

Gần đây, không ít người bị đột quỵ lúc khoảng 4-5 giờ sáng vì dậy đi vệ sinh, gặp gió lạnh dẫn đến tai biến. Một số gia đình lầm tưởng người thân bị cảm nên tiến hành cạo gió, uống nước đường, nước gừng... càng gây nguy hiểm thêm. Các bác sĩ khuyến cáo, khi thấy người thân đột quỵ với các triệu chứng chân tay run rẩy, đi lại khó khăn, miệng méo và các triệu chứng khác nặng hơn cần thực hiện sơ cứu đúng cách như: để bệnh nhân nằm yên, nới rộng quần áo, theo dõi sắc mặt, nhịp thở. Nếu bệnh nhân nôn, cần để đầu nghiêng sang một bên, dùng tay lấy các chất nôn từ mũi và miệng bệnh nhân. Nếu bệnh nhân co giật, cần để bệnh nhân nằm nghiêng đề phòng bệnh nhân cắn vào lưỡi và đưa ngay đến cơ sở điều trị để tranh thủ thời gian vàng cấp cứu người bệnh.

Những ngày thời tiết rét đậm kéo dài các bác sĩ cũng khuyến cáo mọi người đặc biệt là người cao tuổi luôn phải mặc ấm, hạn chế tối đa việc ra ngoài vào ban đêm hoặc dậy sớm tập thể dục khi ngoài trời lạnh sâu. Tránh những nơi gió lùa, không nên thay đổi cơ thể nóng lạnh đột ngột, ăn đủ chất dinh dưỡng, kiểm soát huyết áp. Tuyệt đối không tập trung đông người và thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc điều trị bệnh khi chưa được khám và tư vấn của bác sĩ. Những người mắc bệnh mạn tính như: tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường… tuyệt đối tuân thủ y lệnh của bác sĩ trong quá trình theo dõi sức khỏe và sử dụng thuốc điều trị bệnh tại nhà.

ĐỨC THÀNH