Xem xét việc bổ sung quyền tác giả đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca
Tin tức - Ngày đăng : 18:42, 15/02/2022
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 8, chiều 15.2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Sửa đổi, bổ sung 102 điều
Trình bày Báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện tác động của chính sách, bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao thì quy định trong Luật, những vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm hoặc cần phải có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong từng giai đoạn thì trong Luật xác định một số nguyên tắc chung để giao quy định chi tiết.
Với tinh thần đó, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 102 điều của Luật Sở hữu trí tuệ (tăng 11 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2), có 12 điều sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, bãi bỏ một số quy định tại 5 điều. Về cơ bản, các nội dung tiếp thu, chỉnh lý đã có sự đồng thuận, nhất trí giữa Cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng đây là dự án Luật khó, chuyên môn sâu; việc tiếp thu, giải trình thể hiện được trong báo cáo là bước tiến lớn.
Sau phiên họp này, các cơ quan tiếp tục hoàn thiện báo cáo, có thể xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Bên cạnh đó, nội dung này liên quan rất nhiều đến người dân, doanh nghiệp nên cần lấy thêm ý kiến của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc...
Về các vấn đề lớn Chính phủ xin ý kiến, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành quy định giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước cho tổ chức chủ trì; đồng thời đề nghị mở rộng giao quyền đăng ký đối với giống cây trồng và một số đối tượng của quyền tác giả (chương trình máy tính).
Đồng thời, các đại biểu lưu ý cần có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức chủ trì và tác giả để thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Các đại biểu cũng thống nhất phương án không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và giữ nội dung này như Luật hiện hành.
Bảo đảm tính bao quát, toàn diện và đầy đủ
Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại phiên thảo luận là quyền tác giả, quyền liên quan đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Theo đó, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị bổ sung Điều 24a về quyền tác giả, quyền liên quan đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca vào Luật Sở hữu trí tuệ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo
Theo đó, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân không được lạm dụng quyền tác giả, quyền liên quan để ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định việc pháp luật quy định chặt chẽ về việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là cần thiết nhằm bảo đảm sự tôn nghiêm của các biểu tượng quốc gia trong đời sống xã hội, bảo đảm quyền lợi của người dân được thụ hưởng Quốc ca Việt Nam.
Tuy nhiên, về phương án bổ sung Điều 24a do cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy cơ quan chủ trì soạn thảo chưa cung cấp đầy đủ luận cứ, thông tin để có cơ sở xem xét, quyết định. Cụ thể là pháp luật hiện hành và dự thảo Luật đã có đủ các quy định để điều chỉnh vấn đề quyền tác giả, quyền liên quan đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca hay chưa?
Vụ việc ngắt âm thanh Quốc ca Việt Nam trong thời gian qua là pháp luật hiện hành thiếu quy định để điều chỉnh hay do tổ chức thực hiện? Kinh nghiệm quốc tế về luật hóa quy định quyền tác giả, quyền liên quan đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca và mô hình phù hợp với Việt Nam? Đánh giá tác động đối với quy định này.
Ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh Luật Sở hữu trí tuệ là đạo luật điều chỉnh về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với tính chất là một loại tài sản dân sự (tài sản trí tuệ).
"Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca" ngoài việc là tài sản trí tuệ, còn có ý nghĩa là biểu tượng thiêng liêng của quốc gia, dân tộc, vì vậy nếu chỉ điều chỉnh trong Luật này sẽ không bảo đảm tính bao quát, toàn diện và đầy đủ đối với việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.
Kinh nghiệm quốc tế một số nước cho thấy chủ yếu là có luật riêng quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Do đó, đề nghị tiếp tục nghiên cứu để xây dựng phương án hoàn thiện pháp luật đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca thực sự chặt chẽ, khả thi hơn và xem xét ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng điều chỉnh về nội dung này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ (cơ quan chủ trì soạn thảo).
Theo Chủ tịch Quốc hội, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca đã được pháp luật Việt Nam quy định ở mức độ khác nhau, cao nhất là Hiến pháp (quy định nhận dạng, mô tả, định danh...)
Theo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Pháp luật không phản đối đề xuất mà chỉ đề nghị nghiên cứu thấu đáo và quy định trang trọng bằng một văn bản luật riêng. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo Chính phủ để bàn kỹ thêm. Nếu để luật riêng thì luật nào, bao giờ làm được, trong khi thực tiễn cuộc sống phong phú, cấp bách.
"Liệu có thể nghiên cứu cách thức để vừa có quy định trang trọng đưa ngay vào trong Luật này, trong khi chờ có một văn bản luật riêng hay không", Chủ tịch Quốc hội gợi ý.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo Chính phủ có ý kiến chính thức bằng văn bản về vấn đề này.
Cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Pháp luật cùng các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi báo cáo chính thức Quốc hội, không nên làm văn bản dưới luật.
Theo Vietnam+