Thiếu xăng, Bộ Công thương nói gì?
Thị trường - Ngày đăng : 08:27, 16/02/2022
Một cửa hàng xăng dầu tại huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) hạn chế bán xăng nhưng bán dầu không giới hạn cho nông dân vào ngày 15.2 - Ảnh: MINH KHANG
Nhìn nhận trách nhiệm trong việc đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt cục bộ xăng dầu trên thị trường có những yếu tố khách quan, Bộ Công thương khẳng định sẽ chủ động các phương án để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), nói: "Ngày 28.1, Bộ Công thương có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ phân tích tình hình thế giới và trong nước, nêu các vấn đề và đưa kiến nghị bao gồm việc cho phép bộ lựa chọn điều hành giá xăng dầu trong kỳ ngày 1.2 được linh hoạt, phù hợp. Tuy vậy, do thời điểm nhạy cảm là Tết Nguyên đán, yêu cầu bình ổn giá đặt lên hàng đầu nên Chính phủ và liên bộ đã cân nhắc thời điểm điều hành".
Thừa nhận vẫn thiếu hụt cục bộ
- Nhưng Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh Bộ Công thương chịu trách nhiệm khi để một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa. Phải chăng việc đánh giá, dự báo, điều hành chưa sát?
- Bộ Công thương chịu trách nhiệm về điều hành thị trường xăng dầu, bảo đảm và chịu trách nhiệm về nguồn cung. Tuy vậy, chúng tôi cũng đã cố gắng làm hết mức, chủ động làm rất sớm... Chúng tôi cho rằng việc điều hành phải trên cơ sở nhiều yếu tố như đã phân tích ở trên.
- Sau kỳ điều hành ngày 11.2, nhiều đại lý vẫn có nguồn xăng và lỗ nên khó duy trì được cửa hàng. Liệu khẳng định đủ nguồn hàng của Bộ Công thương có cơ sở?
- Tôi khẳng định sau kỳ điều hành ngày 11.2, tình hình có tốt hơn so với tuần trước. Nhưng đúng là thiếu hụt cục bộ chưa hoàn toàn được khắc phục, chưa chấm dứt được tình trạng một số cửa hàng, thương nhân thiếu hàng cục bộ.
Diễn biến địa chính trị, giá xăng dầu thế giới vẫn phức tạp, biến động mạnh. Ngay hôm qua, giá dầu Brent vượt ngưỡng 96 USD/thùng nên sẽ ảnh hưởng ngay tới xu hướng giá trong nước kỳ sắp tới. Nguồn cung của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chiếm 35% thị phần, cắt 50% thì công suất không thể bình thường được. Thời gian tới hàng nhập sẽ về nhiều hơn, việc điều hành sẽ phần nào giúp giải tỏa áp lực cho doanh nghiệp về chi phí giá.
Chúng tôi chia sẻ rằng nếu không phải là doanh nghiệp lớn, có quan hệ với nhà cung cấp thường xuyên, tự nhiên đi mua sẽ rất khó khăn. Thực tế có những tàu hàng vừa ký, về là lỗ.
Song chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp phải chia sẻ với Nhà nước, người dân để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn giá cả. Nên khi điều hành phải cân nhắc nhiều chiều, tránh tạo tiền lệ doanh nghiệp sử dụng sức ép cho cơ quan điều hành, chỉ có lợi cho doanh nghiệp. Chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp không để xảy ra găm hàng, hạn chế bán để ảnh hưởng nguồn cung phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân.
Chưa khẳng định cụ thể thời điểm hết khan hàng
- Cụ thể điều hành của Bộ Công thương trong thời gian tới sẽ ra sao? Bộ khẳng định khi nào đủ nguồn cung trở lại?
- Bộ Công thương vẫn đang theo dõi rất sát tình hình, đề xuất phương án phù hợp và hài hòa nhất. Trong đó có phương án đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Công thương lựa chọn thời điểm điều hành giá phù hợp theo quy định của Nghị định 95 là có điều khoản đặc biệt về thời điểm điều hành, nhằm bảo đảm giá sát hơn, tạo nguồn và đỡ gây áp lực cho doanh nghiệp.
Đến thời điểm này chúng tôi khẳng định tổng nguồn theo báo cáo mới nhất là đầy đủ, đáp ứng cho tổng cầu của nền kinh tế. Tuy nhiên không thể tránh khỏi vừa rồi đứt gãy nguồn cung nên thiếu hụt cục bộ tại một số nơi, đã khắc phục tốt hơn, hy vọng trong thời gian sớm nhất sẽ khắc phục được tình trạng này.
- Vậy giải pháp cụ thể để bảo đảm tổng nguồn cung là gì?
- Để bảo đảm nguồn cung, ngày 14.2 tôi ký 2 văn bản gửi các đơn vị liên quan yêu cầu cập nhật thông tin dữ liệu mới nhất của đầu mối và sản xuất. Bao gồm với thương nhân sản xuất yêu cầu cung cấp hợp đồng đã ký, từng chủng loại xăng dầu tới từng thương nhân, từ đó đối chiếu lại với doanh nghiệp đầu mối để kiểm tra giám sát tốt hơn.
Chúng tôi cũng yêu cầu thông tin về thực tế tỉ trọng giao hàng, trên cơ sở đó giao tổng nguồn, hạn mức nhập khẩu tối thiểu, bảo đảm tổng nguồn.
Thêm nữa là công tác kiểm tra giám sát thị trường sẽ làm nghiêm hơn. Đây cũng là cơ hội "thanh lọc" thị trường.
- Thực tế những doanh nghiệp dừng bán thường là doanh nghiệp nhỏ. Phải chăng chúng ta cấp phép nhiều nhưng không quản chặt, có tình trạng "mượn giấy phép" để đủ điều kiện cấp phép?
- Quy định cũ của Nghị định 83 về hệ thống đại lý, cửa hàng chưa chặt chẽ nhưng đã được khắc phục ở Nghị định 95. Qua theo dõi, trước khi Nghị định 95 có hiệu lực, không tránh được tình trạng có những nơi tranh thủ cấp phép. Do vậy, với quy định chặt chẽ hơn, khó hơn về sở hữu, đồng sở hữu, sắp tới việc gia nhập thị trường, đặc biệt là hệ thống phân phối, sẽ khó hơn rất nhiều.
Tránh phụ thuộc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn
Ông Trần Duy Đông cho biết: "Chúng tôi đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, chờ đến cuối tháng 3 khi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn có câu trả lời rõ ràng về kế hoạch vận hành sau thời điểm tháng 5.2020 để chủ động hơn về nguồn, tránh phụ thuộc vào nguồn này.
Đúng là chúng ta cần xem xét trách nhiệm cao hơn và vai trò lớn hơn của 2 nhà máy lọc dầu trong bảo đảm an ninh năng lượng. Chính phủ và Bộ Công thương đã tạo điều kiện hết mức, đưa ra nhiều ưu đãi cho Nghi Sơn và Bình Sơn. Dù hai nhà máy là đơn vị sản xuất nhưng cũng có quyền kinh doanh. Do đó, các nhà máy lọc hóa dầu cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình, đặc biệt với lọc hóa dầu Nghi Sơn, trong bảo đảm cung ứng xăng dầu.
Nghị định 95 đã quy định các nhà máy lọc dầu dự trữ dầu thô và xăng dầu thành phẩm. Nhưng để nâng dự trữ của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn thì phải nâng cấp đầu tư về kho xăng dầu mới bảo đảm được".
Theo Tuổi trẻ