K-pop chạy đua ra mắt nghệ sĩ ảo

Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 09:44, 16/02/2022

Ngành giải trí Hàn Quốc đang nắm bắt xu hướng metaverse và chạy đua phát triển các nghệ sĩ ảo, đồng thời nỗ lực tạo một thị trường ngách cho những ca sĩ “làm việc không biết mệt” này.

Những nghệ sĩ không scandal

Hồi tháng 11 năm ngoái, công ty giải trí Humap Contents đã ra mắt ca sĩ ảo đầu tiên với cái tên Yuna. Đây được coi là “Nghệ sĩ K-pop ảo đầu tiên trên metaverse”. Nữ ca sĩ đã ra mắt công chúng với ca khúc "Kiss Me", và phát hành một bài hát mới có tựa đề "Lonely" hồi tháng 1. Yuna hiện đang chuẩn bị tổ chức một buổi hòa nhạc trên nền tảng metaverse vào tháng 3 tới. Ca sĩ ảo này đã mang lại nguồn thu đáng kể cho công ty chủ quản, nhờ bán sản phẩm âm nhạc cũng như phát hành các NFT (tạm dịch: Tài sản số độc nhất) để chủ sở hữu được quyền tham gia những buổi biểu diễn riêng.

Nữ ca sĩ ảo Yuna. Nguồn: Humap Contents

Nữ ca sĩ ảo Yuna

Cuối tháng này, Rozy – một trong những nghệ sĩ ảo đầu tiên của hãng Sidus Studio X sẽ ra mắt với vai trò ca sĩ. Ca khúc đầu tay của cô sẽ được sản xuất bởi Jung Jae-won (nhóm Vanilla Acoustic) - người đứng sau thành công của ca khúc "Leo" (2020) mà nhóm nhạc indie BOL4 thể hiện. Sidus đã hợp tác với nhà sản xuất MUSIC VINE cho dự án này.

Để “tạo ra” Rozy, hãng Sidus đã kết hợp các khuôn mặt khác nhau đang được giới trẻ ưa thích, với sự hỗ trợ của trí thông minh nhân tạo (AI). Công ty quản lý Rozy cũng đã cho nữ nghệ sỹ ảo này lên sóng truyền hình để thu hút sự chú ý. Sau khi xuất hiện trong một quảng cáo hồi năm ngoái, Rozy đã được công chúng Hàn Quốc đón nhận và giúp video quảng cáo này đạt hơn 11 triệu lượt xem trên Youtube. Tài khoản Instagram của Rozy cũng đã có có hơn 110.000 người theo dõi. Mới đây trong bộ phim "Dr. Park's Clinic" có sự tham gia của Lee Seo-jin, Rozy cũng có màn xuất hiện ngắn trong một cảnh phim.

Nghệ sĩ ảo Rozy được kỳ vọng đặt dấu mốc mới trong showbiz Hàn. Ngày càng nhiều công ty Hàn Quốc đầu tư cho những nghệ sỹ ảo – những người có thể làm việc 24/7 mà không bị ốm. Vì công ty quản lý toàn quyền kiểm soát, nên đương nhiên các nghệ sỹ ảo rất khó dính vào những vụ bê bối.

Nữ nghệ sĩ ảo Reah Keem (trái) và nhạc sĩ Yoon Jong-shin. Nguồn: Mystic Story

Nữ nghệ sĩ ảo Reah Keem (trái) và nhạc sĩ Yoon Jong-shin

Đường đua dần "chật chội"

SM Entertainment – công ty quản lý các nhóm nhạc hàng đầu Hàn Quốc như NCT, EXO, Red Velvet… hiện là đơn vị đi đầu về metaverse, chủ yếu xoay quanh nhóm nhạc nữ Aespa. Cuối năm ngoái, Aespa ra mắt với 4 thành viên người thật; mỗi thành viên này lại có một phiên bản ảo, ví dụ như ae-Winter là phiên bản ảo của ca sĩ Winter, tương tự với các thành viên khác là Karina, Giselle và Ningning. Những “thành viên” ảo này thường xuyên xuất hiện trong các video âm nhạc và buổi biểu diễn của Aespa; và là một phần trong nỗ lực của SM nhằm tạo ra một "vũ trụ sáng tạo" đa phương tiện (SMCU), sẽ đóng một vai trò quan trọng trong metaverse của công ty giải trí này.

Nhóm nhạc nữ Aespa gồm 4 thành viên thật và 4 phiên bản ảo của mỗi người. Nguồn: SM Entertainment

Nhóm nhạc nữ Aespa gồm 4 thành viên thật và 4 phiên bản ảo của mỗi người

Gã khổng lồ công nghệ LG Electronics cũng sẽ tham gia cuộc đua nghệ sĩ ảo, khi chuẩn bị đưa nhân vật Reah Keem vào hoạt động. Hồi tháng 1, nghệ sĩ ảo này đã đạt được thỏa thuận với hãng âm nhạc Mystic Story để phát triển sự nghiệp ca hát. Đội ngũ nhạc sĩ, nhà sản xuất của Mystic đã sẵn sàng đầu tư cho album đầu tay của Keem và sớm ra mắt công chúng.

Người sáng lập của Mystic – ca sĩ, nhạc sĩ Yoon Jong-shin đặt nhiều tham vọng vào ca sĩ ảo Reah Keem: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ và tạo ra nền tảng vững chắc để Keem có thể trở thành một ngôi sao toàn cầu, dẫn đầu thị trường metaverse. Nghệ sĩ ảo có thể làm việc từ sáng sớm mà không lo bị ốm. Tôi tin rằng họ sẽ có thị trường cho riêng mình”.

Nữ nghệ sĩ Reah Keem được hãng LG Electronics tạo ra thông qua đồ họa máy tính và AI, đã xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng trong Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) năm 2021 - một trong những hội chợ công nghệ lớn nhất thế giới. Mặc chiếc áo hoodie màu hồng, Reah Keem làm nhiệm vụ giới thiệu các sản phẩm mới của LG bằng tiếng Anh. Hiện Keem có hơn 15.000 người theo dõi trên Instagram.

Công ty Hybe – đơn vị quản lý nhóm nhạc BTS đình đám cũng đang hướng tới lĩnh vực mới mẻ này. Sau khi Hybe tạo ra nền tảng Weverse, một cổ đông lớn của Hybe đang phát triển một nhóm nhạc nữ ảo có tên là Mave, thông qua công ty con Metaverse Entertainment. Dự kiến nhóm Mave sẽ nhận sự hậu thuẫn của những “bệ phóng” hàng đầu Hàn Quốc như tập đoàn truyền thông khổng lồ Kakao hay nền tảng Melon - dịch vụ phát nhạc trực tuyến phổ biến nhất Hàn Quốc.

Nhà nghiên cứu Kang Shin-kyu tại Tập đoàn KOBACO (Hàn Quốc) cho rằng số lượng nghệ sĩ ảo sẽ gia tăng tại Hàn Quốc trong thời gian tới; do đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm trải nghiệm giải trí trên các nền tảng kỹ thuật số.

Theo VOV