Số giáo viên, học sinh bị nhiễm COVID-19 tăng mạnh sau Tết Nguyên đán
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 12:18, 17/02/2022
Học sinh thực hiện khử khuẩn trước khi vào lớp khi đi học trực tiếp trở lại
Tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước đã tổ chức cho học sinh đi học trở lại nhưng sau kỳ nghỉ Tết, một số địa phương có tỷ lệ giáo viên, học sinh nhiễm COVID-19 tăng mạnh và buộc phải điều chỉnh sang dạy kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Đây là thông tin vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cập nhật đến hết ngày 16.2.
Hàng chục nghìn học sinh, giáo viên F0
Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xem xét mở cửa trường học trở lại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều hoạt động, ra các văn bản liên quan nhằm thúc đẩy và đảm bảo an toàn trong việc mở cửa trường học trong toàn ngành.
Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp thúc đẩy mở cửa trường học an toàn. Các nhà trường chuẩn bị cơ sở vật chất, vệ sinh khử khuẩn để sẵn sàng đón học sinh đến trường; 100% tỉnh, thành phố đã có kế hoạch cho trẻ em mầm non, học sinh trở lại trường học trực tiếp trong tháng 2.2022.
Số học sinh đi học trở lại ở các cấp tính đến ngày 16.2
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay điểm thuận lợi của việc tổ chức cho học sinh đi học trở lại là chủ trương kiên quyết mở cửa trường học đưa học sinh tới trường học trực tiếp nhìn chung được xã hội, nhà giáo, phụ huynh, các chuyên gia... ủng hộ, đồng tình, được đánh giá là đúng lúc và kịp thời; được lãnh đạo các địa phương đã thống nhất chủ trương và đã chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Tuy nhiên, còn rất nhiều khó khăn.
Trong đó khó khăn đầu tiên phải kể đến là diễn biến dịch bệnh phức tạp ở nhiều địa phương. Kết quả theo dõi thực tiễn và kiểm tra thực tế của Bộ tại 9 tỉnh, thành phố cho thấy sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khi tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp, một số địa phương có tỷ lệ giáo viên, học sinh nhiễm COVID-19 tăng mạnh. Cụ thể, Hải Phòng có 9.649 ca, Thanh Hóa 2.359 ca, Hà Tĩnh 675 ca, Nghệ An 298 ca...
Học sinh được giáo viên hướng dẫn, phân luồng khi tới trường
Tình hình trên đã dẫn đến nhiều cơ sở giáo dục phải chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp kết hợp học trực tuyến, một số ít địa phương chưa quyết định mốc thời gian cụ thể cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học đến trường.
Từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay) toàn ngành ghi nhận 162.917 cán bộ, nhân viên, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên nhiễm COVID-19 (trong đó cán bộ, giáo viên là 27.677 người; trẻ em, học sinh, sinh viên là 135.244 em).
Lúng túng trong tổ chức dạy và học
Trong khi tình hình dịch diễn biến phức tạp, kết quả kiểm tra, khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho thấy khâu tổ chức dạy và học còn một số hạn chế.
Cụ thể, một số địa phương yêu cầu 100% học sinh phải xét nghiệm COVID-19 trước khi đến trường học trực tiếp, phần lớn kinh phí do phụ huynh chi trả gây phản ứng không cần thiết (một số huyện tại Thanh Hóa, Bà Rịa-Vũng Tàu). Trong khi đó, các chuyên gia y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế chỉ khuyến cáo xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và có yếu tố dịch tễ, không cần xét nghiệm 100% học sinh, đặc biệt không cần thiết xét nghiệm với trẻ em mầm non.
Một số cơ sở giáo dục còn lúng túng khi xử lý các trường hợp học sinh F0, F1 (phát hiện tại gia đình hoặc phát hiện tại trường học.) Việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến vì trong lớp có F0, cá biệt có nơi cho cả lớp hoặc cả khối dừng học trực tiếp khi phát hiện F0 trong một lớp. Một số cơ sở giáo dục chưa chủ động xây dựng kịch bản kết thúc năm học theo thẩm quyền được giao (ghi nhận từ kết quả kiểm tra tại Hưng Yên, Hải Phòng...).
Học sinh đeo khẩu trang và chuẩn bị bình nước cá nhân khi học trực tiếp
Khi tổ chức dạy học trực tiếp, các cơ sở giáo dục rất khó thực hiện việc giãn cách theo quy định vì số lượng học sinh đông, vẫn còn hiện tượng học sinh các lớp tương tác trực tiếp trong giờ nghỉ giải lao. Việc rà soát, phân loại học sinh để củng cố, bổ sung kiến thức khi học sinh trở lại trường gây khó khăn cho các trường trong việc bố trí giờ dạy, có thể phát sinh kinh phí... Việc thiếu giáo viên (đặc biệt ở cấp mầm non và tiểu học) tạo áp lực rất lớn cho các cơ sở giáo dục trong việc triển khai dạy trực tiếp.
Nhân lực y tế trường học còn thiếu và yếu ở nhiều địa phương dẫn đến phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác phòng, chống dịch (theo dõi, thống kê, báo cáo …) Kinh phí chi cho việc mua sắm thiết bị phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục (nước sát khuẩn, khẩu trang, máy đo thân nhiệt, kít xét nghiệm nhanh…) và vệ sinh khử khuẩn còn thiếu.
Một số địa phương còn quan điểm khác nhau về thời gian, thời điểm, cách thức, quy mô cho trẻ em, học sinh đi học trực tiếp. Có nơi triển khai đồng loạt, có nơi thận trọng triển khai từng bước và có thí điểm thăm dò, đặc biệt là đối với cấp mầm non và tiểu học. Trong khi cấp trung học đã đi học trở lại thì bậc mầm non còn 9 tỉnh, tiểu học còn 6 tỉnh chưa đi học trở lại. Việc tổ chức bán trú và học hai buổi còn rất khác nhau ở nhiều địa phương gây bức xúc cho phụ huynh và xã hội trong việc sắp xếp thời gian đưa đón con.
Nhiều nơi thiếu cán bộ y tế trường học
Bên cạnh đó, một số phụ huynh học sinh còn chưa yên tâm cho con trở lại trường học trực tiếp, đặc biệt đối với cấp học mầm non và tiểu học (trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm vaccine, trong khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp) dẫn đến tỷ lệ trẻ mầm non đến trường thấp ở một số địa phương. Thống kê cho thấy ngày 14.2, tỷ lệ trẻ mầm non đến trường ở TP Hồ Chí Minh chỉ đạt tỷ lệ 66,3%. Tỷ lệ này của thành phố Hải Phòng ngày 15.2 thậm chí chỉ là 11,7 %.
Để giải quyết các khó khăn, hạn chế trên đồng thời tiếp tục thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay sáng nay, 17.2, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về tình hình mở cửa trường học của các địa phương. Cuộc họp có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Công an, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Lao động-Thương binh và Xã hội, Giao thông Vận tải, Văn phòng Chính phủ. Tại điểm cầu 63 tỉnh/thành phố sẽ có sự tham dự của lãnh đạo ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố, lãnh đạo sở giáo dục và đào tạo, sở y tế và các đơn vị liên quan của địa phương.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có trên 21 triệu học sinh đã đi học trực tiếp trên tổng số trên 22,4 triệu em, đạt tỷ lệ 93,71%. Tất cả các tỉnh thành đã cho học sinh bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông đi học trở lại trong khi ở bậc mầm non còn 9 tỉnh và bậc tiểu học còn 6 tỉnh chưa tổ chức học trực tiếp.
Theo báo Tin tức