“Sức khỏe” doanh nghiệp nhìn từ chuyện nợ thuế, trốn thuế

Kinh tế - Ngày đăng : 13:34, 18/02/2022

Thực tế đã chứng minh, các doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách nhà nước càng nhiều chứng tỏ doanh nghiệp đó càng "khỏe".


Công ty CP Công trình giao thông Hải Dương vừa được xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp thuế với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng

Những năm qua, doanh nghiệp (DN) đóng góp không nhỏ vào ngân sách của tỉnh. DN càng “khỏe” thì đóng góp vào ngân sách càng nhiều và ngược lại. Những DN nợ thuế, trốn thuế, chuyển giá… không chỉ chứng tỏ “sức khỏe” của DN có vấn đề mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới thu ngân sách.

Xóa nợ

Năm 2021, các DN ở cả khu vực đầu tư nước ngoài, ngoài quốc doanh, nhà nước địa phương và nhà nước Trung ương đóng góp vào tổng thu ngân sách nội địa của tỉnh hơn 9.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng thu ngân sách. Nhưng bên cạnh con số ấn tượng ấy, những con số về nợ thuế vẫn là một câu chuyện đáng quan tâm trong thu ngân sách.    

Ngày 21.1.2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân ký Quyết định số 289/QĐ-UBND về việc xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cho Công ty CP Công trình giao thông Hải Dương (ở số 61, phố Thống Nhất, phường Lê Thanh Nghị, TP Hải Dương). Tổng số tiền mà DN này được xóa nợ là hơn 1 tỷ 528 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Loan, Kế toán trưởng công ty cho biết khoản nợ này phát sinh sau khi công ty tham gia xây dựng 2 công trình cầu Hợp Thanh (khởi công tháng 5.2004) và cầu Lộ Cương (khởi công đầu năm 2007). Phải đến năm 2016, công ty mới được chủ đầu tư là Ban Quản lý các dự án giao thông Hải Dương thanh toán kinh phí cho cả 2 công trình. Trong suốt thời gian đó, công ty gặp rất nhiều khó khăn, phải vay ngân hàng để thanh toán lương và tiếp tục thực hiện các công trình, trong khi nợ thuế không trả được, khoản phạt chậm nộp cứ nhân dần lên. Khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 94, DN mới có thể “thở phào”, Nghị quyết này đã tháo gỡ kịp thời khó khăn cho DN. 

Đây là một trong số những DN được xóa nợ theo chính sách xử lý nợ thuế tại Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26.11.2019 của Quốc hội - một chính sách rất nhân văn với nhiều DN “bên bờ vực thẳm”. Năm 2021, Cục Thuế đã triển khai kịp thời xử lý nợ theo Nghị quyết số 94 đối với các khoản nợ của người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước ngay trong năm 2021. Trong năm qua, ngành thuế đã khoanh nợ số tiền thuế lũy kế 339,5 tỷ đồng. Số tiền phạt, tiền chậm nộp đã được UBND tỉnh ban hành quyết định xóa nợ lũy kế là 101,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên theo Cục Thuế tỉnh, sau khi xử lý nợ thuế, tổng số tiền thuế nợ trong toàn tỉnh tại thời điểm ngày 31.12.2021 vẫn còn hơn 850 tỷ đồng, tăng 86 tỷ đồng so với ngày 31.12.2020. Trong đó, nợ có khả năng thu là 560,5 tỷ đồng, tăng 108,7 tỷ đồng so với ngày 31.12.2020 (chiếm 24%); nợ khó thu là 290,1 tỷ đồng, giảm 8,7 tỷ đồng so với thời điểm ngày 31.12.2020. Nguyên nhân do người nộp thuế, trong đó có nhiều DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Một số DN phát sinh khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất một lần lớn. Năm 2021, ngành thuế đã phải ban hành 798 quyết định cưỡng chế nợ thuế (586 quyết định cưỡng chế tài khoản với số tiền 395,8 tỷ đồng, 212 quyết định cưỡng chế hóa đơn với số tiền 163,5 tỷ đồng).

Chặn nạn mua bán hóa đơn bất hợp pháp

Tình trạng DN mua bán hóa đơn trái phép nhằm hợp pháp hóa hàng hóa mua vào và các DN “ma” là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách.

Từ tháng 5.2021, Cục Thuế tỉnh đã thành lập Tổ Quản lý các DN mới và rủi ro thuộc Phòng Thanh tra kiểm tra số 1. Nhiệm vụ của tổ là theo dõi, quản lý chặt chẽ các DN mới thành lập trên địa bàn toàn tỉnh bắt đầu từ khâu sử dụng hóa đơn của DN đến công tác kê khai nộp thuế nhằm sàng lọc các DN thành lập có dấu hiệu buôn bán hóa đơn. Đến cuối năm 2021, Tổ Quản lý rủi ro đã thực hiện quản lý 1.838 DN, trong đó có 1.647 DN đang hoạt động; 130 DN đã giải thể, tạm ngừng kinh doanh, 71 DN đã bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh. Thông qua báo cáo tài chính của DN gửi ngành thuế, trong số 10.141 DN gửi báo cáo thì có tới 5.869 DN báo lỗ.

Qua công tác quản lý, kiểm tra, cơ quan thuế phát hiện 4 DN đã kê khai điều chỉnh tăng thuế giá trị gia tăng 1,36 tỷ đồng, giảm khấu trừ 15 triệu đồng, truy thu và phạt 337,7 triệu đồng. Phát hiện 16 DN có dấu hiệu mua bán hóa đơn bất hợp pháp với doanh số hóa đơn 775 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng là 77,5 tỷ đồng. Ngành thuế đã ban hành các công văn cảnh báo rủi ro và phối hợp với các cơ quan thuế xác minh, xử lý; kết quả ban đầu đã điều chỉnh tăng thuế giá trị gia tăng 5,9 tỷ đồng, giảm khấu trừ 1,86 tỷ đồng. Ngành cũng đã gửi văn bản đề nghị cơ quan công an điều tra, xác minh 13 DN có dấu hiệu mua bán hóa đơn bất hợp pháp.

Ngành thuế đã chuyển 29 hồ sơ, vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan công an điều tra. Trong đó, Cục Thuế đã chuyển 7 hồ sơ có dấu hiệu trốn thuế sang Công an tỉnh. 1 hồ sơ cơ quan công an đã có quyết định khởi tố vụ án (Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại quốc tế Hoàng Anh); 1 hồ sơ chuẩn bị khởi tố vụ án (Công ty CP Minh Hoàng); 2 hồ sơ công an đã tiếp nhận kiến nghị khởi tố (Công ty CP Sản xuất thương mại và Vận tải Phúc Ngọc, Công ty TNHH một thành viên Vận tải và Thương mại Dũng Nguyên).

Chính phủ đã và đang triển khai thực hiện các gói giải pháp hỗ trợ DN, tổ chức, cá nhân bị tác động của dịch bệnh. Ngành thuế cũng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp chống thất thu ngân sách. Nhưng để chống thất thu hiệu quả, việc “khám sức khỏe” thường xuyên cho DN phải làm thường xuyên, liên tục và quyết liệt hơn nữa để “tô đẹp, dẹp xấu”.

KIM THANH