Đám cưới đặc biệt của 20 cặp đôi nhân viên y tế sau nhiều tháng hoãn vì dịch bệnh
Gia đình - Ngày đăng : 10:12, 20/02/2022
Tối nay 20.2, một đám cưới đặc biệt của 20 cặp đôi uyên ương là nhân viên y tế của Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) sẽ chính thức được tổ chức. Trong ảnh các cặp đôi ra mắt trong buổi họp báo thông tin về ngày cưới tập thể
Dịch COVID-19 đã khiến những tấm thiệp mời không được gửi đi, cặp nhẫn cưới không kịp trao tay và những dự định mới về tương lai của nhiều "chiến sĩ áo trắng" đành gác lại và họ cùng hẹn ước một ngày đẩy lùi dịch bệnh.
Khoảnh khắc "có một không hai"
Để chuẩn bị cho đám cưới đặc biệt, từ trước đó (ngày 10.2) trên nóc tòa nhà Viện chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) 20 cặp đôi uyên ương nắm tay nhau chụp ảnh cưới dưới ánh nắng rực rỡ. Họ không giấu nổi cảm xúc vui mừng, bởi đây sẽ là khoảnh khắc "có một không hai" trong cuộc đời. Giữa đại dịch, những bộ ảnh cưới lộng lẫy như thế có lẽ có nằm mơ những cặp đôi cũng không nghĩ đến.
Tháng 10.2018, bệnh viện dã chiến đầu tiên của Việt Nam chính thức được thiết lập tại Cộng hòa Nam Sudan. Điều dưỡng Trần Văn An và Bùi Thị Hoài Thu (Bệnh viện Quân y 175) là những y, bác sĩ đầu tiên được cử đi tham gia nhiệm vụ tại đây, cũng kể từ đó tình yêu giữa hai người bắt đầu chớm nở. Trở về Việt Nam sau gần 2 năm, cặp đôi quyết định tổ chức đám cưới nhưng lại đúng lúc dịch ập tới.
"Danh sách khách mời đã đầy đủ, nhà hàng, nhẫn cưới, mọi thứ đã đâu vào đó nhưng đành phải hủy vì dịch bệnh. Bạn bè, người thân có người trách khéo sao cưới rồi mà không mời? Chúng tôi chỉ cười" - điều dưỡng An nhớ lại.
Thế nhưng đó không phải là trúc trắc cuối cùng. Điều dưỡng An bảo rằng đến tháng 8.2021 khi hai người dự định đám cưới lần 2 lại gặp ngay lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp. An "cắm trại" tại trung tâm điều trị COVID-19 của bệnh viện và cũng không may là người đầu tiên nhiễm COVID-19 tại khoa.
"Lúc đó mình cảm thấy rất lo lắng vì không nghĩ anh ấy lại nhiễm nhanh như vậy. Suốt nửa năm không được gặp, chút thời gian rảnh chỉ gọi điện qua mạng xã hội, lúc đó cũng không biết làm gì hơn ngoài việc nấu cơm, treo lên cửa rồi gọi điện cho anh ra lấy mỗi ngày. Những gì đã trải qua suốt tháng ngày dịch bệnh thật sự là những kỷ niệm, khoảnh khắc gắn kết chúng tôi hơn" - chị Hoài Thu nhớ lại.
Có mặt trong buổi chụp ảnh cưới, điều dưỡng Trần Thị Thúy Hằng (27 tuổi) mặc trên mình chiếc váy cưới lộng lẫy. Cũng như bao cặp đôi khác, Hằng xúc động bởi không nghĩ rằng sẽ có được một đám cưới đặc biệt như thế. Suốt từ tháng 7.2021 đến nay, Hằng là người trực tiếp tham gia điều trị tại khu hồi sức COVID-19 của bệnh viện.
Những ngày ấy, để Hằng yên tâm chống dịch, gia đình luôn nhắn tin động viên chị phải cố gắng, ăn uống đúng giờ để có sức khỏe đánh "thắng con COVID-19". Cũng vì sợ Hằng lo lắng, không yên tâm làm nhiệm vụ, ngay cả gia đình và chồng sắp cưới đều mắc COVID-19 nhưng lặng lẽ giấu bặt đi.
"Sau này khi dịch lắng xuống, gia đình mới tiết lộ. Tôi như chết lặng, nước mắt tự dưng cứ rơi xuống bởi thương và thấy mình không thể chăm sóc chu toàn cho người nhà được" - Hằng nói.
Chồng của Hằng không làm ngành y, hai người quen nhau đến nay tròn sáu năm. Từ chỗ "chưa có ý định cưới", vậy mà trong một lần ngồi sau xe chồng sắp cưới về nhà sau khi dịch tạm lắng, Hằng chợt bật khóc nức nở. Có lẽ cũng vì trải qua sự khốc liệt của dịch bệnh, cả hai đã đi đến quyết định chở nhau đi mua nhẫn cưới ngay lúc đó...
Điều dưỡng Trần Văn An và Bùi Thị Hoài Thu trao đổi công việc với đồng nghiệp (trái) tại bệnh viện
Yêu vợ, yêu luôn công việc của vợ
10 năm trước, trên chuyến xe đi tình nguyện Mùa hè xanh, Lê Thị Huỳnh Như (quê Bến Tre, nhân viên Bệnh viện Quân y 175) vô tình bắt gặp "chàng trai của đời mình" là Huỳnh Tấn Lực, hiện đang là giảng viên Trường Cao đẳng Điện lực TP Hồ Chí Minh. Dự định đến tháng 10.2021 chính thức về một nhà của họ đành gác lại. Như trực tiếp theo các đội hỗ trợ lấy mẫu trong cộng đồng bất kể ngày đêm.
Như nói những ngày chống dịch, hai đứa chỉ có chút thời gian rảnh nói chuyện với nhau qua điện thoại, nhiều lúc nhớ quá chỉ dám đứng nhìn nhau qua hàng rào. "Còn gặp được nhau qua hàng rào là tốt rồi, nhiều người hai tỉnh khác nhau còn không thể gặp nhau", Như mỉm cười nhớ lại.
Còn anh Huỳnh Tấn Lực thì bảo rằng rất trân trọng và yêu quý nghề nghiệp của vợ. "Bình thường chúng tôi gặp mặt thường xuyên, 2 - 3 ngày 1 lần nhưng đột ngột dịch đến cả tháng không gặp nhau làm xáo trộn mọi thứ.
Thay vì ngồi lo lắng, tôi tích cực bổ sung các chất cho vợ bồi bổ sức khỏe, dặn vợ ăn uống điều độ để có sức chống lại COVID-19, phục vụ cho bệnh nhân. Đây sẽ là ký ức để lại nhiều kỷ niệm làm tình yêu thêm bền chặt. Mình yêu nhân viên y tế thì yêu luôn công việc của họ" - anh Lực tâm sự.
Có mặt chứng kiến các con chụp ảnh cưới, bà Trần Thị Kim Thu (70 tuổi, Tiền Giang), mẹ chồng của cô dâu Lê Thị Huỳnh Như, không giấu được niềm xúc động. Hình ảnh ấy có gì đó trùng hợp, bỗng chốc gợi lại ký ức cách đây hơn 40 năm khi vợ chồng bà cũng được lãnh đạo cơ quan đứng ra tổ chức đám cưới.
Bà xúc động gửi gắm: "Hoàn cảnh ngày xưa của tui cũng giống như nay vậy. Các cháu chống dịch còn chúng tôi chống giặc dốt. Dù khó khăn đến mấy nhưng tôi vẫn dặn các cháu sau ngày đám cưới vui duyên mới không quên nhiệm vụ".
Điều dưỡng Trần Văn An và Bùi Thị Hoài Thu là đồng nghiệp. Dịch bệnh bùng phát, cả hai chưa kịp tổ chức hôn lễ, đến nay con trai hai người đã tròn 1 tuổi tên Nam Đăng (là tên ghép Việt Nam - Sudan, nơi kỷ niệm anh chị gặp và quen nhau khi tham gia làm nhiệm vụ ở Nam Sudan)
Theo Tuổi trẻ