Những việc cần làm để bảo vệ sức khỏe khi trời rét đậm
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 08:12, 21/02/2022
Người già, trẻ em, đặc biệt là những người có các bệnh lý hô hấp mãn tính như hen phế quản, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, giãn phế quản… là những đối tượng hay bị tái phát dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp đe dọa đến tính mạng.
Nâng cao sức đề kháng của cơ thể
Để chủ động phòng tránh các bệnh lý nói chung, bệnh về đường hô hấp nói riêng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, mỗi người cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể như chế độ dinh dưỡng phải được đảm bảo; bổ sung đủ cả lượng và chất; tăng cường rau xanh, trái cây.
Chú ý bổ sung thường xuyên các món ăn ấm, nóng với sự góp mặt của những loại gia vị như hành, tỏi, gừng, quế... Đây đều là những loại gia vị có tác dụng làm ấm cơ thể, kích thích tiêu hóa. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý không tiêu thụ quá mức đồ cay, nóng vì nó có thể ảnh hưởng tới dạ dày.
Và mặc dù trời rét nhưng vẫn cần uống đủ nước, hãy uống nước ấm thay vì nước lạnh. Việc uống nhiều nước sẽ giúp cơ thể ngăn ngừa nguy cơ mất nước, tăng cường hoạt động của các cơ quan trong cơ thể và phòng tránh bệnh do virus gây ra.
Hạn chế ăn các món lạnh, đồ ăn vừa lấy từ tủ lạnh ra vì dễ làm cơ thể bị lạnh. Tránh uống rượu trước khi ra ngoài trời lạnh, bởi rượu làm nở các mạch máu gây giảm thân nhiệt nên khi ra trời lạnh sẽ rất nguy hiểm.
Giữ ấm cơ thể
Ngoài việc nâng cao sức đề kháng, giữ ấm cơ thể cũng là biện pháp hàng đầu để phòng bệnh. Bởi vì hệ hô hấp rất nhạy cảm với nhiệt độ, khi nhiệt độ thấp (lạnh) kèm với độ ẩm cao (do mưa gió) cơ thể rất dễ bị cảm lạnh dẫn đến viêm đường hô hấp trên; viêm phế quản phổi...
Các bác sĩ khuyến cáo, đối với trẻ em, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc đủ ấm, tránh cho trẻ ra ngoài mà không đeo khẩu trang. Cha mẹ cần đặc biệt chú ý mặc đủ ấm cho trẻ vì nếu mặc quá nhiều áo, trẻ bị toát mồ hôi có thể ngấm lại vào cơ thể gây cảm lạnh, sốt.
Ngoài trẻ em thì người già cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết rét đậm. Trời rét, người cao tuổi rất dễ mắc các bệnh phổi, cảm lạnh, cúm với bệnh cảnh tiến triển nặng rất dễ dẫn đến viêm phổi; trong khi đó các bệnh mạn tính như hen suyễn, thấp khớp, viêm loét dạ dày, tăng huyết áp… cũng tiến triển nặng, đặc biệt tăng huyết áp dễ gây đột quỵ. Vì vậy, người cao tuổi phải mặc đủ ấm lúc ngủ cũng như lúc thức, ở trong nhà cũng như khi ra ngoài, chú ý giữ ấm đầu, cổ, bàn chân; tránh ở lâu ngoài trời và tránh thức khuya để phòng bệnh cảm lạnh, viêm phổi hay các biến chứng tim mạch…
Đối với người cao tuổi, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột như từ trong nhà ấm ra ngoài lạnh. Nếu thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ gây thay đổi về huyết áp có nguy cơ bị tai biến mạch máu não.
Đối với trẻ nhỏ, đôi khi lại ở tình trạng ngược lại, buổi tối cho con mặc quá ấm đi ngủ đến khi nóng quá, trẻ sẽ toát mồ hôi dẫn tới ướt quần áo. Khi quần áo ướt sẽ thấm ngược lại cơ thể trẻ gây ra nguy cơ viêm phổi. Do đó, nên lưu ý giữ nhiệt độ chung trong phòng cho đủ ấm và mặc quần áo vừa phải. Luôn luôn kiểm tra xem trẻ có bị toát mồ hôi không, nếu khi trẻ bị ướt áo thì phải thay áo, tránh để trẻ mặc áo ướt.
Vệ sinh cá nhân, giữ sạch nhà cửa
Ngoài việc mặc đủ ấm, nên tạo thêm thói quen vệ sinh răng miệng bằng nước muối ấm hàng ngày. Súc miệng bằng nước muối ấm sẽ giúp làm sạch đường hô hấp, ngăn ngừa vi khuẩn, virus trú ngụ lại vùng họng và gây bệnh.
Ngoài ra, khi thời tiết lạnh mà độ ẩm không khí cao, cần giữ vệ sinh nhà cửa, vật dụng cá nhân tốt, không để bị ẩm mốc để tránh vi khuẩn cư ngụ, gây bệnh.
Hiện nay, nhiều gia đình dùng đèn sưởi, điều hòa nhiệt độ chiều nóng để tăng nhiệt độ trong phòng. Tuy nhiên, cũng cần chú ý nhiệt độ để phù hợp, không để quá nóng. Nhiều trẻ sơ sinh, da mỏng, nếu để quá gần đèn sưởi sẽ dẫn tới hiện tượng bỏng da.
Lưu ý, không sưởi ấm phòng bằng bếp than tổ ong hoặc củi trong phòng kín sẽ dẫn tới nguy cơ phát sinh khí cacbonic, giảm khí ôxy. Nếu bắt buộc phải sử dụng than để sưởi, nên chú ý: không dùng trong phòng kín, phải để hé cửa sổ để có lối thoát khí và chỉ nên sử dụng tối đa 1 tiếng và dùng các loại than sinh nhiệt an toàn.
Theo TTXVN