Hết thời dễ ăn cứ "múc" cổ phiếu là đẻ ra tiền

Thị trường - Ngày đăng : 18:08, 21/02/2022

Thị trường tài chính thế giới đang ở một giai đoạn biến động khó lường. Giai đoạn cổ phiếu đẻ ra tiền một cách dễ dàng có lẽ đang kết thúc và sự thiếu chắc chắn sẽ tiếp tục hỗ trợ một số loại kênh trú bão.

Chứng khoán Mỹ đi xuống

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm trong phiên cuối tuần 18/2 và đánh dấu tuần đi xuống thứ hai liên tiếp khi xung đột Nga - Ukraine khiến nhà đầu tư lo ngại. Trong tuần qua, bóng ma chiến tranh Ukraine trở lại khiến chỉ số công nghiệp Dow Jones có phiên mất hơn 600 điểm.

Trước đó, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc cho biết, xung đột đã đạt tới "điểm quan trọng" và đang ở “thời điểm nguy hiểm”. Ukraine và Nga có những cáo buộc lần nhau về những cuộc tấn công ở sát biên giới. Các quan chức Mỹ liên tục đưa ra dự báo Nga sẽ tấn công Ukraine.

Trên thị trường tài chính, giới đầu tư cũng đối mặt với triển vọng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau khi Chủ tịch Fed khu vực St. Louis, James Bullard, tuần qua kêu gọi Fed hành động tích cực hơn, cảnh báo lạm phát có thể vượt khỏi tầm kiểm soát nếu không nâng mạnh lãi suất.

Trong cuộc họp chính sách vào tháng 3 tới, câu hỏi mà Fed phải trả lời sẽ không còn là chuyện có nâng lãi suất hay không, mà là nâng bao nhiêu, tốc độ như thế nào. Fed đang đối mặt với sức ép phải mạnh tay hơn sau khi Mỹ công bố lạm phát trong tháng 1/2022 lên mức cao nhất 40 năm qua: 7,5%. Lạm phát lõi (không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng, cũng đạt mức tăng 6%).

Biến động chỉ số chứng khoán Mỹ S&P500 trong 1 năm qua.

Thị trường nghiêng mạnh về khả năng Fed nâng 50 điểm phần trăm lãi suất, từ mức thấp kỷ lục 0-0,25%/năm hiện nay lên 0,5-0,75% trong cuộc họp tháng 3 tới. Trước đó, Fed được dự báo sẽ có ít nhất 6 đợt tăng lãi suất trong năm 2022 (mỗi lần 25 điểm phần trăm), thậm chí Goldman Sachs còn nâng dự báo lên 7 lần tăng.

Những số liệu mới của Mỹ cho thấy giới đầu tư khó yên lòng và sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ có thể bị ảnh hưởng nếu lãi suất tăng mạnh. Mỹ sẽ phải rút bớt chính sách kích thích kinh tế khổng lồ từng được triển khai do đại dịch Covid-19 để tránh một cuộc khủng hoảng lạm phát.

Chia sẻ trên Kitco, Sean Lusk, đồng giám đốc phụ trách mảng bảo hiểm rủi ro thương mại của Walsh Trading, cho rằng, giai đoạn cổ phiếu đẻ ra tiền một cách quá dễ dàng đang kết thúc, không rõ tình hình sẽ tồi tệ thế nào. Cũng theo Lusk, sự không chắc chắn đó sẽ tiếp tục hỗ trợ vàng bất cứ khi nào giá mất đà tăng.

Trước đó, Morgan Stanley cũng khuyến nghị các nhà đầu tư tránh xa thị trường cổ phiếu Mỹ trong năm 2022 và nên tìm cơ hội ở châu Âu, Nhật Bản. Gần đây, một số tín hiệu cho thấy, dòng tiền chuyển mạnh sang thị trường cổ phiếu châu Á.

Cơ hội ở các thị trường mới nổi

Theo Morgan Stanley, trong năm 2022, thị trường chứng khoán Mỹ đối mặt với nhiều thách thức như: định giá cao, chính sách tiền tệ bị thắt chặt, lạm phát ở mức cao kỷ lục và hành động quá khích của nhà đầu tư.

Sau vài năm tăng không ngừng nghỉ, Goldman Sachs dự báo tỷ suất sinh lợi của các tài sản rủi ro, trong đó thị trường cổ phiếu Mỹ, sẽ kém ấn tượng hơn khi càng về cuối chu kỳ. Rủi ro suy giảm của S&P 500 và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ sẽ lên cao trong năm 2022.

Chứng khoán châu Á còn hấp dẫn

Gần đây, thị trường cổ phiếu Mỹ cũng đã điều chỉnh giảm khá nhiều. Tuy nhiên, thị trường còn giảm và mức độ phụ thuộc vào tốc độ siết chặt chính sách tiền tệ của Fed.

Phần lớn các dự báo cho rằng, Fed sẽ tăng tốc nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, Fed sẽ cố gắng thận trọng trong việc tăng lãi suất quá nhanh. Một trong những mục tiêu mà Fed hướng tới là sự ổn định. Sự thận trọng sẽ giúp Fed tránh tạo ra những biến động quá mạnh trên thị trường tài chính, cổ phiếu lao dốc và lợi suất trái phiếu có thể tăng cao hơn nữa.

Lịch sử cho thấy, một khi thị trường tài chính bất ổn, nền kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực, chậm lại một cách đáng kể, còn thị trường bất động sản cũng như các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ chịu tác động lớn từ lãi suất cao.

Trong những thập niên 70-80 thế kỷ trước, Fed đã mạnh tay tăng lãi suất để chống lạm phát dẫn đến những cuộc suy thoái với hậu quả nặng nề.

Trong khi chứng khoán Mỹ đối mặt với rủi ro, các nhà đầu tư quốc tế gần đây đổ nhiều tiền hơn vào chứng khoán tại châu Á, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Tại Việt Nam, khối ngoại có dấu hiệu quay trở lại sau một thời gian dài bán ròng. Bất chấp VN-Index giằng co, khối ngoại đẩy mạnh mua ròng hơn 1.500 tỷ đồng giá trị cổ phiếu Việt trong tuần 14-18.2. 

Chỉ số VN-Index đang ở vùng đỉnh lịch sử

Tại Trung Quốc, theo EPFR Global, các quỹ chứng khoán của Trung Quốc đại lục đã chứng khiến dòng vốn ròng 16,6 tỷ USD trong tháng Giêng. Thị trường đặt cược vào khả năng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng cao trong năm nay.

Với Việt Nam, rủi ro từ việc Fed tăng lãi suất tới Việt Nam không quá lớn. Theo dự báo của Dragon Capital, TTCK Việt Nam có triển vọng tích cực và cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ dẫn dắt thị trường. Nhóm ngân hàng, bất động sản và bán lẻ sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ việc mở cửa kinh tế sau đại dịch.

Còn theo VinaCapital, Việt Nam ở vị thế đủ thuận lợi để giữ bình tĩnh trước những đợt tăng lãi suất quyết liệt từ Fed trong năm nay. Lạm phát ở Việt Nam ở mức dưới 2% trong 2021 và được dự báo sẽ rơi xuống trở lại ở mức 3% trước khi kết thúc năm 2022.

Chứng khoán BSC cho rằng, chu kỳ tiền rẻ có vẻ đã kết thúc, môi trường lãi suất có thể duy trì ở mức thấp và sau đó sẽ nhích dần lên. Nhưng nhìn chung, về tiềm năng tăng trưởng dài hạn, BSC tin tưởng thị trường Việt Nam vẫn được định giá tương đối hấp trong khu vực.

Ngoài ra, chứng khoán Việt Nam còn được hỗ trợ bởi các yếu tố khác như: Lợi nhuận các nhóm ngành dự kiến hồi phục khả quan; nền tảng vĩ mô ổn định và khả năng nâng hạng thị trường lên Emerging Markets. Dư địa tăng trưởng của thị trường Việt Nam vẫn còn rất lớn và VN-Index theo kịch bản tích cực sẽ đạt 1.782 điểm vào cuối năm 2022.

Theo Vietnamnet