Tứ Kỳ xây dựng liên vùng nuôi thủy sản công nghệ cao

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 16:00, 22/02/2022

Khai thác lợi thế từ điều kiện tự nhiên, huyện Tứ Kỳ đang gấp rút xây dựng liên vùng sản xuất thủy sản tập trung ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp.

Lãnh đạo huyện Tứ Kỳ khảo sát thực tế liên vùng sản xuất thủy sản tập trung ứng dụng công nghệ cao thuộc 3 xã Tân Kỳ, Quang Phục, Tái Sơn


Hướng tới bài bản

Là địa phương điển hình trong phát triển thủy sản của cả tỉnh, những năm qua, Tứ Kỳ luôn duy trì diện tích nuôi gần 1.800 ha với tổng sản lượng ước đạt hơn 13.000 tấn/năm. Huyện cũng đi đầu trong quy vùng, sản xuất thủy sản tập trung nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Toàn huyện đã có 27 vùng thủy sản tập trung có quy mô từ 20 ha/vùng trở lên ở các xã Tân Kỳ, Quang Phục, Tái Sơn, Hưng Đạo, Tiên Động... Tuy nhiên, dù được sản xuất tập trung nhưng lại không đồng bộ, người dân vẫn mạnh ai nấy làm nên hiệu quả không được như kỳ vọng. Mặt khác, tuy là thế mạnh của huyện song sản phẩm thủy sản không có điểm nhấn khiến việc tiêu thụ tương đối bấp bênh, phụ thuộc phần lớn vào thương lái.

Trước thực tế này, huyện Tứ Kỳ đã chủ động xây dựng liên vùng sản xuất thủy sản tập trung ứng dụng công nghệ cao với mong muốn tạo đột phá từ lợi thế nông nghiệp này. Liên vùng có diện tích gần 300 ha ở 3 xã Quang Phục, Tái Sơn, Tân Kỳ. Đây là 3 địa phương có truyền thống nuôi thủy sản, người dân có trình độ thâm canh cao nhưng hạ tầng thiếu liên kết. Do đó, huyện đã đầu tư xây dựng 3 tuyến đường dài 2,3 km; lập báo cáo triển khai thực hiện 2 tuyến đường dài gần 2 km ở các xã Tái Sơn, Tân Kỳ; xây cầu Tân Lập và lắp đặt 2 trạm biến áp. Ngoài hạ tầng sản xuất, huyện chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc triển khai những mô hình thâm canh thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 100 ha.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Doan (ở thôn Nghi Khê, xã Tân Kỳ) có hơn 11 ha mặt nước nuôi thủy sản. Vì quy mô lớn nên ông cũng nghiên cứu, đưa máy móc vào hỗ trợ sản xuất song việc áp dụng vẫn chắp vá, manh mún. Từ khi được huyện hỗ trợ, ông Doan đã thành thục kỹ thuật thâm canh công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng. Theo ông Doan, người dân có kinh nghiệm nhưng lại thiếu trình độ, vì thế việc huyện quan tâm, hỗ trợ kịp thời rất hữu ích, thiết thực. Được đầu tư bài bản, ngoài nâng cao năng suất, chất lượng cũng sẽ góp phần xây dựng thương hiệu cho thủy sản của địa phương theo cách chuyên nghiệp hơn.

Nhiều kỳ vọng

Gắn bó với nghề nuôi thủy sản nhiều năm, từ sản xuất đơn lẻ, đến nay ông Nguyễn Đình Toản (ở xã Quang Phục) đã tập hợp một số hộ để thành lập HTX Thủy sản công nghệ cao Tưởng An. Nhờ có công nghệ nên việc nuôi cá cũng bớt vất vả và tiết kiệm được nhiều chi phí. Việc cho cá ăn bằng hệ thống máng tự động giúp giảm nhân công, lượng thức ăn. Với máy sản xuất thức ăn hiện đại, HTX có thể chủ động được nguồn thức ăn. Camera lắp đặt xung quanh khu vực sản xuất được kết nối với điện thoại thông minh giúp các thành viên có thể dễ dàng giám sát, phát hiện những bất thường để kịp thời xử lý. Ông Toản cho biết: "Dù mới ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất song hiệu quả đã rõ rệt. Các ao nuôi của HTX nằm trong liên vùng mà huyện quy hoạch nên các thành viên rất phấn khởi. Nuôi cá đã lâu, ai cũng hy vọng đây sẽ là bước ngoặt để nghề truyền thống của địa phương tìm được vị thế. Khi có năng suất cao, chất lượng đồng đều và có giấy tờ kiểm định đầy đủ thì người dân sẽ không còn lo lắng về đầu ra sản phẩm và cũng không lo việc đội chi phí sản xuất nhờ công nghệ cao".

Liên vùng thủy sản tập trung ứng dụng công nghệ cao của huyện Tứ Kỳ đang dần hình thành khi huyện triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện. Không chỉ chú trọng hạ tầng để tạo sự liên kết, huyện còn quan tâm chuyển giao kỹ thuật nuôi an toàn cho người dân. Đây là địa phương đầu tiên trong tỉnh định hướng phát triển thủy sản đồng bộ, bài bản tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Theo bà Vũ Thị Hà, Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ, xác định thủy sản là mũi nhọn trong nông nghiệp, địa phương quyết tâm tạo đột phá cho lĩnh vực này bằng cách sản xuất hàng hóa, tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Huyện có tiềm năng phát triển thủy sản và đang nỗ lực để phát huy tối đa thế mạnh này.

Đặt mục tiêu được tỉnh công nhận vùng thủy sản tập trung ứng dụng công nghệ cao trong năm 2022, Tứ Kỳ đang khẩn trương xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối liên vùng, nâng cấp thêm 1 trạm biến thế để phục vụ người dân sản xuất, tiêu thụ thủy sản. Huyện thực hiện xây dựng mô hình nhỏ trong vùng lớn, từ đó đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm để nhân rộng. Tứ Kỳ kỳ vọng sẽ trở thành điểm sáng trong phát triển thủy sản không những về diện tích mà còn cả chất lượng, giá trị.


DŨNG CƯỜNG