Thanh Hải gìn giữ "thành luỹ xanh"
Môi trường - Ngày đăng : 15:30, 23/02/2022
Ông Lê Xuân Tấn chuẩn bị mống tre để trồng thay thế các gốc già cỗi
Về làm dâu tại xã Thanh Hải từ năm 1993, điều mà bà Phạm Thị Nhiên ở thôn Thừa Liệt ấn tượng đầu tiên là hàng tre chắn sóng xanh mướt cạnh đê tả sông Thái Bình. Đến tận bây giờ, khi đã gần 30 năm sống ở đây, những khóm tre vẫn cao vút, ken dày, ôm trọn triền đê. Ngày trước bố mẹ bà Nhiên nhận khoán trông giữ gần 100 m tre chắn sóng, sau đó giao lại cho nhà bà tiếp nối công việc này. Bà Nhiên cho biết: "Nhà nước giao người dân trông nom 2 hàng tre chắn sóng sát đê, khuyến khích trồng thêm ít nhất 1 hàng tre để có thể khai thác, sử dụng nhưng không nhà nào trồng thêm 1 hàng mà đều là vài hàng".
Những ngày đầu xuân, tranh thủ những hôm tạnh ráo, ông Lê Xuân Tấn ở thôn Thừa Liệt thường vác cuốc ra đê để tìm những mống tre tốt, trồng thay thế những khóm tre đã già cỗi. Là một trong những hộ của đợt đầu tiên nhận khoán, ông Tấn chưa khi nào lơ là việc chăm sóc, bảo vệ tre chắn sóng. Chính quyền, cơ quan chức năng vận động người dân trồng thêm 1 hàng tre nhưng có thời điểm ông Tấn trồng thêm tới 7 hàng. Mùa xuân có mưa ẩm, ông trồng những mống tre mới, còn mùa hanh khô thì lại tất bật phát tỉa cành, quét dọn lá khô đề phòng cháy làm chết gốc. Ông Tấn cho hay Nhà nước đã tạo điều kiện cho các hộ dân canh tác khu vực bãi sông thì đổi lại người dân phải ý thức bảo vệ tài sản chung, thiết thực và phù hợp nhất là gìn giữ hàng tre chắn sóng. Dù không bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng ông Tấn đã chứng kiến trận vỡ đê sông Thái Bình năm 1996 nên càng thấy rõ được tầm quan trọng của tre chắn sóng. "Tôi sẽ vẫn trông nom hơn 500 bụi tre chắn sóng mà gia đình nhận khoán đến khi tuổi cao, sức yếu rồi giao lại cho con cháu. Hàng tre chắn sóng không chỉ có ý nghĩa bảo vệ công trình phòng lũ mà còn tạo cảnh quan tươi đẹp cho làng quê", ông Tấn chia sẻ.
Bà Phạm Thị Nhiên phát tỉa cành tre thừa, sâu để hàng tre phát triển tốt
Xã Thanh Hải có gần 4 km đê tả sông Thái Bình đi qua. Mặc dù tuyến dài song không có đoạn nào thiếu tre chắn sóng. Hàng tre chắn sóng ở đây còn được đánh giá đẹp nhất tỉnh vì mật độ hợp lý, xanh tốt quanh năm. Nhờ được người dân chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật mà thân tre cao, dài, rợp bóng về phía mặt đê, vừa gìn giữ thân đê vừa góp phần bảo vệ mặt đê mới được bê tông hoá. Chị Nguyễn Thị Yến, kiểm soát viên đê điều (Hạt Quản lý đê Thanh Hà) phụ trách địa bàn xã Thanh Hải đánh giá hầu hết người dân ở đây có ý thức bảo vệ tre chắn sóng. Không chỉ giữ tre chắn sóng ngoài đê, xã Thanh Hải còn là địa phương duy nhất trong tỉnh trồng tre dự trữ ở phía trong đồng để có nguồn tre dự phòng, có thể tận dụng khi xảy ra sự cố đê điều và trồng bổ sung thay thế các bụi tre cằn cỗi phía bãi sông.
Theo ông Nguyễn Đức Tới, Chủ tịch UBND xã Thanh Hải, địa phương luôn tích cực phối hợp Hạt Quản lý đê trong việc giám sát, bảo vệ hàng tre chắn sóng trên địa bàn. Ngoài tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp có hành vi phá hoại tre chắn sóng thì xã quan tâm tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ, gìn giữ tre chắn sóng. Trong các đợt phát động Tết trồng cây, địa phương cũng chú trọng việc trồng, chăm sóc tre chắn sóng ngoài đê. Nhờ đó mà hàng tre chắn sóng của xã luôn tươi tốt, không chỉ phát huy tác dụng bảo đảm an toàn đê điều mà còn tạo không gian xanh cho xã nông thôn mới nâng cao.
DŨNG CƯỜNG