Chelsea bất ổn sau quyết định của tỷ phú Abramovich

Quốc tế - Ngày đăng : 17:47, 27/02/2022

Đội bóng nước Anh đối diện tương lai khó khăn ngay cả khi ông Roman Abramovich trao lại quyền chủ tịch cho quỹ từ thiện của câu lạc bộ.

Quyết định của ông Abramovich được giới quan sát đánh giá như bước đi nhằm giảm áp lực vào Chelsea. Chưa có dấu hiệu cho thấy vị tỷ phú người Nga sẵn sàng bán đội chủ sân Stamford Bridge trong tương lai gần. Tuy nhiên, Chelsea sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc hoạt động, khi chỉ có thể trông chờ vào doanh thu do chính họ kiếm ra.

Bước lùi của Abramovich

Rạng sáng 27.2 (giờ Hà Nội), ông Abramovich trao quyền Chủ tịch Chelsea cho quỹ từ thiện của câu lạc bộ nước Anh. "Kể từ khi sở hữu Chelsea, tôi luôn đưa ra những quyết định đem lại lợi ích lớn nhất cho câu lạc bộ.

Tôi vẫn cam kết với những giá trị ấy. Đó là lý do tại sao hôm nay tôi giao cho những người được ủy thác của quỹ từ thiện Chelsea quản lý và chăm sóc câu lạc bộ. Tôi tin họ đang ở vị trí tốt nhất để chăm sóc lợi ích của câu lạc bộ, các cầu thủ, nhân viên và người hâm mộ", trang chủ câu lạc bộ dẫn lời doanh nhân người Nga.

"Những người được ủy thác" mà ông Abramovich nói đến bao gồm Bruce Buck, John Devine, Emma Hayes, Piara Power, Paul Ramos và Sir Hugh Robertson. Kể từ sau thông báo kể trên, họ sẽ thay quyền tỷ phú người Nga để đưa ra các quyết định quan trọng của Chelsea.

Chelsea anh 2

Ông Abramovich ăn mừng chức vô địch FIFA World Cup Club đầu tiên trong lịch sử Chelsea vào tháng 1.2022. Ảnh: Reuters

Các nguồn tin của Daily Mail cho rằng bằng quyết định trao quyền Chủ tịch Chelsea cho quỹ từ thiện câu lạc bộ, ông Abramovich thực tế chỉ rời bỏ vai trò quản lý trên danh nghĩa. Doanh nhân người Nga vẫn kiểm soát Chelsea. Bà Marina Granovskaia, người từng là trợ lý của ông Abramovich, vẫn nắm vai trò điều hành câu lạc bộ chủ sân Stamford Bridge.

Ông Abramovich hiện chưa nằm trong danh sách bị trừng phạt và đóng băng tài sản của Chính phủ Anh. Tuy nhiên, các nguồn tin từ truyền thông Anh cho biết quan hệ giữa ông Abramovich và Chelsea liên tục được Chính phủ nước này xem xét.

Hôm 25.2, nếu Chính phủ Anh quyết định đóng băng hay thu hồi tài sản của ông Abramovich, quyết định trao quyền quản lý Chelsea kể trên có thể giúp "The Blues" tránh khỏi viễn cảnh xấu nhất xảy ra.

Áp lực cho huấn luyện viên Thomas Tuchel và các cầu thủ Chelsea cũng có thể được giảm bớt trong thời gian tới. Truyền thông Anh tin nếu ông Abramovich còn sở hữu Chelsea, câu lạc bộ thành London có thể chịu sự tẩy chay từ người hâm mộ và dư luận châu Âu.

Tuy nhiên, tương lai bất ổn của Chelsea là điều người hâm mộ có thể dễ dàng mường tượng ra. Nếu ông Abramovich bị đưa vào danh sách trừng phạt nặng và gây ảnh hưởng nặng đến các hoạt động kinh doanh, Chelsea cũng gặp rắc rối lớn. Fordstam Ltd, công ty mẹ của Chelsea thuộc sở hữu của doanh nhân 55 tuổi, đang cho câu lạc bộ thành London vay tiền để hoạt động trong gần hai thập niên qua.

Trên giấy tờ, Chelsea vẫn nợ ông Abramovich số tiền lên tới 1,5 tỷ bảng. Nếu ông Abramovich bán "The Blues" cho đối tác khác, điều này có thể dẫn đến tương lai xấu cho nền tảng tài chính của câu lạc bộ.

Chelsea anh 3

Huấn luyện viên Thomas Tuchel thừa nhận ông và các học trò gặp khó trước những thông tin về ông Abramovich. Ảnh: Reuters

Thế khó cho CEO Granovskaia

Nhiều năm qua Chelsea dần hướng tới một mô hình phát triển bóng đá bền vững, không còn phụ thuộc nhiều vào nguồn tiền cá nhân của chủ sở hữu như giai đoạn trước. Nguồn tiền từ bản quyền truyền hình, hợp đồng tài trợ, bán cầu thủ và doanh thu từ các trận đấu tại Stamford Bridge đủ cho Chelsea tiếp tục hoạt động bình thường.

Theo thống kê từ Deloitte vào tháng 7.2021, Chelsea đứng thứ 8 trong danh sách các câu lạc bộ có tổng doanh thu cao nhất thế giới. Đội chủ sân Stamford Bridge thu về 469,7 triệu euro trong năm 2021, kém đội đứng thứ 7, Paris Saint-Germain (540,6 triệu euro) và đội đứng thứ 6, Man City (549,2 triệu euro).

Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính được công bố vào cuối năm 2021, Chelsea lỗ hơn 146 triệu bảng. Trước đó, ở mùa 2019/20, Chelsea lãi hơn 45 triệu bảng. Mùa 2018/19, đội chủ sân Stamford Bridge cũng chỉ lỗ hơn 102 triệu bảng. Bất chấp việc vô địch Champions League mùa trước và tiền bản quyền truyền hình tăng, hoạt động kinh doanh của "The Blues" chịu ảnh hưởng nặng vì đại dịch và mua sắm mạnh tay trên thị trường chuyển nhượng.

Trong mùa 2020/2021, đội chủ sân Stamford Bridge đã chi hơn 221 triệu bảng (thống kê từ KPMG) để mua Kai Havertz, Ben Chilwell, Edouard Mendy, Timo Werner và Hakim Ziyech. Hè 2021, Chelsea chi 97,5 triệu bảng chiêu mộ Romelu Lukaku về từ Inter Milan, bản hợp đồng mua có giá đắt kỷ lục trong lịch sử câu lạc bộ.

Các nguồn tin của báo chí Anh tiết lộ ông Abramovich đóng vai trò quan trọng trong hai lần Chelsea phá kỷ lục mua sắm của câu lạc bộ thời gian qua. Khi Chelsea mua Havertz với giá hơn 70 triệu bảng từ Leverkusen, hậu thuẫn tài chính từ ông Abramovich giúp thương vụ diễn ra suôn sẻ. Đến lần chiêu mộ Lukaku, ban lãnh đạo Chelsea cũng nhận được sự bảo đảm tài chính từ tỷ phú người Nga.

Gần 2 thập niên trôi qua kể từ ngày ông Abramovich mua lại Chelsea, doanh nhân 55 tuổi nhiều lần bỏ tiền túi để giúp câu lạc bộ bước lên tầm cao mới. Chelsea chắc chắn vẫn có thể vận hành như với quy mô của câu lạc bộ thuộc top 6 Ngoại hạng Anh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, khi mất hậu thuẫn tài chính trực tiếp từ ông Abramovich, họ khó có thể cạnh tranh với các đội hàng đầu châu Âu khác như Man City, PSG hay Real Madrid. "The Blues" không chỉ có nguy cơ gặp khó trên thị trường chuyển nhượng, kế hoạch xây sân mới và nhiều dự án phát triển khác của câu lạc bộ chắc chắn bị ảnh hưởng nặng.

Huấn luyện viên Thomas Tuchel thừa nhận nội bộ Chelsea mất tập trung và lo lắng. "Tình hình lúc này khiến tâm trí chúng tôi không thể tập trung trước trận chung kết", Tuchel chia sẻ trong cuộc họp báo trước trận chung kết Carabao Cup gặp Liverpool.

Nếu tỷ phú Abramovich tiếp tục chịu trừng phạt nặng, dẫn đến việc ông phải bán Chelsea, tương lai của câu lạc bộ thành London sẽ còn mông lung hơn nữa.

Theo Zing