Người bệnh COVID-19 có bôi dầu cao xoa được không?

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 10:27, 28/02/2022

Hiện nay rất nhiều người bệnh COVID-19 xông hơi toàn thân, bôi dầu cao xoa với hy vọng làm giảm các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, theo lý luận của Đông y thì việc làm này sẽ làm cho bệnh nặng hơn.
Hạn chế xông hơi, bôi dầu cao xoa trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Mặc dù triệu chứng ban đầu của bệnh COVID-19 giống cảm lạnh, nhưng không có nghĩa được dùng bài thuốc, phương pháp chữa cảm lạnh để chữa COVID-19.

SARS-CoV-2 thường gây ra các triệu chứng giống như cảm lạnh thông thường (sốt, làm mất nhận thức mùi vị, ho, khó thở, đau cơ và mệt mỏi), được mô tả như cúm mùa, làm nhiễm trùng mũi xoang hay cổ họng và lây lan qua hắt hơi, ho (yếu tố dịch tễ - virus). Bệnh nặng sẽ dẫn đến viêm phổi, hội chứng suy hô hấp cấp tính, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng và có thể gây tử vong.

1. Nếu cảm lạnh thì xông hơi, bôi dầu cao xoa sẽ hiệu quả

Trong Y dược học cổ truyền có phương pháp hãn (cho ra mồ hôi) là một trong 8 phương pháp chữa bệnh của Y dược học cổ truyền (bát pháp - hãn, thổ, hạ, hòa, ôn, thanh, tiêu, bổ). Mục đích của phương pháp chữa bệnh này nhằm đuổi tà khí ra ngoài bằng cách làm ra mồ hôi khi tà khí còn ở biểu (ở da), ngăn không cho truyền bệnh vào trong lý (lục phủ ngũ tạng).

Xông hơi và bôi dầu cao xoa là phương pháp dùng thuốc bên ngoài của phương pháp phát hãn.

+ Xông là dùng hơi của thuốc nấu với nước hoặc khói vị thuốc để xông toàn bộ cơ thể hay nơi có bệnh. Thường dùng các lá có tinh dầu nấu với nước sôi, xông toàn thân cho ra mồ hôi, sát trùng da, họng; chữa cảm mạo hạ sốt.

+ Bôi, đắp, chườm: Dùng các vị thuốc có tinh dầu, lá phơi khô tán nhỏ hay nấu trong dầu, mỡ (dầu cao xoa) để bôi, đắp, chườm; là liệu pháp làm nóng tại chỗ hay toàn thân.

Khi bị cảm lạnh, tế bào niêm mạc mũi họng co lại, ngăn cản dẫn truyền thần kinh làm mất cảm giác mùi vị; xông hơi và bôi dầu cao xoa làm nóng dãn nở tế bào niêm mạc, phục hồi dẫn truyền thần kinh và đuổi tà khí ra ngoài (khỏi nhanh).

2. Bệnh COVID-19 sẽ nặng lên nếu xông hơi toàn thân hay bôi dầu cao xoa

Y học hiện đại xếp cảm cúm (cúm mùa) là loại bệnh do virus, bệnh dễ gây biến chứng sưng phổi và dễ lây lan nhanh trong cộng đồng (yếu tố dịch tễ).

Y dược học cổ truyền xếp cảm cúm thuộc nhóm ôn dịch trong ôn bệnh. Ôn bệnh tức là bệnh Nhiệt, bệnh này rất dễ làm thương tổn đến Âm dịch, cho nên về phương diện trị liệu phải dùng tới các vị thuốc tân, lương, khinh, tiết và cam hàn để cứu Âm, không được phạm tới một vị tân nhiệt nào; nếu không sẽ như lửa cháy lại đổ thêm dầu, rất nguy hiểm. Khi Ôn bệnh mới phát sinh nên dùng ngay những bài "Ngân kiều", "Tang cúc" ... để cho bài tiết một cách nhẹ nhàng (tiêu viêm).

Theo Y dược học cổ truyền, ôn bệnh kỵ phát hãn, vì phát hãn không những không khỏi, mà lại gây nên chứng bệnh khác. Bệnh từ miệng, mũi vào kinh (Phế) mà sinh ra, nếu dùng các thuốc phát biểu (thuốc trị Thái dương thương hàn) thì vô ích. Vả lại chất hãn (mồ hôi) là một chất nước màu của Tâm; Tâm dương bị thương thời tất sinh ra các chứng Thần minh loạn ở bên trong, nói mê, rồ dại và nội bế, ngoại thoát ....

Chất hãn cũng là một thứ nước trong Ngũ dịch, giờ phát bỏ nó cũng lại thương đến cả âm. Thương hàn luận nói "xích mạch vi là lý hư, cấm phát hãn". Xem đó đủ hiểu, phát hãn làm hại đến Dương, lại rất dễ thương đến Âm. Nếu dụng dược làm thương đến Âm, thì có khác gì mở cửa thêm cho giặc vào, đó là một sự nhầm rất lớn của các Y gia từ xưa đến nay, dùng phương pháp chữa "Thương hàn bệnh" để trị "Ôn bệnh" vậy…".

Virus cúm hay SARS- CoV-2 xâm nhập vào cơ thể qua mũi, họng vào phổi (Phế kinh), không qua da và lỗ chân lông (bì phu, tấu lý) nên dù có xông hơi hay bôi dầu cao xoa cũng không diệt hết virus. 

Quá trình xâm nhập, virus gây sưng viêm tế bào niêm mạc mũi, họng và phổi, làm mất nhận thức mùi vị; nếu ta bôi dầu cao xoa hay xông hơi thì niêm mạc đang viêm sưng (khô), sẽ sưng nề (ẩm) nặng hơn, càng tạo điều kiện cho virus xâm nhập vào cơ thể nhanh hơn, bệnh sẽ nặng hơn. 

Niêm mạc phổi (phế nang) cần thoáng mát tạo điều kiện tốt cho trao đổi oxy và carbonic giữa không khí và hồng cầu; nhưng do phế nang bị tổn thương, lại sưng nề (thấp nhiệt) ngăn cản quá trình này. 

SARS-CoV-2 là virus thuộc nhóm gây suy hô hấp cấp làm giảm mạnh khả năng trao đổi oxy, càng làm hồng cầu thiếu oxy nặng. Nếu chúng ta xông hơi cho người mắc COVID-19, mồ hôi ra nhiều sẽ làm giảm lượng nước (tân dịch) trong máu, làm máu cô đặc lại dẫn đến rối loạn chất điện giải (thiếu về chất và giảm về lượng), gây ngộ độc tế bào, nguy cơ tử vong cao hơn người không xông hơi.

Theo Sức khỏe và Đời sống