Nông dân hào hứng sử dụng máy cấy
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:00, 01/03/2022
Cấy máy bằng mạ khay giúp giảm chi phí, ngày công lao động và tăng hiệu quả sản xuất
Mô hình sản xuất mạ khay, cấy bằng máy không chỉ giúp giảm chi phí, ngày công lao động mà còn bảo đảm lúa sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, góp phần tăng năng suất, chất lượng. Do đó, nhiều nông dân hào hứng mong chờ và phấn khởi khi được tham gia mô hình này.
Phấn khởi
Tranh thủ thời tiết nắng ấm, nhiều bà con nông dân đã có mặt ở cánh đồng thôn Hoàng Gia, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) để chứng kiến đưa máy cấy xuống đồng. Vụ này, xã quy vùng 8 ha mô hình sản xuất lúa tập trung và ứng dụng cấy bằng máy. Đây là lần đầu tiên địa phương triển khai mô hình này nên chiếc máy cấy vẫn còn rất mới mẻ với nhiều người. Chỉ trong 1 ngày, 1 máy có thể cấy xong 10 mẫu ruộng, nhanh gấp nhiều lần so với phương pháp truyền thống. “Gia đình tôi có 3 sào ruộng ở trong mô hình nên đều nhận được hỗ trợ. Từ vụ này, tôi không phải chạy đua với thời vụ, lo tìm người cấy thuê bởi đã có máy giúp rút ngắn thời gian cấy, mà dự báo năng suất lúa sẽ cao hơn”, bà Hoàng Thị Loan ở thôn Hoàng Gia nói.
Với bà con nông dân xã Hợp Tiến (Nam Sách), hiệu quả của mô hình cấy bằng máy đã được chứng minh qua thực tế sản xuất nên người dân đều rất mong chờ. Vụ đông xuân trước là vụ đầu tiên ứng dụng mô hình nên toàn xã chỉ quy được 1 vùng với 5 ha. Đến vụ này, diện tích mô hình cấy máy đã tăng lên 50 ha, ở tất cả các thôn trong xã. Không những tăng về diện tích, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hợp Tiến còn mua 2 máy cấy với tổng số tiền hơn 700 triệu đồng để phục vụ bà con.
Ông Nguyễn Thế Hưng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hợp Tiến cho biết: “Vụ đông xuân năm trước, năng suất lúa trong mô hình đạt tới 72 tạ/ha, cao hơn 28,7% so với gieo cấy thông thường. Vụ này nhiều hộ không có diện tích lúa trong mô hình cũng muốn được cấy máy nhưng HTX không đáp ứng được nhu cầu của bà con. Sắp tới, chúng tôi sẽ xây dựng phương án đầu tư cơ sở sản xuất mạ khay. Lúc ấy, HTX không chỉ đáp ứng được nhu cầu của nông dân trong xã mà còn có thể phục vụ được các vùng sản xuất ở địa phương khác”.
Nam Sách là một trong những địa phương có diện tích gieo vãi lớn, song khi tỉnh triển khai mô hình mạ khay cấy máy, các cấp chính quyền địa phương và nông dân đã đồng tình hưởng ứng. Diện tích cấy máy không ngừng được mở rộng. Vụ này, toàn huyện đã quy vùng được hơn 420 ha cấy bằng máy ở hầu hết các địa phương. Nhiều xã còn vận động HTX, người dân chủ động mua máy cấy để phục vụ sản xuất. Đến nay, các diện tích cấy máy cơ bản đã xong, bảo đảm lịch gieo cấy thời vụ.
Cán bộ HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hợp Tiến (Nam Sách) kiểm tra mạ khay trước khi cấy cho bà con nông dân
Hiệu quả vượt trội
Mặc dù cấy máy với mạ khay còn khá mới lạ ở một số địa phương nhưng hiệu quả sản xuất đã được chứng minh qua nhiều vụ sản xuất. Theo đánh giá của nhiều nông dân từng tham gia mô hình này thì việc cấy máy đem lại lợi ích đáng kể trong việc giảm công lao động, giảm chi phí vật tư, ít sâu bệnh và tăng năng suất lúa. Thực tế cho thấy cấy máy giúp tăng năng suất lao động từ 30-40 lần so với cấy tay, giảm từ 1-2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Năng suất lúa cao hơn từ 3,2-13,1%, hiệu quả kinh tế cao hơn từ 4-14,8 triệu đồng/ha so với gieo cấy thủ công. Ngoài ra, cấy máy là điều kiện tốt để sản xuất hàng hóa tập trung và ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, giảm sức lao động và hạn chế tình trạng nông dân bỏ ruộng.
Những năm gần đây, mô hình sản xuất mạ khay, cấy máy không còn xa lạ với nhiều nông dân trong tỉnh, đặc biệt là ở các huyện như Thanh Miện, Bình Giang... Tuy nhiên, việc ứng dụng máy cấy vào sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. Mỗi vụ, diện tích cấy máy chỉ đạt từ 5.000-6.000 ha, chiếm dưới 10% diện tích gieo cấy toàn tỉnh. Để đẩy mạnh việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất, UBND tỉnh đã ban hành Đề án "Phát triển diện tích cấy lúa bằng máy giai đoạn 2020-2025" với nhiều chính sách khuyến khích để tăng diện tích cấy máy góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân. Ngoài hỗ trợ các mô hình cấy máy, đề án còn hỗ trợ 1 lần không quá 50 triệu đồng/cơ sở cho chi phí thuê mặt bằng để sản xuất mạ khay nếu có hợp đồng thuê đất từ 3 năm trở lên; hỗ trợ 10.000 đồng/khay đựng mạ; 1.000 đồng/kg giá thể... Chỉ tính riêng vụ đông xuân năm nay, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 76 mô hình cấy máy với diện tích gần 500 ha và 10 cơ sở sản xuất mạ khay, cấy máy mới mở.
Ông Nguyễn Phú Thụy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh đánh giá, chính sách hỗ trợ của tỉnh chính là động lực để các cơ sở sản xuất mạ khay mở rộng quy mô sản xuất trong các năm tới. Bước đầu các hộ nông dân tham gia mô hình cấy lúa bằng máy đã có thay đổi nhận thức, giải quyết tình trạng bỏ hoang ruộng đất ngày một tăng trong những năm gần đây. Nhờ sử dụng máy cấy, các địa phương đã quy hoạch được vùng sản xuất, gieo cấy cùng một loại giống, cùng trà lúa, thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch và từng bước hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm.
VŨ TRẦN