Phát hiện cọc gỗ thời Trần ở xã Hoành Sơn
Di tích - Ngày đăng : 09:52, 01/03/2022
Nơi phát hiện những chiếc cọc gỗ thời Trần
Thị xã Kinh Môn thuộc vùng bán sơn địa của tỉnh Hải Dương, giáp Hải Phòng và Quảng Ninh. Thị xã có 4 con sông lớn là: Kinh Môn, Kinh Thầy, Đá Vách, Hàn Mấu bao bọc và chia cắt. Đây là tuyến giao thông đường thủy nội địa quan trọng của tỉnh, có thể ngược lên Hà Nội (phía tây) và xuôi về Quảng Ninh, Hải Phòng (phía đông)… Trải qua nhiều thế kỷ, Kinh Môn luôn có vị trí chiến lược về kinh tế, chính trị, văn hóa, đặc biệt là lĩnh vực quân sự.
Năm 2014, trong quá trình đào ao thả cá tại khu vực bãi Cầu Thủ - bãi bồi của sông La chảy qua chân núi Hoành Sơn, thuộc đội 6, thôn Nghĩa Lộ, xã Hoành Sơn (Kinh Môn), ông Lê Văn Mừng (người địa phương) đã phát hiện 7 chiếc cọc gỗ mũi nhọn chôn sâu dưới đất. Các cọc đều được chôn thẳng đứng, nằm dưới mặt nước khoảng 1 - 1,5 m, mỗi cọc cách nhau khoảng 5 - 6 m. Kích thước cọc không đều nhau, chiếc dài nhất 3,5 m. Ông đã cho móc lên 6 cọc, còn lại 1 chiếc bị lái máy xúc nhấn chìm xuống đáy ao.
Mái chèo do ông Lê Văn Mừng xẻ từ chiếc cọc dưới ao cá của gia đình
Trong số cọc phát hiện 1 chiếc nằm ngang có hõm mang cá ở đầu cọc, ông Mừng suy đoán đây là điểm buộc đòn xoay để chôn cọc, đáng tiếc chiếc cọc này đã bị thất lạc. Tại góc ao, ông còn phát hiện 1 tấm đá lớn nằm sâu dưới nước, hiện chưa rõ hình dạng. Xét thấy có nhiều điểm đặc biệt, ông đã báo cáo UBND xã Hoành Sơn và Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kinh Môn (nay là thị xã Kinh Môn). Lãnh đạo huyện Kinh Môn đã giao Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cử cán bộ xuống kiểm tra và thu hồi số cọc đưa về chùa Nhẫm Dương (phường Duy Tân) để bảo quản, chờ cơ quan chức năng xem xét.
Trong số những chiếc cọc đã móc lên, chỉ còn 4 cọc được giữ tại chùa Nhẫm Dương. Hiện 2 cọc do sư Thích Diệu Mơ, trụ trì chùa Nhẫm Dương và bà Nguyễn Thị Kha, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã bàn giao cho Bảo tàng tỉnh Hải Dương bảo quản, phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử.
Chiếc cọc gỗ khi khai quật
Cuối năm 2017, Trung tâm Khảo cổ học dưới nước (Viện Khảo cổ học Việt Nam) đã về nghiên cứu và xác định đây là những cọc gỗ có niên đại thời Trần, cách ngày nay gần 700 năm. Khảo sát thực địa cho thấy: khu vực bãi Cầu Thủ nguyên là bãi đất phù sa của sông Đá Vách - một nhánh của sông Lục Đầu (Bắc Giang) chảy qua chân núi Hoành Sơn (Kinh Môn). Trải qua nhiều biến động tự nhiên, một phần dòng chảy sông Đá Vách đã trở thành bãi bồi phù sa Cầu Thủ. Nhiều khả năng, đây là bãi cọc thủy chiến của quân nhà Trần chống quân Nguyên xâm lược thế kỷ XIII.
Hiện trường bãi cọc nằm trong hệ thống di tích thời Trần phân bố dày đặc như: đền Cao, động Kính Chủ (Kinh Môn)... Đáng chú ý cọc gỗ ở đây có nhiều điểm tương đồng với bãi cọc thời Trần tại Đầm Lải, Yên Giang (Đông Triều), Đồng Má Ngựa, Đồng Vạn Muối (Yên Hưng, Quảng Ninh). Căn cứ kết quả khảo sát thực địa và nghiên cứu của Trung tâm Khảo cổ học dưới nước, Bảo tàng tỉnh Hải Dương bước đầu xác định bãi cọc sông Đá Vách, xã Hoành Sơn là nơi đánh chặn quân Nguyên rút quân vào thế kỷ XIII.
HOÀNG HƯƠNG