Mất tiền oan vì tìm việc online

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 15:01, 01/03/2022

Muốn làm thêm tại nhà vào những thời điểm thích hợp, không ít người đã sập bẫy của các đối tượng lừa đảo khi tìm việc online.


Người lao động nên liên hệ các trung tâm giới thiệu việc làm uy tín, có địa chỉ văn phòng rõ ràng. Trong ảnh: Nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương tư vấn tìm việc cho người lao động

"Việc nhẹ, lương cao"

Sau khi sinh con được 6 tháng, chị Phạm Thị Hoa ở phố Quang Trung (TP Hải Dương) không đi làm trở lại mà xin nghỉ hẳn ở nhà để tiện chăm sóc con nhỏ. Vì muốn có thu nhập nên chị Hoa quyết định tìm việc làm thêm tại nhà. “Lướt Facebook tôi thấy có tin tuyển 10 người nhập mã captcha tại nhà. Công việc đơn giản, không phải đi lại, rảnh thì làm, bận được nghỉ. Mỗi ngày tôi chỉ cần ít nhất 2 giờ online và có điện thoại kết nối internet để điền mã theo yêu cầu. Bên giao việc nêu rõ mức thù lao là 100.000 đồng/giờ và trả vào cuối tháng”, chị Hoa nói.

Khi chị Hoa nhắn tin đăng ký, bên giao việc yêu cầu chị cung cấp địa chỉ, số căn cước công dân, số điện thoại và tài khoản ngân hàng để chuyển tiền công. Họ còn yêu cầu chị đặt cọc 499.000 đồng phí đào tạo. Nếu làm được, sau 1 tháng sẽ trả lại số tiền này. Ban đầu, mấy mã captcha họ giao cho chị Hoa nhập khá dễ, sau khó dần. “Làm được 1 tháng thấy nhập mã ngày càng khó, có mã nhìn toét cả mắt mà không nhập nổi. Thấy không thể làm được nên tôi nhắn tin xin không làm nữa. Tôi cũng đề nghị họ trả công làm việc sau 1 tháng và hoàn tiền đặt cọc nhưng bên giao việc không trả lời và mất hút. Tôi còn lo họ lợi dụng thông tin cá nhân của tôi để làm việc khác”, chị Hoa chia sẻ.

Những người tìm việc online chủ yếu là phụ nữ nuôi con nhỏ, nhân viên văn phòng, sinh viên. "Việc nhẹ, lương cao" chỉ là cái bẫy để những đối tượng nhận hỗ trợ tìm việc hay tuyển cộng tác viên đưa ra để ăn chặn tiền đặt cọc. Nhiều người thấy việc làm không quy định giờ giấc, phương tiện hay trình độ nên cả tin đặt cọc và mất tiền oan. Tuy số tiền đặt cọc không lớn nhưng nếu nhiều người sập bẫy thì những đối tượng như trên thu về nguồn lợi không nhỏ.

Những nhà tuyển dụng online rởm thường không công khai địa chỉ văn phòng hay số điện thoại. Khi nắm được thông tin của những người có nhu cầu tìm việc họ thường yêu cầu nhắn tin riêng để trao đổi hoặc gửi một đường link để người tìm việc tự điền thông tin theo yêu cầu. Một số nơi yêu cầu người tham gia phải đặt cọc tiền để làm tin trước khi họ giao việc cho làm, sau đó việc không giao mà tiền không trả. “Khi tôi đồng ý gia công cắt mác quần áo tại nhà cho một người trên Zalo thì họ yêu cầu tôi đặt cọc 1 triệu đồng làm tin rồi mới chuyển hàng. Số tiền này sẽ được trả lại khi tôi hoàn thành lô hàng nhưng tiền đã chuyển mà chờ mãi chẳng thấy hàng về. Liên lạc với bên giao việc cũng không được. Vì không muốn người thân biết mình bị lừa nên tôi đành ngậm bồ hòn làm ngọt bỏ qua”, chị Đỗ Thị O. ở xã Phạm Kha (Thanh Miện) chia sẻ.

Cảnh giác

Bà Trần Thị Khuyên, Trưởng Phòng Tư vấn giới thiệu việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng tìm việc trực tuyến đang là xu hướng đem lại nhiều lợi ích cho cả người lao động và đơn vị tuyển dụng trong bối cảnh dịch Covid-19. Thế nhưng không ít đối tượng lợi dụng xu hướng này giở chiêu trò lừa đảo những người có nhu cầu tìm việc. Do đó, người lao động cần cảnh giác khi đăng ký làm việc tại những nơi không có địa chỉ rõ ràng. Hiện nay, trung tâm thường xuyên tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động tại trụ sở cũng như tổ chức các phiên giới thiệu việc làm trực tuyến hoặc lưu động. Người lao động có thể liên hệ đến trung tâm để được tư vấn tìm việc phù hợp hoặc đến tận nơi để tìm hiểu thêm thông tin của các nhà tuyển dụng.
Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) đang tích cực tuyên truyền để người dân cảnh giác không sử dụng các phần mềm không rõ nguồn gốc, không tham gia các giao dịch ảo trên mạng xã hội. Đáng chú ý là việc cung cấp thông tin cá nhân khi đăng ký tham gia làm việc online tại nhà. Đây là kẽ hở để tội phạm công nghệ cao lợi dụng chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, lực lượng công an cũng yêu cầu người dân chủ động khai báo khi bị lừa đảo để cơ quan chức năng vào cuộc kịp thời, xử lý những đối tượng vi phạm, không để nhiều người khác rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hải ở Văn phòng Luật sư Bảo Công (Đoàn Luật sư tỉnh), khoản 4 điều 9 Luật Việc làm năm 2013 nêu rõ nghiêm cấm dụ dỗ, hứa hẹn và quảng cáo gian dối để lừa gạt người lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động để thực hiện những hành vi trái pháp luật. Trường hợp dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu chưa đến mức truy cứu hình sự sẽ bị phạt tiền mức cao nhất đến 3 triệu đồng…

Khi tìm việc qua hình thức online, người lao động cần tìm kiếm kỹ thông tin về đơn vị tuyển dụng. Người lao động cần trao đổi trực tiếp, cụ thể với đơn vị tuyển dụng về tính chất công việc, yêu cầu, chế độ lương thưởng, có hợp đồng làm việc rõ ràng. Nên tham khảo ý kiến của người quen hoặc tìm việc ở những địa chỉ tuyển dụng uy tín, các trung tâm giới thiệu việc làm. 

HẢI MINH