Cạn sức chịu đựng mới buông tay

Gia đình - Ngày đăng : 15:13, 02/03/2022

Chị hàng xóm của tôi vừa ra tòa ly hôn. Chị nói, chị đã hy sinh quá nhiều, chịu đựng quá nhiều, đau khổ quá nhiều.

20 năm sống trong nước mắt, chị không dám buông tay, không dám một lần sống cho mình, nói lên ý kiến của mình. Chị quen với cảnh chồng như bề trên, chị là kẻ bề dưới yếu thế.

Cạn sức chịu đựng mới buông tay - Ảnh 1.
Làm đàn bà, đừng cho ai cơ hội tổn thương mình

Mà có phải chị lệ thuộc gì anh cho cam. Chị vừa đi làm, lo kinh tế gia đình, lương chị còn cao hơn chồng. Trong khi chị tất tả lo chăm sóc, đưa đón 2 đứa con, thì chồng chị, sau giờ làm là tụ tập nhậu nhẹt, đi tăng 2, tăng 3. Về đến nhà thì anh nằm ườn ra, việc nhà xem như khoán hết cho chị.

Nếu chị nhắc anh, thế nào gia đình cũng xào xáo. Anh có thể kiếm chuyện giận vài tuần, có khi vài tháng. Và mỗi lần như thế, dù không sai nhưng vì không khí gia đình quá ngột ngạt, chị bấm bụng xuống nước làm hòa.

Nếu chị còn tiếp tục ý kiến, anh sẽ không ngại dùng nắm đấm. 20 năm sống cùng anh, chị cũng đã quen với những trận đòn.

Hồi đó chị nghĩ, thôi thì nín nhịn, hy sinh cho con cái đầy đủ mẹ cha, hy sinh cho cha mẹ khỏi mang tiếng có đứa con gái bỏ chồng, và chính chị cũng không muốn mang tiếng là đàn bà bỏ chồng. Vì những lý do ấy, chị chịu đựng nhiều năm.

Tôi không cổ súy việc ly hôn, nhưng như chị hàng xóm, có lẽ chị đã giải thoát cho bản thân mình hơi muộn. Khi hôn nhân không đạt được mục đích, khi hôn nhân không có tình yêu và sự hy sinh, nhẫn nại dành cho nhau, chỉ một người cho đi còn kẻ kia chỉ nhận, thì hôn nhân thật sự bất hạnh.

Bạn thân vừa hôm qua gọi cho tôi. Bạn khóc như mưa, hỏi tôi rằng, tại sao bạn đã sống rất tốt, đã yêu thương và hy sinh cho chồng, lo lắng cho 2 đứa con riêng của chồng, hiếu thuận với bố mẹ chồng... vậy mà rốt cuộc chỉ nhận về cay đắng.

Bạn và chồng cãi nhau liên miên, bao giờ anh cũng giành phần thắng, vì anh là kiểu người không cần lý lẽ đúng sai. Anh còn thượng cẳng tay hạ cẳng chân nếu chẳng may bạn nói ra lỗi lầm của anh. Nghĩa là, chỉ có chồng của bạn được phép mắc lỗi, còn bạn không bao giờ được sai.

Bạn bè khuyên hai người cần có cuộc nói chuyện thẳng thắn, vợ chồng phải yêu thương tôn trọng nhau, phải bình đẳng, nếu không thì đường ai nấy đi giải thoát cho mình. Lần nào bạn cũng bảo "mình sẽ chia tay" nhưng rồi họ vẫn mãi chẳng chia tay, và thỉnh thoảng bạn lại gọi cho bạn bè khóc lóc, kể lể.

Khi Quyên lấy Minh, từ gia đình đến bạn bè ai cũng ngăn cản. Họ lo rằng cô sẽ khổ, nhưng vì Quyên yêu Minh nên cô nói nếu không lấy được Minh, cô sẽ ở vậy cả đời, bố mẹ cô đành chiều lòng.

Chỉ nửa tháng sau đám cưới là hạnh phúc, còn tiếp sau chỉ là những ngày buồn bã của Quyên. Chồng cô hội tụ đủ những thói xấu của đàn ông. Anh không chỉ cặp kè hết người này đến người khác mà còn hay ghen. Anh ta có thể cặp bồ, nhưng lại kiểm soát vợ rất chặt, không cho vợ có bất cứ một mối quan hệ khác phái nào. Dù là đồng nghiệp hay bạn thời sinh viên, bất cứ ai anh ta cũng nhìn họ như tình địch. Quyên đành cắt đứt hết những mối quan hệ khác phái cho cửa ấm nhà êm.

Không chỉ ghen tuông, Minh còn cực kỳ keo kiệt. Anh ta chi li tính toán với vợ từng cắc từng đồng, vậy nhưng lại hào phóng với người ngoài. Nói chuyện với vợ thì khô khan cục súc, nhưng nói chuyện với hàng xóm hay với bất cứ ai cũng dịu dàng. Chưa hết, anh ta còn vũ phu, đánh đập vợ như cơm bữa.

Cạn sức chịu đựng mới buông tay - Ảnh 2.
Tới khi cạn kiệt sức chịu đựng mới buông tay, thì có khi cũng đã bạc đầu

Những người phụ nữ trên có đáng thương không? Rất đáng thương, nhưng cũng đáng trách. Nếu họ không cho phép thì ai dám chà đạp họ?

Lẽ ra từ đầu họ phải biết yêu lấy mình, đừng ngây thơ nghĩ rằng tình yêu của mình sẽ làm thay đổi một con người, hay nghĩ rằng mọi sự hy sinh đều được đền đáp. Họ đã chịu đựng mà không phản kháng, không quyết liệt khẳng định giá trị của mình. Họ đã cho đối phương cơ hội làm tổn thương mình hết lần này đến lần khác.

Họ nghĩ sẽ cố được, nhưng không biết rằng, càng cố càng đau, càng không có kết quả. Tới khi hết sạch sức lực, họ buông tay, thì năm tháng cũng đã qua mất rồi.

Theo Người lao động