Giáo viên F0 quay cuồng giữa dạy online - offline

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 17:07, 02/03/2022

Bắt đầu tiết hóa học được hơn 10 phút, cô Nguyễn Minh Hạnh, giáo viên THPT ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, thấy khó thở và mệt.

Cô Hạnh nói nhỏ và chậm lại nhưng vẫn hụt hơi, giọng thều thào. Cố gắng giảng thêm 20 phút nữa, cô đành xin lỗi học sinh, cho các em làm bài tập rồi ngồi nghỉ. "Tôi đã không thể tiếp tục giảng vì không đủ sức. Cũng may, hôm đó tôi chỉ có một tiết dạy", cô Hạnh nói.

Cô Hạnh trở thành F0 từ cuối tuần trước, sau khi con trai sổ mũi và xét nghiệm nhanh dương tính. Không xuất hiện triệu chứng và cảm thấy sức khỏe bình thường, cô báo với nhà trường có thể tiếp tục dạy ở nhà. Nhưng không ngờ, việc giảng bài liên tục khiến cô kiệt sức. Hôm sau có bảy tiết, cô Hằng xin nghỉ vì không cố nổi.

Trường đang thiếu giáo viên giảng dạy vì nhiều người thành F0. Ngoài một số thầy cô có triệu chứng nhẹ vẫn cố dạy để bảo đảm chương trình, số khác phải điều trị. Tổ bộ môn của cô Hạnh có chín giáo viên, gần một nửa là F0.

Ở nhà nhưng cô Hạnh cho biết các giáo viên đang "chóng mặt" vì phải cố gắng hoàn thành hai đề kiểm tra, cho học sinh học trực tiếp và online để nộp cho trường trong tuần này. Số lượng học sinh trong trường mắc Covid-19 ngày càng đông. Cả trường có 45 lớp, lớp nào cũng vắng, nghỉ "già một nửa", vì thuộc diện F.

Từ nửa cuối tháng 2, cô Hoa, 37 tuổi, giáo viên một trường tiểu học ở huyện Đông Anh, Hà Nội cũng gần như phải "phân thân" để dạy cả trực tiếp và trực tuyến.

Buổi sáng, cô dạy trực tiếp cho khoảng 25 học sinh trên tổng số hơn 40. Vì đường truyền mạng tại trường không tốt, lại thiếu thiết bị, cô Hoa không thể livestream buổi dạy cho học sinh F0, F1 đang ở nhà. Do đó, cô phải kèm riêng những em này vào chiều hoặc tối, nghĩa là khối lượng công việc tăng gấp đôi. "Để dạy được hai hình thức, tôi cũng phải thiết kế lại bài giảng cho phù hợp. Việc này mất thời gian và vất vả hơn nhiều so với học trực tuyến hoàn toàn như trước", cô nói.

Duy trì được gần một tuần, hai con của cô Hoa nhiễm Covid-19. Cảm thấy mình là F1 nguy cơ cao, cô xin nhà trường cân nhắc cho cả lớp học trực tuyến. Lúc đó, số lượng học sinh F0, F1 của lớp cũng đã chiếm gần một nửa. Trường quy định, lớp nào hơn 50% học sinh F0, F1 có thể chuyển trực tuyến hoàn toàn. Nhận thấy tỷ lệ ở lớp cô Hoa cũng tiệm cận mức này và để tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, trường chấp thuận.

Không còn phải dạy sáng trực tiếp, chiều trực tuyến như trước, cô Hoa "dễ thở" được vài hôm thì thấy người mỏi mệt, đau họng. Tự test nhanh Covid-19 thấy hai vạch, cô báo cáo hiệu trưởng và được động viên "nếu không mệt quá thì duy trì dạy, trường không đủ giáo viên để thay người nữa".

"Lúc đó, nhiều đồng nghiệp cũng vẫn phải dạy cả ngày với hai hình thức như tôi lúc trước nên tôi rất thông cảm với đề nghị của hiệu trưởng. Dù mệt, tôi nghĩ mình vẫn có thể dạy trực tuyến", cô Hoa nói.

Cố gắng được vài ngày, cô gần như gục ngã khi bắt đầu ho "tưởng muốn nổ phổi". Mỗi buổi dạy trực tuyến kết thúc, cô "nằm vật ra giường không thiết ăn uống gì".

Đến ngày 27.2, UBND thành phố Hà Nội đồng ý với đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo, cho phép trẻ tiểu học và lớp 6 ở 18 huyện, thị ngoại thành học trực tuyến. Vì chỉ dạy theo một hình thức, lại có một số thầy cô đã khỏi bệnh, trường bố trí được một giáo viên dạy thay cô Hoa. "May mắn là có người dạy thay tôi ít hôm. Tôi thật sự mệt", cô Hoa nói.


Cô Hoàng Thụy Lan Anh, giáo viên chủ nhiệm lớp 4/7, Trường Tiểu học Phan Đình Phùng, quận 3, TP Hồ Chí Minh, đang dạy học trực tiếp cho 21 học sinh ở lớp và 28 em ở nhà. Ảnh: Mạnh Tùng

Những ngày gần đây, Hà Nội có trên 10.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày. Tính đến cuối tháng 2, theo khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19 xấp xỉ 10% tổng số ca nhiễm, tương đương hơn 17.300 trẻ.

Tại TP Hồ Chí Minh, trẻ mầm non từ ba tuổi trở lên và toàn bộ học sinh phổ thông đang ở tuần học trực tiếp từ sau Tết. Hiện, số F0 trong trường học ghi nhận gần 10.000 em và tiếp tục tăng, khiến phương thức dạy học liên tục thay đổi. Chưa xuất hiện tình trạng những lớp học vài em như Hà Nội, nhưng tỷ lệ học sinh online - offline ở nhiều nơi tại TP Hồ Chí Minh là 50:50.

Sáng 2.3, lớp 4/7, Trường Tiểu học Phan Đình Phùng, quận 3 do cô Hoàng Thụy Lan Anh chủ nhiệm vắng 28 học sinh, do lớp ghi nhận bảy em diện F0. Tại lớp, cô dạy trực tiếp cho 21 em trước chiếc máy tính đang mở Zoom, phát trực tiếp cho các em ở nhà theo dõi. Thỉnh thoảng, giờ học trực tiếp tạm ngưng để cô giáo hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho các em ở nhà học online. Sau bốn tiết buổi sáng, cô chụp hình, hướng dẫn bài vở, gửi cho nhóm ở nhà.

"Việc dạy kết hợp hai hình thức này rất vất vả bởi không thể kiểm soát hết việc học của các em. Phương thức học online không mấy hiệu quả, nhiều em chưa tự giác", cô Lan Anh cho biết.

Dạy nửa lớp trực tiếp, nửa lớp gián tiếp hai buổi mỗi ngày, cô Lan Anh còn phải đảm nhiệm nhiều công việc phát sinh khác, trong đó có chuyện trao đổi, giải đáp các thắc mắc của học sinh và phụ huynh. Trong bối cảnh dịch, số lượng các câu hỏi cô nhận được tăng lên nhiều lần. Ngoài ra, các thầy cô cũng được yêu cầu thường xuyên liên lạc với gia đình, nắm tình hình, ghi nhận diễn biến sức khỏe của các em để báo cáo với nhà trường. Bên cạnh việc chuyên môn, việc nhà, những công việc không tên này xảy đến vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.

"Từ ngày học trở lại, mỗi ngày tôi tiếp 2-3 phụ huynh gọi điện, trao đổi về việc học của các em. Nhiều phụ huynh cũng mệt mỏi vì con mới học được ít ngày lại phải ở nhà. Tôi trấn an phụ huynh và các em trên lớp, cùng nhau vượt qua khó khăn", cô kể.

Do đợt dịch thứ tư bùng phát, ngày từ 27.4 năm ngoái, cả nước đã trải qua hơn chín tháng ở nhà, học online. Đánh giá học online kém hiệu quả, lại giảm tương tác xã hội, tiềm ẩn những hệ lụy về tâm lý, sức khỏe với học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương mở cửa toàn bộ trường học từ sau Tết. Tuy nhiên, với sự gia tăng ca nhiễm cộng đồng sau kỳ nghỉ Tết, số ca nhiễm trường học vì thế cũng tăng mạnh.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 27.4.2021 đến tháng 2.2022, toàn ngành ghi nhận hơn 162.000 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó cán bộ, giáo viên hơn 27.600 người trong tổng số khoảng một triệu giáo viên.

Bộ vẫn duy trì quan điểm mở cửa trường học, trong đó tổ chức song song hai hình thức giảng dạy trực tiếp và trực tuyến. Tuy vậy, trong bối cảnh số ca nhiễm cả nước tăng mạnh, mô hình dạy học này đang được đánh giá gây tốn sức lực cho giáo viên, học sinh và phụ huynh, mang lại hiệu quả không cao.

Theo VnExpress