Doanh nghiệp phải đi xa tuyển công nhân

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 06:27, 03/03/2022

Đầu xuân, nhiều doanh nghiệp thiếu lao động, thay vì tuyển ở các địa phương lân cận, nhiều doanh nghiệp đã về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thu hút lao động.


Do thiếu lao động nên Công ty TNHH Sky Dragon Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp thu hút công nhân ở vùng sâu, vùng xa


Nhiều chính sách ưu đãi

Anh Lò Văn Du ở huyện Thuận Châu (Sơn La) vừa mới vào làm tại Công ty TNHH Sản xuất giày Chung Jye Việt Nam (Kim Thành) khoảng 1 tuần nay. Anh Du cho biết: "Tôi thấy ở đây công nhân mới cũng được trả lương cao nên xin vào làm".

Công ty TNHH Sản xuất giày Chung Jye Việt Nam trả mức lương cơ bản cho người lao động cao hơn mức tối thiểu vùng. Hiện mỗi công nhân được trả lương ở mức hơn 4,3 triệu đồng/tháng (trong khi quy định vùng 3 chỉ được hơn 3,4 triệu đồng/tháng). Ngoài ra, công nhân còn được trợ cấp tiền xăng xe, nhà trọ... Mỗi tháng công nhân mới vào nếu làm đủ ngày công cũng có thu nhập từ 6,5-7 triệu đồng/người. Ngoài ra, những người giới thiệu công nhân vào làm việc tại nhà máy còn được thưởng thêm. Theo anh Bùi Quang Hảo, Chủ tịch Công đoàn công ty thì các chế độ của doanh nghiệp tương đối tốt để thu hút người lao động. Qua 6 ngày đào tạo, công nhân có thể làm việc ngay. Nếu làm quen tay và bảo đảm năng suất, chất lượng, thu nhập của công nhân sẽ được tăng theo mức 3 tháng, 6 tháng một lần.

Tại Công ty TNHH Giầy Continuance Việt Nam (Cẩm Giàng), thời điểm này cũng có nhiều nhóm công nhân ở các tỉnh miền núi đến xin vào làm, có xưởng có đến 50% số lao động đến từ Hà Giang, Sơn La... "Ở đây có nhiều công việc để lựa chọn nhưng làm giầy da là phù hợp với chúng tôi nhất. Nếu tiết kiệm cũng có món tiền lớn gửi về cho gia đình", chị Ma Thị Xén (quê Sơn La) nói. Ngoài ra, doanh nghiệp còn thu hút công nhân ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và nhiều huyện trong tỉnh. Để bảo đảm an toàn cho công nhân, doanh nghiệp bố trí 20 xe đưa đón ở nhiều huyện trong tỉnh, hỗ trợ 400.000 đồng/tháng cho công nhân ở trọ.

Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc, giầy da đều thiếu lao động, trong khi nguồn nhân lực tại chỗ khan hiếm. Nguyên nhân do lao động địa phương không chỉ làm việc tại Hải Dương mà còn ở các tỉnh khác. Sự gia tăng nhanh chóng các khu, cụm công nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân gây thiếu hụt nguồn lao động. Vì thế, nhiều doanh nghiệp tìm kiếm lao động ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.


Công ty TNHH Sản xuất giày Chung Jye Việt Nam trả mức lương cơ bản cao hơn mức tối thiểu vùng để thu hút lao động mới vào làm việc


Đa dạng hình thức tuyển

Để thu hút lao động vùng cao, năm nào một bộ phận nhân sự của Công ty TNHH Sky Dragon Việt Nam (Tứ Kỳ) cũng bố trí hàng tuần đi tuyển dụng. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tuyển lao động gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cán bộ nhân sự đã chuyển thông tin tuyển dụng đến một số xã quen thuộc như Sà Phìn, Lũng Cú (Hà Giang), Phiêng Ban, Mường Khoa (Sơn La)... để nhờ phát thanh tại xã thu hút lao động về Hải Dương làm việc. Ngoài ra, Công đoàn công ty còn đăng thông báo tuyển lao động lên các trang Facebook, Zalo, phối hợp các doanh nghiệp tuyển dụng trên sàn giao dịch việc làm… Người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp cũng có thể giới thiệu người thân vào làm. Theo chị Đào Thị Xuân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sky Dragon Việt Nam, doanh nghiệp hiện thiếu khoảng 1.000 lao động. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên có nhiều công nhân là F0 phải nghỉ làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất. "Thời điểm này có nhiều đơn hàng về nên nhu cầu sử dụng lao động rất lớn. Những công nhân ở xa nếu ở trọ đều được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng. Mỗi tháng người lao động có thu nhập từ 6-8 triệu đồng", chị Xuân nói.

Hiện nay, nhiều vùng nông thôn cũng có doanh nghiệp hoạt động. Nhiều lao động có nhu cầu làm việc gần nhà khiến cho doanh nghiệp ở thành phố "đói" lao động. Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lập (Thanh Hà) cho biết mỗi năm có hàng chục doanh nghiệp ở TP Hải Dương, TP Hải Phòng đến phát tờ rơi, thông báo tuyển dụng lao động tại xã. Họ còn nhờ phát trên Đài Truyền thanh xã, đến nhà các cán bộ thôn để nhờ giới thiệu lao động. "Người lao động hiện không còn thiếu việc làm như trước mà ngược lại có nhiều sự lựa chọn. Nếu so sánh làm tại một doanh nghiệp trong tỉnh, thời gian từ nhà đến công ty mất 30 phút, thu nhập 6 triệu đồng, với một doanh nghiệp ở Hải Phòng đi làm mất 15 phút cũng thu nhập 6 triệu đồng, họ sẽ chọn doanh nghiệp phía Hải Phòng", ông Khoa nói.

Thực tế cho thấy nhiều khi về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng khó tuyển lao động. Theo ông Nguyễn Văn Thấn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thị xã Kinh Môn, điểm cốt lõi chính là các biện pháp giữ chân người lao động của chủ doanh nghiệp. Ngoài các chế độ lương, thưởng thì người lao động cần được chăm lo tốt về đời sống tinh thần. Quan hệ lao động giữa chủ doanh nghiệp với công nhân phải hài hòa, tạo môi trường làm việc tốt. Các doanh nghiệp cần có tổ chức công đoàn làm điểm tựa cho người lao động, tạo niềm tin thu hút công nhân đến làm việc và gắn bó lâu dài.

MINH NGUYÊN