Bộ Tài chính lý giải việc đội tuyển nữ Việt Nam phải nộp thuế tiền thưởng
Kinh tế - Ngày đăng : 19:17, 03/03/2022
Đội tuyển nữ Việt Nam phải đóng thêm 10% thuế tiền thưởng. (Ảnh: AFC/TTXVN phát)
Liên quan đến dư luận đưa tin huấn luyện viên Mai Đức Chung phải nộp 30% tiền thuế thu nhập cá nhân, các cầu thủ đội tuyển nữ phải đóng thêm 10% tiền thuế và có ý kiến cho rằng nên xem xét miễn thuế đối với những khoản thưởng mà họ nhận được, vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc, đưa Việt Nam giành vé dự World Cup, Bộ Tài chính đã có ý kiến về vấn đề này.
Theo Bộ Tài chính, căn cứ điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và thực tế các khoản tiền thưởng của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam nhận được, xem xét theo tính chất từng khoản thu nhập để xác định việc kê khai, nộp hoặc không phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định.
Cụ thể, trong trường hợp cá nhân có thu nhập từ nhận tiền thưởng cho giành vé dự World Cup, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam bảo đảm điều kiện là giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế được nhà nước Việt Nam thừa nhận; tiền thưởng theo quy định của Luật Thi đua khen thưởng thì các khoản thu nhập này được trừ khỏi thu nhập chịu thuế khi tính thuế thu nhập cá nhân.
Trường hợp tiền thưởng của các tập đoàn kinh tế, ngân hàng, các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam thông qua tổ chức quản lý cầu thủ, huấn luyện viên và cá nhân cầu thủ, huấn luyện viên nhận được thu nhập mang tính chất tiền lương, tiền công và/hoặc thực hiện theo quy định tài chính về thu chi, thưởng của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thì tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công.
Bộ Tài chính cho biết, tùy thuộc vào quy định tại hợp đồng lao động của cầu thủ, huấn luyện viên, thành viên đội tuyển, liên đoàn thực hiện tính thuế, khai nộp thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần hoặc tạm khấu trừ thuế 10% đối với thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên. Cuối năm cá nhân thực hiện quyết toán.
Trong trường hợp cá nhân nhận tặng thưởng trực tiếp là quà tặng bằng chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì cá nhân nhận thu nhập phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ nhận quà tặng theo quy định.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã có công văn số 1324/TCT-TNCN ngày 16.4.2018 gửi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam về việc hướng dẫn thuế thu nhập cá nhân đối với đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam.
Bộ Tài chính cũng có ý kiến với kiến nghị đang có sự thiếu công bằng giữa các đối tượng nộp thuế; trong đó người làm công ăn lương thiệt thòi hơn cả... (thuộc nội dung mức giảm trừ gia cảnh và biểu thuế lũy tiến từng phần), điều này tạo ra sự thiếu công bằng đối với các đối tượng nộp thuế; do chưa được đề xuất chính sách hỗ trợ nào.
Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ (nếu có)… số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân.
Đối với các cá nhân là người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nếu bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế thì không phải nộp thuế. Các khoản trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm... cũng không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân.
Ngày 2.6.2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.
Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân đã góp phần giảm bớt nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế, số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng đang nộp thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công.
Với việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) cũng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Trường hợp cá nhân có thu nhập lớn hơn các mức nêu trên (17 triệu đồng/tháng, 22 triệu đồng/tháng) thì số thuế phải nộp cũng rất nhỏ so với thu nhập của cá nhân.
Về biểu thuế, thực tế thực hiện cũng có ý kiến phản ánh cho rằng, biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành là không hợp lý dẫn đến nhiều vướng mắc như quá nhiều bậc, giãn cách giữa các bậc thấp quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm làm tăng số thuế phải nộp, tăng số lượng phải quyết toán thuế; hay thu nhập tính thuế ở từng bậc theo số lẻ dẫn đến khó nhớ, người nộp thuế khó khăn trong việc tự xác định số thuế phải nộp.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu để có điều chỉnh phù hợp khi sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Theo TTXVN