Độc đáo nghệ thuật điêu khắc trang trí bia đá ở đình An Nhân
Di tích - Ngày đăng : 09:48, 04/03/2022
Mặt trước tấm bia có tiêu đề “Á thần Hậu thần”, ghi tên những người công đức tiền, ruộng, được tôn làm Á thần, Hậu thần
Đặc biệt trong khuôn viên đình còn lưu giữ một tấm bia đá có niên đại thời Hậu Lê, thế kỷ XVIII. Tấm bia ghi lại việc tu tạo đình.
Tấm bia được tạc theo phong cách tạo hình thời Lê: đỉnh chóp trái đào; tên bia được đặt trong ô chữ nhật ngang khuyết góc, hai bên chữ chạm hoa sen cách điệu. Trán bia khắc hình lưỡng phượng ngậm cành hoa sen, xung quanh thân bia hoa lá sen, cúc uyển chuyển và thanh thoát xen kẽ là các chú chim nhỏ. Đặc biệt mặt trước bia chạm sâu một lòng bài vị với bốn dòng chữ Hán dọc ghi công lao của một vị quan đại phu họ Nguyễn. Đa phần bia Hậu không khắc bài vị chỉ khắc chữ to, sâu hơn khi nhắc đến người có công được phong Hậu. Đây chính là điểm khác biệt của văn bia. Trên đầu bài vị chạm đầu hổ phù, diềm hai bên nét triện, phía ngoài của bài vị trạm lưỡng lân, lưỡng hạc, ngoài cùng chạm đao hỏa, phía dưới chân bài vị là các cánh sen xếp liền nhau càng làm tăng thêm vẻ sang trọng và thanh tao của những sự kiện được nhắc tới trong văn bia.
Bia được tạo tác bằng đá nguyên khối hình dẹt, cao 114 cm, rộng 63 cm, dày 16 cm; bốn mặt đều khắc chữ Hán khoảng 1.000 chữ, dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ 8 (1712). Như vậy, mặc dù đã trải qua 310 năm nhưng hoa văn cũng như chữ viết còn rõ ràng và dễ đọc.
Mặt sau tấm bia có tiêu đề “Minh tịnh bi ký", ghi lại bài minh ca ngợi những người công đức tu tạo đình
Tóm tắt nội dung văn bia ghi như sau: xã An Nhân, huyện Tứ Kỳ, phủ Hạ Hồng gồm Nguyễn Đăng Cao, Nguyễn Đắc Lộc, xã trưởng Nguyễn Đăng Đài, Nguyễn Hữu Công, Hoàng Văn Trí, Nguyễn Văn Trần, Hoàng Văn Sơn, Nguyễn Văn Trọng cùng các bậc trên dưới trong toàn xã dựng bia ghi việc bản xã tu tạo đình vũ, dân đóng góp công đức tiền, ruộng, được tôn làm Á thần, Hậu Thần. Hằng năm ngày kỵ được phối hưởng tế lễ tại đình. Bia ghi họ tên người đóng góp công, số tiền ruộng và ngày kỵ của Á Thần, Hậu Thần để lưu truyền mãi mãi.
Mặt sau của bia có ghi một bài minh ca ngợi những người công đức tu tạo đình sẽ nhận được những ân huệ quý, thần linh phù hộ ngày càng giàu sang, phú quý.
Tấm bia là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo hiếm thấy có niên đại thời hậu Lê phát hiện ở đình An Nhân, thị trấn Tứ Kỳ - một vùng quê văn hiến. Tấm bia góp phần nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật điêu khắc trang trí trên đá giai đoạn nửa đầu thế kỷ XVIII.
NGUYỄN VĂN ĐÀI