Thời điểm COVID-19 có thể chuyển từ đại dịch sang bệnh đặc hữu

Tin tức - Ngày đăng : 16:04, 04/03/2022

Nhiều chuyên gia cho rằng virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 sẽ không bao giờ bị diệt trừ và thế giới ở một thời điểm nhất định cần chuyển từ giai đoạn “đại dịch” sang “bệnh đặc hữu”.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang khi mua sắm tại Philadelphia (Mỹ) tháng 2.2022

Nước Mỹ đã ghi dấu giai đoạn mới trong phản ứng với dịch COVID-19 khi Tổng thống Joe Biden ngày 1.3 tuyên bố “COVID-19 không còn kiểm soát cuộc sống của chúng ta”. Hiện nay, với trên 75% người dân Mỹ đã được tiêm vaccine COVID-19, các chuyên gia hy vọng rằng nước này có thể hướng đến kiểm soát dịch bệnh tốt hơn và chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu khi có thể kiểm soát dịch thay vì để dịch kiểm soát chúng ta.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu vào tháng 3.2020. Theo kênh ABC News (Mỹ), đại dịch là căn bệnh thường lây lan rộng và mạnh với nguy cơ số ca mắc gia tăng ở một khu vực rộng lớn. Trong khi đó, virus bệnh đặc hữu lại tồn tại lâu dài và mang tính lây lan có thể dự đoán được. Đặc điểm có thể dự đoán được tạo điều kiện để các bác sĩ và hệ thống chăm sóc sức khỏe chuẩn bị và thích nghi, giảm thiểu trường hợp tử vong.

Chủ tịch Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ, Tiến sĩ Daniel McQuillen, đánh giá rằng một đại dịch sẽ chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu khi “ở trong tình huống bạn đã nắm được môi trường xung quanh hoặc nồng độ điển hình của dịch bệnh xuất hiện trong không khí, nước hoặc đất ở một khu vực cụ thể”. Điều này đồng nghĩa với việc ngay cả khi có một số người vẫn mắc bệnh, con số sẽ không quá lớn kèm theo hậu quả thảm khốc gây quá tải hệ thống bệnh viện.

Cúm mùa là một ví dụ của virus bệnh đặc hữu. Virus cúm H1N1 từng có nhiều biến thể gây đại dịch trong quá khứ như cúm Tây Ban Nha năm 1918 và cúm lợn năm 2009. Những biến thể này nay là một phần của những loại virus đường hô hấp chúng ta gặp thường xuyên.

Chú thích ảnh
Khẩu trang N95 miễn phí tại một hiệu thuốc ở Mississippi (Mỹ) tháng 2.2022

Giáo sư dược tại Đại học Alabama (Mỹ) Paul Goepfert lập luận: “Không có quy tắc cứng nhắc cho thời điểm đại dịch trở thành bệnh đặc hữu”. Nếu không nắm rõ liệu còn biến thể xuất hiện trong tương lai và có mô hình dự đoán được về bệnh thì vẫn còn quá sớm để nhận định một quốc gia nào đó đã đạt đến giai đoạn bệnh đặc hữu hay chưa.

Đó là lý do nhiều người Mỹ quan ngại vẫn còn quá sớm với việc nới lỏng quy định đeo khẩu trang. Tình trạng lây lan vẫn diễn ra và trẻ nhỏ vẫn nằm trong nhóm đối tượng chịu rủi ro. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 25.2 công bố hướng dẫn mới phòng dịch trong đó có nới lỏng liên quan đến địa điểm người dân nên đeo khẩu trang trong không gian kín.

Nhưng ông Daniel McQuillen cho rằng quy định mới của CDC là thay đổi hợp lý bởi chúng tập trung vào việc lây truyền và năng lực của địa phương.

Ông đánh giá: “Chúng ta sẽ chuyển từ việc cố gắng ngăn chặn hoàn toàn dịch bệnh sang tập trung vào cách ngăn ngừa các ca bệnh nặng và nhập viện cũng như cách ngăn ngừa hệ thống chăm sóc sức khỏe trở nên quá tải đến mức không thể xử lý những vấn đề bình thường”.

Giáo sư dự bị tại Đại học Johns Hopkins-bà Natasha Chida phân tích: “Tôi cho rằng hướng dẫn mới của CDC cho thấy việc cần phải linh hoạt trong cách ứng phó với đại dịch”. Bà Natasha Chida nói: “Bệnh đặc hữu là khi bạn nhận thấy số ca duy trì ở mức thấp, hệ thống chăm sóc sức khỏe có năng lực xử lý và người dân được chăm sóc khi họ cần”.

Dù có hướng dẫn mới từ CDC, nhiều chuyên gia vẫn chần chừ trong việc kết luận liệu Mỹ đã bước sang giai đoạn bệnh đặc hữu hay chưa. Thời gian sẽ đưa ra câu trả lời nếu một biến thể mới lại xuất hiện và dẫn đến làn sóng lây nhiễm mới. Từng có quãng thời gian số ca mắc mới giảm rồi sau đó biến thể mới lại xuất hiện.

Các chuyên gia McQuillen, Goepfert và Chida đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hơn cho các sáng kiến y tế công cộng nhằm chuẩn bị và ngăn ngừa một làn sóng dịch mới. Trong đó có việc phân chia vaccine công bằng toàn cầu và tăng nguồn cung phương pháp xét nghiệm, điều trị.

Theo Báo Tin tức