Tạo tiền đề phát triển du lịch Hải Dương
Du lịch - Ngày đăng : 10:30, 05/03/2022
Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương (Kinh Môn) được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh năm 2021
Việc công nhận khu, điểm du lịch nhằm tạo hành lang pháp lý để bảo vệ tài nguyên du lịch, phát huy giá trị, tạo điều kiện thu hút đầu tư, xúc tiến quảng bá du lịch...
Hải Dương có tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, đồng thời có vị trí quan trọng trong phát triển du lịch ở vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc Bộ. Tuy nhiên, tỉnh ta vẫn bị coi là một điểm trung chuyển của du khách trên tuyến du lịch Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh.
Để tạo sự bứt phá, từng bước đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng, Chương trình số 22-Ctr/TU ngày 19.8.2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát huy giá trị văn hoá xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã được ban hành.
Tháng 9.2021, UBND tỉnh đã cụ thể hoá chương trình trên bằng Đề án “Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Tháng 12.2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình số 22-Ctr/TU, trong đó nhấn mạnh việc tập trung nguồn lực phát triển du lịch. Từng bước thực hiện hiệu quả đề án trên với trọng tâm là phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng dịch vụ du lịch và môi trường du lịch được bảo đảm sẽ là cú hích tạo sự bứt phá đối với phát triển du lịch, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh, năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Theo đó, UBND cấp huyện phải chủ trì, chỉ đạo Phòng Văn hóa-Thông tin và UBND cấp xã, các cơ quan, tổ chức trên địa bàn lập hồ sơ công nhận khu, điểm du lịch cấp tỉnh nhằm nâng cao chất lượng các khu, điểm du lịch. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác triển khai thực hiện Đề án "Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Ông Vũ Đình Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết việc lập hồ sơ công nhận khu, điểm du lịch cấp tỉnh được thực hiện từ năm 2019. Mới đây nhất, tháng 1.2022, UBND tỉnh tiếp tục công nhận 3 điểm du lịch cấp tỉnh là Bảo tàng tỉnh, di tích đình - đền Sượt, di tích chùa Đồng Ngọ và miếu-đình Cập Nhất (TP Hải Dương), nâng tổng số lên 13 khu, điểm du lịch cấp tỉnh.
Việc công nhận điểm du lịch cấp tỉnh sẽ tạo nền tảng cho Bảo tàng tỉnh phát huy giá trị tài nguyên, tăng cường xúc tiến, quảng bá để phát triển du lịch
Việc công nhận khu, điểm du lịch nhằm tạo hành lang pháp lý quan trọng để bảo vệ tài nguyên du lịch. Từ đó xác định được giá trị của tài nguyên, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân trong công tác phát triển du lịch; định hướng cho việc đầu tư, thu hút đầu tư, xây dựng các sản phẩm, đối tượng tham quan, dịch vụ du lịch... nhằm khai thác và phát huy hiệu quả giá trị các di tích, danh thắng phục vụ phát triển du lịch của địa phương.
Đơn cử như Bảo tàng tỉnh là một điểm đến quan trọng của TP Hải Dương. Những năm gần đây, Bảo tàng tỉnh đã có nhiều đổi mới để thu hút du khách. Bà Nguyễn Thị Huê, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ trên 50.000 đơn vị tài liệu, hiện vật. Đây là “địa chỉ đỏ” lưu giữ nguồn tài liệu quý, phục vụ tuyên truyền và giới thiệu về mảnh đất, con người Hải Dương trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Theo bà Huê, cũng như các khu, điểm du lịch khác đã được công nhận, việc Bảo tàng tỉnh được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh không chỉ giúp khẳng định vị thế, giá trị của điểm đến mà còn tạo điều kiện cho mỗi điểm đến từng bước chuyên nghiệp hoá công tác xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu; kết nối điểm đến trên nền tảng số về du lịch. Từ đó tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp lữ hành xây dựng, kết nối các tour, tuyến đưa khách du lịch tới Hải Dương. "Thời gian tới, Bảo tàng Hải Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trưng bày chuyên đề và lưu động. Duy trì tốt các hoạt động trải nghiệm làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu và trò chơi dân gian. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá trên nền tảng số du lịch; nghiên cứu tạo ra các tờ rơi, sản phẩm lưu niệm du lịch...", bà Huê cho biết.
Việc công nhận khu, điểm du lịch đã khẳng định những nơi này đủ điều kiện theo quy định của Luật Du lịch, giúp việc bảo vệ, quản lý, khai thác tài nguyên du lịch càng trở nên chặt chẽ và tuân thủ theo các quy định của luật.
Trong năm 2022, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục rà soát, tham mưu cho tỉnh công nhận thêm từ 1-2 điểm du lịch cấp tỉnh. Dự kiến tập trung vào các điểm đến ở huyện Ninh Giang và Cẩm Giàng. Giai đoạn 2021-2025, phấn đấu được công nhận 1 khu du lịch lịch sử cấp quốc gia. Giai đoạn 2026-2030, phấn đấu được công nhận 2 khu du lịch cấp quốc gia và từ 5-7điểm du lịch cấp tỉnh.
THẾ ANH