Những đóng góp quan trọng của đồng chí Lê Thanh Nghị trên cương vị Chính ủy Liên khu 3
Tin tức - Ngày đăng : 08:57, 06/03/2022
Đồng chí Lê Thanh Nghị
Nhân kỷ niệm 111 năm ngày sinh đồng chí Lê Thanh Nghị, báo Hải Dương trân trọng trích đăng bài tham luận của đồng chí Trung tướng Nguyễn Quang Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 3 tại Hội thảo khoa học cấp bộ với chủ đề: "Đồng chí Lê Thanh Nghị với cách mạng Việt Nam và quê hương Hải Dương" được tổ chức ngày 24.4.2021.
Đồng chí Lê Thanh Nghị (6.3.1911-16.8.1989) là người con của đồng bằng châu thổ sông Hồng, đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đối với Quân khu 3, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cũng như trong giai đoạn 1951-1952 (lúc này là Liên khu 3), trên cương vị là Chính ủy, Bí thư Liên khu ủy, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT), xây dựng cơ sở cách mạng, phục vụ chiến đấu và chiến đấu, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Liên khu trong một giai đoạn hết sức khó khăn của cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Lê Thanh Nghị quê xã Gia Khánh (Gia Lộc), tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Cuối tháng 10.1945, trên vùng đồng bằng Bắc Bộ và phụ cận, các Chiến khu 2, Chiến khu 3, Chiến khu 11 (các tổ chức tiền thân của Quân khu 3 ngày nay) được thành lập. Thời điểm này, đồng chí Lê Thanh Nghị là Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ được phân công phụ trách miền duyên hải. Khi toàn quốc kháng chiến, đồng chí là Thường vụ Xứ ủy, Bí thư Khu ủy Khu III kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính khu. Đầu năm 1948, đồng chí là Phó Bí thư Liên khu ủy III, sau đó về Văn phòng Trung ương Đảng (1948-1949), đến đầu năm 1950 tiếp tục được cử làm Phó Bí thư Liên khu ủy III. Tháng 1.1951, đồng chí là Bí thư Liên khu ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu III và Chính ủy Liên khu III. Tháng 5.1952, các tỉnh, thành phố ở tả ngạn sông Hồng tách ra để thành lập Khu Tả Ngạn. Khi đó Liên khu III còn lại các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hà Đông, Sơn Tây, Hoà Bình. Đồng chí Lê Thanh Nghị là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư kiêm Chính ủy Liên khu III cho đến cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ nhất của Trung ương Đảng (tháng 3.1951): “Khu III phải đặc biệt chú trọng phát triển chiến tranh du kích đến cao độ”, “củng cố và gia cường bộ đội chủ lực, đồng thời củng cố bộ đội địa phương và dân quân du kích”, đồng chí Lê Thanh Nghị đã thường xuyên cùng với các đồng chí trong Liên khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu III bàn bạc, ra chủ trương, chỉ đạo xây dựng LLVT, đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến. Những tháng đầu năm 1951, đồng chí đã cùng Liên khu ủy tập trung chỉ đạo kiện toàn Đại đoàn 320, điều động nhiều cán bộ đảng, đoàn thể có kinh nghiệm chiến đấu sang làm công tác quân sự, góp phần xây dựng Đại đoàn 320 thành "quả đấm chủ lực mạnh" của chiến trường đồng bằng Bắc Bộ và Bộ Tổng tư lệnh, cùng các LLVT Liên khu thực hiện tốt nhiệm vụ chiến đấu ở sau lưng địch trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Do một số đơn vị chủ lực của Liên khu đã được điều động đi xây dựng các đại đoàn chủ lực cơ động (chỉ còn Trung đoàn 42), đồng chí Lê Thanh Nghị cùng các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Liên khu chỉ đạo tiến hành xây dựng thêm Trung đoàn 46 tác chiến ở hữu ngạn sông Hồng.
Cùng với chỉ đạo xây dựng lực lượng, đồng chí Lê Thanh Nghị đã chỉ đạo xây dựng cơ sở cách mạng, các LLVT và nhân dân kiên cường chống càn, phục hồi các cơ sở, giành lại các địa bàn đã bị địch đánh chiếm và phát triển các khu du kích, căn cứ du kích mới, từng bước đẩy địch vào thế khó khăn, bị động.
Từ ngày 20.3-7.4.1951, ta mở Chiến dịch Hoàng Hoa Thám đánh vào phòng tuyến của địch trên đường số 18 (khu vực từ Phả Lại đến Uông Bí). Để phối hợp với chiến trường, đồng chí Lê Thanh Nghị đã cùng Bộ Tư lệnh Liên khu tập trung chỉ đạo bộ đội và du kích toàn Liên khu đẩy mạnh hoạt động và hiệp đồng với Đại đoàn 320 tập trung tác chiến ở khu vực Nam thị xã Sơn Tây. Chỉ đạo Trung đoàn 42 và bộ đội địa phương, dân quân du kích các tỉnh, thành phố ở tả ngạn sông Hồng kiên cường chiến đấu, đẩy lùi các cuộc càn quét của địch, mở lại nhiều khu du kích ở Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An, Thái Bình. Bộ đội và du kích tả ngạn cũng liên tục đánh địa lôi trên các tuyến đường giao thông nhằm tiêu diệt lực lượng, phương tiện của địch. Riêng trên đường 5, quân và dân Hải Dương, Hưng Yên đã tổ chức gỡ bỏ hàng trăm mét đường sắt, đánh mìn lật đổ một đoàn tàu quân sự gồm 5 toa ở huyện Kim Thành, gây cho địch nhiều thiệt hại.
Tiếp tục thực hiện tiến công địch ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ, ngày 24.4.1951, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Quang Trung ở khu vực Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá tan khối ngụy quân, thúc đẩy chiến tranh du kích phát triển, giành giật với địch nguồn cung cấp sức người, sức của ở đồng bằng Bắc Bộ. Trung ương Đảng cũng quyết định thành lập Đảng ủy Mặt trận và chỉ định đồng chí Lê Thanh Nghị tham gia Đảng ủy.
Nhà tưởng niệm đồng chí Lê Thanh Nghị tại xã Gia Khánh (Gia Lộc)
Đây là chiến dịch lớn đầu tiên ta mở ở vùng đồng bằng sau lưng địch. Đồng chí Lê Thanh Nghị đã cùng các đồng chí trong Đảng ủy Mặt trận Quang Trung chỉ đạo chiến dịch, đồng thời cùng với Liên khu ủy, Bộ Tư lệnh Liên khu III chỉ đạo LLVT Liên khu đẩy mạnh các hoạt động phối hợp tác chiến. Để bảo đảm hậu cần cho gần 5 vạn bộ đội chiến đấu trong vùng địch hậu, đồng chí Lê Thanh Nghị đã chủ trì các cuộc họp của Liên khu ủy, chỉ đạo điều động hơn 200 cán bộ, phần lớn là các huyện ủy viên, chi ủy viên trực tiếp lo việc huy động và chỉ huy các đơn vị dân công. Với công tác chuẩn bị được thực hiện tốt, đêm 28.5.1951, Chiến dịch Quang Trung mở màn theo kế hoạch. Đồng chí Lê Thanh Nghị cùng Liên khu ủy, Bộ Tư lệnh Liên khu chỉ đạo các LLVT Liên khu đẩy mạnh chiến tranh du kích, tiêu hao, tiêu diệt địch, phá tề, củng cố và khôi phục lại cơ sở. Song song với các hoạt động quân sự, đồng chí Lê Thanh Nghị cùng Liên khu ủy chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục và quán triệt cho LLVT Liên khu nắm vững nhiệm vụ, yêu cầu và phương châm chỉ đạo của chiến dịch; đồng thời chú trọng vận động ngụy binh, vận động đồng bào công giáo, thi hành chính sách của Đảng ở các vùng giải phóng. Ngày 20.6.1951, chiến dịch kết thúc, ta đã loại khỏi chiến đấu hơn 4.000 địch, tiêu diệt và bức rút 23 vị trí, góp phần thúc đẩy chiến tranh du kích vùng đồng bằng Bắc Bộ phát triển.
Tháng 1.1952, thực hiện nhiệm vụ mở rộng mặt trận vùng sau lưng địch mà Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh giao, đồng chí Lê Thanh Nghị cùng Ban Thường vụ Liên khu ủy, Ban Chỉ đạo Mặt trận đồng bằng chỉ đạo đưa toàn bộ Đại đoàn 320, các Trung đoàn 42, Trung đoàn 46 vào vùng địch hậu, phối hợp cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích, tiêu diệt sinh lực địch, phá khối ngụy quân, ngụy quyền, bảo vệ nhân dân, bảo vệ mùa màng, mở rộng các khu du kích và căn cứ du kích. Đồng chí Lê Thanh Nghị cũng chỉ đạo các đơn vị kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự và tiến công chính trị, binh vận, giữa đánh địch và củng cố phát triển cơ sở, bồi dưỡng lực lượng kháng chiến về mọi mặt. Bị đánh mạnh trên cả mặt trận chính diện và đặc biệt là trên mặt trận sau lưng địch, ngày 23.2.1952, quân Pháp phải bỏ Hòa Bình rút chạy. Trên chiến trường đồng bằng Liên khu 3, ta đã tiêu diệt, bắt sống hơn 10.000 tên địch, tiêu diệt 160 cứ điểm do quân chủ lực địch đóng giữ, diệt khoảng 1.000 vị trí do bọn tề vũ trang, tổng dõng, vệ sĩ đóng giữ. Thắng lợi trên chiến trường đồng bằng Liên khu 3 đã góp phần “thay đổi tình thế đồng bằng Bắc Bộ, đã có ý nghĩa quyết định thắng lợi của toàn bộ chiến dịch Hòa Bình”. Trước Đông Xuân 1951-1952, hầu như toàn bộ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng nằm trong tay địch, một vài khu du kích mà ta còn duy trì được đều bị chúng uy hiếp thường xuyên, tới cuối tháng 2.1952, ta đã giải phóng được khoảng 4.800 km2 (2/3 đất đai vùng đồng bằng châu thổ), giải phóng hơn 2 triệu đồng bào; khu du kích được mở ở hầu hết các huyện đồng bằng, nhiều khu du kích, căn cứ du kích liên huyện, liên tỉnh khá rộng lớn đã xuất hiện.
Cùng với tham gia chỉ đạo các chiến dịch và các hoạt động phối hợp chiến đấu, đồng chí Lê Thanh Nghị đã cùng Liên khu ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chính và Bộ Tư lệnh Liên khu 3 kịp thời chỉ đạo các Trung đoàn 42, Trung đoàn 46 và các tỉnh đồng bằng tranh thủ những điều kiện thuận lợi mới, nâng cao chất lượng, phát triển thực lực mọi mặt. Đến cuối tháng 2.1952, các tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hòa Bình, Nam Định, Ninh Bình đều đã được củng cố với đầy đủ quân số, trang bị...
Sau Chiến dịch Hòa Bình, quán triệt chỉ thị và nhiệm vụ của Trung ương giao, tháng 2.1952, đồng chí Lê Thanh Nghị cùng các đồng chí trong Liên khu ủy, Bộ Tư lệnh Liên khu chỉ đạo xây dựng và củng cố các khu du kích và căn cứ du kích sau lưng địch, khẩn trương kiện toàn các cấp ủy đảng và chính quyền nhân dân ở các huyện, xã mới được giải phóng, tăng cường cán bộ của Liên khu, các tỉnh xuống giúp đỡ và trực tiếp phụ trách các cơ sở, tăng cường xây dựng, củng cố các đoàn thể quần chúng, phát triển dân quân du kích. Đến xuân hè năm 1952, Liên khu 3 đã mang một bộ mặt mới. Quân và dân đồng bằng Bắc Bộ đã giành lại được thế chủ động, quân địch bị đẩy trở lại thế bị động và sa lầy trong thế trận chiến tranh nhân dân đã phát triển. Lực lượng kháng chiến của toàn miền đã lớn mạnh hơn bao giờ hết.
Hoạt động của đồng chí Lê Thanh Nghị trong giai đoạn 1951-1952 gắn liền với một thời kỳ đầy khó khăn và ác liệt của Liên khu 3, gắn với giai đoạn Liên khu tiến hành củng cố, xây dựng LLVT, tích cực chiến đấu chống lại các cuộc càn quét của địch, đồng thời đẩy mạnh tác chiến phối hợp với các chiến dịch lớn, tạo nên cục diện mới cho chiến trường đồng bằng Bắc Bộ. Những cống hiến của đồng chí đã góp phần làm cho những trang sử vẻ vang của Quân khu 3 thêm rạng rỡ.
Trung tướng NGUYỄN QUANG NGỌC
Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 3