Duy trì dòng chảy suối Côn Sơn

Di tích - Ngày đăng : 11:04, 06/03/2022

Là một phần không thể thiếu của khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc, dòng suối Côn Sơn đã đi vào lịch sử và nhiều áng thơ ca. Thế nhưng nước suối đã dần cạn kiệt.


Mùa này chỉ có một số đoạn suối có nước

Để dòng suối xanh trở lại là mong mỏi của nhân dân và du khách thập phương.

Dòng suối mát lành

Trong Côn Sơn ca, đại thi hào Nguyễn Trãi-người từng gắn bó máu thịt với mảnh đất này viết: Côn Sơn suối chảy rì rầm/ Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai... Những câu thơ này đã đi vào tâm thức của bao thế hệ người Việt về một vùng đất sơn thủy hữu tình và cho thấy dòng suối Côn Sơn đã xuất hiện cùng với núi rừng Côn Sơn từ nhiều thế kỷ. Đây là hình ảnh rất đẹp và thiêng liêng của khu di tích quốc gia đặc biệt này.

Tại suối Côn Sơn, ngày 15.2.1965, Bác Hồ đã dừng chân nghỉ ngơi, trò chuyện với cán bộ, nhân viên khu di tích và nhân dân. Hình ảnh Bác ngồi bên dòng suối đã trở thành điểm nhấn đặc biệt, làm tăng thêm giá trị khu di tích Côn Sơn.

Theo khảo sát của các cơ quan chuyên môn, suối Côn Sơn bắt nguồn từ hai khe núi Ngũ Nhạc và Côn Sơn, có chiều dài khoảng 5 km và đổ về hồ Côn Sơn. Trước đây vào mùa mưa, suối đầy ăm ắp nước, có đoạn mặt nước mở rộng từ 7-10 m. Song hiện nay, dòng suối này chỉ chảy vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 8 hằng năm, thời gian còn lại trở thành suối cạn.

"Vài chục năm về trước, vào mùa hè chúng tôi thường kéo nhau vào đây tắm suối Côn Sơn. Khi ấy, dù rừng bị phá không xanh tốt như bây giờ nhưng suối thì luôn ăm ắp nước. Nước suối mát lạnh, trong sạch. Gần chỗ Thạch Bàn có ghềnh, dòng nước tung bọt trắng xóa. Giờ đến Côn Sơn, dòng suối bị cạn kiệt khiến nhiều người tiếc nuối", ông Nguyễn Văn Mạnh ở xã Lê Lợi (Chí Linh) kể.   

Bảo vệ cảnh quan trong khu di tích, bảo đảm tuyệt đối tính nguyên gốc của di sản, trong đó khôi phục dòng chảy của suối Côn Sơn là một trong những hạng mục được nghiên cứu tu bổ, tôn tạo đã được UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đặc biệt quan tâm. Năm 2013, UBND tỉnh đã bố trí kinh phí, đặt hàng đề xuất đề tài cấp tỉnh về nghiên cứu lưu trữ nguồn nước và duy trì dòng chảy cho suối Côn Sơn. Tuy vậy, đề tài đã không được thực hiện, do không có đơn vị nào tham gia vì mức độ phức tạp, vượt tầm của một đề tài cấp tỉnh. UBND tỉnh đã phải đề nghị các cơ quan chuyên môn Trung ương tham gia.

Tìm lại nguồn nước

Theo đánh giá của Viện Thủy công (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam), sau nhiều năm ngành kiểm lâm và Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc bền bỉ trồng cây, bảo vệ rừng đầu nguồn, thông cổ thụ và cây mới trồng đã bao phủ rộng khắp núi Ngũ Nhạc và núi Côn Sơn. Nguồn sinh thủy cho suối đã tốt hơn thời gian trước, nhưng dòng chảy suối Côn Sơn vẫn khô cạn. Năm 2018, Viện Thủy công đã 2 lần tổ chức khảo sát vào cuối mùa khô và cuối mùa mưa để tìm hiểu thực địa, sơ bộ đánh giá và đề xuất một số nội dung cần triển khai nhằm tìm ra giải pháp khôi phục dòng chảy của suối Côn Sơn.

Có một số ý kiến đã chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến dòng suối Côn Sơn cạn kiệt. Đó là, do san gạt núi đã cắt lấp mất dòng mạch ngầm. Hoặc do trước đây rừng tạp nên khả năng giữ ẩm tốt hơn rừng thông bây giờ. Theo một số chuyên gia, thực tế trên mặt đất không có tầng thực vật giữ ẩm đã làm ảnh hưởng đến dòng chảy trên sườn dốc. Nhưng lưu vực hứng nước cho suối Côn Sơn không lớn, chỉ khoảng 2 km2 nên thảm thực vật tác động đến khả năng giữ lại nước trong tầng phủ vào mùa mưa và nhả nước trong mùa khô cũng không đáng kể. Vì thế, còn có thể do dọc suối có các nứt gãy địa chất, gần đây rung lắc địa chấn làm khe nứt mở rộng. Dọc suối có một số bậc thác thấp, chứng tỏ trong lịch sử đã có những dịch chuyển. Đặc biệt, do khai thác nước ngầm quá mức ở vùng xung quanh chân núi có thể ảnh hưởng đến dòng chảy kiệt trên suối Côn Sơn...

Để tìm lại nguồn nước cho dòng suối Côn Sơn, nhiều ý kiến đã được đưa ra, trong đó có kinh nghiệm từ nước ngoài. Theo một chuyên gia của Viện Thủy công, kinh nghiệm của Thái Lan cho thấy để giữ ẩm và chống xói mòn trên đất dốc, cần phải xây dựng các đập tạm. Các đập này được làm từ thân cây cắm vào lòng khe núi, nhô khỏi mặt đất từ 0,5 - 1m buộc liên kết lại 2 thành hàng rào, ở giữa bỏ đá hộc. Trên một khe núi như vậy có đến hàng chục đập, khoảng cách giữa các đập tạm tùy thuộc vào độ dốc của khe. Khe càng dốc thì càng có nhiều đập. Chỉ sau một mùa mưa, bùn đất, sỏi cát, lá cây… sẽ bồi lấp trước đập tạo thành các bậc thang làm chậm dòng chảy và chính lớp bồi tích này sẽ là nơi giữ nước. Ngoài ra, phương án xây bể trời trên núi để tích nước hoặc bơm nước lên đầu nguồn đã được tính đến.

Hiện nay, các nghiên cứu, đánh giá để đưa ra phương án duy trì dòng chảy cho suối Côn Sơn vẫn đang được các cơ quan chuyên môn tích cực triển khai. Tuy vậy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số phần việc bị ảnh hưởng.

Mong rằng với sự tích cực vào cuộc của chính quyền các cấp và các chuyên gia, dòng suối Côn Sơn sẽ xanh trở lại như niềm mong mỏi của nhân dân và du khách thập phương trong thời gian gần nhất!

TIẾN HUY