Người đưa mật ong xuất khẩu
Kinh tế - Ngày đăng : 12:14, 07/03/2022
Anh Lê Quý Quyết làm giàu từ nghề nuôi ong lấy mật
Mọi người thường gọi anh với cái tên thân mật "Quyết ong".
Sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp, quanh năm kinh tế phụ thuộc vào cây vải, cây lúa nên anh Quyết đã sớm tìm cho mình một hướng đi mới. Năm 1994, khi mới 19 tuổi, thấy nhiều người đưa đàn ong về quê khai thác mật vải nên anh cũng muốn theo nghề này. Sau khi học xong cấp 3, anh Quyết xin đi theo một đoàn nuôi ong lấy mật. Khoảng 3 tháng học việc, anh quan sát tỉ mỉ từ cách nuôi ong đến các biện pháp để ong không bỏ đàn rồi trực tiếp quay lấy mật anh đều thành thạo. Anh tách ra làm riêng và mua 21 đàn ong để tự khai thác mật trong Nam, ngoài Bắc. Cứ nơi nào đến mùa hoa, anh lại đưa đàn ong tới. "Vì chưa có tiền thuê nhà trọ, tôi phải làm lều trong rừng để trông nom đàn ong. Dãi dầu mưa nắng, có lúc nhiều đàn ong bỏ đi cũng không làm tôi nhụt chí. Tôi luôn kiên trì nuôi ong, bám đàn", anh Quyết chia sẻ.
Từ 21 đàn ong, rồi có lúc anh nuôi 5.000 đàn (5.000 thùng) nhưng nhiều năm nay anh duy trì 2.000 đàn. Với anh, nghề nuôi ong lấy mật gian nan, vất vả hơn nhiều nghề khác. Nay đây mai đó, có khi nhiều tháng trời anh không được về thăm nhà. Tháng 3 đang là mùa hoa vải, anh Quyết đưa 1.000 đàn ong về Thanh Hà lấy mật. Cứ 5 ngày anh sẽ thu hoạch mật 1 lần. Mùa hoa, anh thuê 15 người chăm ong, quay mật với thu nhập từ 8-12 triệu đồng/người/tháng.
Sản phẩm mật ong của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phương Bắc đang được xuất khẩu ổn định sang Mỹ
Nuôi nhiều ong thu càng nhiều mật, anh Quyết lại đau đáu về đầu ra cho sản phẩm. Lúc đầu anh chỉ bán lẻ mật trong nước. Năm 2004, anh gặp gỡ, làm việc với chủ một số doanh nghiệp xuất khẩu ở miền Nam, Tây Nguyên để đưa mật xuất ngoại. Cuối cùng anh đã hợp tác với Công ty CP Ong mật Daklak để đưa mật sang Mỹ. Năm 2009, anh Quyết thành lập công ty và trở thành Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phương Bắc.
Anh thu mua mật ong của người dân địa phương để bảo đảm nguồn hàng. Mỗi năm, anh xuất khoảng 1.000 tấn mật sang Mỹ, doanh thu đạt khoảng 60 tỷ đồng. Anh chỉ để khoảng 50 tấn bán lẻ tại văn phòng công ty hoặc làm quà biếu. Hiện doanh nghiệp có nhiều sản phẩm như mật ong hoa vải, mật ong rừng, mật ong bạc hà...
Để mật ong xuất sang Mỹ lâu dài, anh Quyết luôn quan tâm đến chất lượng mật. Sau khi thu hoạch mật phải bảo đảm không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, được xử lý qua máy hạ thủy phần (công nghệ tách chân không, giúp sản phẩm giữ được màu sắc đẹp mắt, không làm mất đi giá trị của mật). Trước khi xuất khẩu, mẫu mật ong phải được gửi đi kiểm nghiệm tại một công ty của Đức.
Thời gian tới, anh Quyết tăng cường đưa mật ong vào các siêu thị, phục vụ khách hàng trong nước. Nhiều năm làm nghề, anh nhận ra nhiều người mua mật ong có xuất xứ nước ngoài với giá cao, trong khi nguồn mật trong nước lại có sẵn, giá rẻ hơn. Theo kinh nghiệm của anh Quyết, mật ong lấy từ hoa vải vẫn ngon nhất, sau đó là mật hoa cà phê.
Theo ông Trần Văn Kỳ, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thanh Hà, anh Quyết là người đầu tiên trong tỉnh đưa mật ong xuất khẩu sang Mỹ.
MINH NGUYỆT