Đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên mạng qua phổ cập nền tảng số Việt Nam

Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 16:40, 07/03/2022

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa đề nghị các bộ, tỉnh tập trung thúc đẩy chuyển đổi số năm 2022 với định hướng xuyên suốt là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số.

Năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm

Bộ TT&TT cho biết, từ thực tiễn triển khai chuyển đổi số, có thể coi năm 2020 là năm khởi động nhận thức về chuyển đổi số, 2021 là năm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch và 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số và nhiệm vụ cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, ngày 6.3, Bộ TT&TT đã có hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương một số nhiệm vụ quan trọng trong năm 2022.

Bộ TT&TT cho biết, định hướng xuyên suốt năm 2022 là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam

Về định hướng, Bộ TT&TT nhấn mạnh, định hướng xuyên suốt năm 2022 là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số.

Cụ thể là phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử cho người dân và các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể; Phổ cập sử dụng nền tảng dạy học trực tuyến, chú trọng hướng dẫn người dân chủ động sử dụng các nền tảng số phục vụ việc học tập, ôn luyện các môn học về khoa học tự nhiên, ngoại ngữ, kỹ năng số, kỹ năng mềm;

Phổ cập sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn sức khỏe cá nhân, kết nối trực tiếp giữa người dân với bác sĩ theo quy định của pháp luật, sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa của các bệnh viện; Phổ cập sử dụng nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như liên lạc, giải trí, du lịch, đi lại, ăn uống và bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Đồng thời, phổ cập sử dụng dịch vụ công trực tuyến do cơ quan chính quyền các cấp cung cấp cho người dân, doanh nghiệp; phổ cập sử dụng nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Bộ TT&TT công bố, định kỳ cập nhật danh mục các nền tảng số Việt Nam xuất sắc phục vụ người dân, doanh nghiệp”, văn bản hướng dẫn của Bộ TT&TT nêu.

22 nhiệm vụ quan trọng về chuyển đổi số trong năm nay

Cùng với yêu cầu tập trung thúc đẩy chuyển đổi số năm 2022 với định hướng xuyên suốt là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số, các bộ, ngành, địa phương còn được đề nghị quan tâm, tập trung chỉ đạo triển khai 22 nhiệm vụ, giải pháp quan quan trọng, vừa mang tính trung hạn vừa mang tính ưu tiên triển khai trong năm 2022.

Theo đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của các bộ, tỉnh là tham mưu, đề xuất ban hành Nghị quyết của cấp ủy Đảng về chuyển đổi số theo hướng dẫn của Ban cán sự Đảng Bộ TT&TT; xây dựng và ban hành Kế hoạch tổng thể giai đoạn 5 năm và Kế hoạch hành động hàng năm về chuyển đổi số theo hướng dẫn của Bộ TT&TT.

Ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0 phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 đã được ban hành; tổ chức phổ biến, quán triệt tới toàn bộ các tổ chức, cá nhân liên quan về quản lý, duy trì, cập nhật và tuân thủ Kiến trúc Chính phủ điện tử; tổ chức giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý, khắc phục các trường hợp không tuân thủ.

Tổ chức phổ biến, quán triệt tới toàn bộ tổ chức, cá nhân liên quan về việc tăng cường quản lý đầu tư, bảo đảm hiệu quả khi ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ số, chuyển đổi số sử dụng ngân sách nhà nước; Tổ chức phổ biến, quán triệt tới toàn bộ các tổ chức, cá nhân liên quan về hai nguyên tắc bảo đảm an toàn, an ninh mạng, cụ thể là hệ thống chưa kết luận bảo đảm an toàn, an ninh mạng chưa đưa vào sử dụng; hệ thống thử nghiệm, có dữ liệu thật thì phải tuân thủ đầy đủ quy định như hệ thống chính thức.

Tổ chức triển khai đầy đủ 4 giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng, cụ thể là: Phần mềm nội bộ do đơn vị chuyên nghiệp phát triển, tuân thủ phát triển theo quy trình Khung phát triển phần mềm an toàn (DevSecOps); Hệ thống thông tin triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin mạng theo cấp độ; Hệ thống thông tin được kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng trước khi đưa vào sử dụng, khi nâng cấp, thay đổi, định kỳ theo quy định; Hệ thống thông tin được quản lý, vận hành theo mô hình 4 lớp theo Chỉ thị 14 ngày 7.6.2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, ban hành Kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý về chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số để thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định 146 ngày 28.1.2022 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn tại văn bản 489 ngày 17.2.2022 của Bộ TT&TT, trong đó đặc biệt chú trọng tới bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu để ra quyết định và hoạch định chính sách; huy động nguồn lực xã hội cùng tham gia bồi dưỡng, tập huấn cho mạng lưới công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số và khi tham gia các hoạt động trên môi trường số.

Các bộ, ngành, địa phương cũng được đề nghị tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ quan trọng khác trong năm 2022 như: Tổ chức triển khai kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn; Kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP), bảo đảm việc kết nối, chia sẻdữ liệu được thực hiện thông suốt, tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí, tuân thủđúng quy định của Nghị định 47; Triển khai hoặc thí điểm triển khai Trợ lý ảo trong cơ quan nhà nước để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao hiệu quả và năng suất lao động...

Theo Vietnamnet