Sự kiện nổi bật ngày 9.3

Sự kiện qua ảnh - Ngày đăng : 21:32, 09/03/2022

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ các nước đến trình Quốc thư nhân dịp nhận nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam... là một trong những sự kiện nổi bật ngày 9.3.

TRONG NƯỚC


Chiều 9.3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ các nước: Cộng hòa Sierra Leone Ernest Mbaimba Ndomahina; Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal Ganesh Prasad Dhakal; Cộng hòa Guatemala Carlos Humberto Jiménez Licona; Cộng hòa Maldives Mohamed Jinahn và Cộng hòa Dominica Jaime Yorquis Francisco Rodriguez đến trình Quốc thư nhân dịp nhận nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam. Trong ảnh: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh chung với Đại sứ Sierra Leone Mbaimba Ndomahina. Ảnh: Thống Nhất- TTXVN.


Sáng 9.3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì họp Phiên thứ Nhất của Ban Chỉ đạo. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Đảng, Nhà nước đã xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ đột phá nhằm xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ, vì sự phát triển của đất nước. Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, kế thừa kết quả của những năm trước và sự nỗ lực, cố gắng trong 2021, công tác cải cách hành chính đạt nhiều kết quả nổi bật. Công tác xây dựng thể chế cải cách hành chính được đẩy mạnh. Nhiều quy trình, thủ tục về mặt hành chính được cắt giảm để đơn giản, gọn nhẹ, thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp. Công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ vào các hoạt động hành chính... Nhờ đó, công tác cải cách hành chính được người dân, cộng đồng doanh nghiệp và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: Dương Giang-TTXVN.


Ngày 9.3, tại Trụ sở Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội "Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành" do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm Trưởng đoàn làm việc với UBND TP Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự buổi làm việc. Trong ảnh: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp. Ảnh: An Đăng - TTXVN.


Ngày 9.3, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027 tiến hành phiên họp trù bị để biểu quyết thông qua Chương trình Đại hội với các nội dung làm việc quan trọng, hoàn tất công tác chuẩn bị cần thiết cho phiên khai mạc sẽ được tổ chức trọng thể vào sáng 10.3. Trong ảnh: Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình Đại hội. Ảnh: TTXVN.


Ngày 9.3, tại Hà Nội, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Lễ ký Quy chế mua bán ngoại tệ giữa ngân sách Nhà nước và Dự trữ ngoại hối Nhà nước chính thức. Theo đó, Quy chế mua bán ngoại tệ đã cụ thể hóa các nội dung hợp tác giữa hai cơ quan theo Quy chế phối hợp công tác và trao đổi thông tin giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2012; Việc triển khai Quy chế mua bán ngoại tệ sẽ tiếp tục tăng cường sự phối hợp của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách, điều hành chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối nhằm thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong ảnh: Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (bên trái) và ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính ký kết Quy chế. Ảnh: TTXVN.


Chiều 9.3, tại Sân bay Quốc tế Đà Nẵng, Sở Du lịch TP Đà Nẵng tổ chức lễ đón đoàn 740 khách MICE của Công ty Bảo Việt Nhân Thọ đến tham dự chương trình Hội nghị Kinh doanh toàn quốc năm 2022 và tham quan nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng. Tại lễ đón, đại diện lãnh đạo Sở Du lịch thành phố và các Hoa hậu du lịch Đà Nẵng Trần Nguyên Minh Thư cùng hai Á hậu Võ Lê Quế Anh và Trần Khánh Nhi đã tặng hoa, quà và gửi lời chúc mừng thành công đến Trưởng đoàn cùng các thành viên trong đoàn đã chọn Đà Nẵng là nơi tổ chức hội nghị. Trong ảnh: Đoàn khách MICE của Công ty Bảo Việt Nhân Thọ được chào đón tại Sân bay Quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lâm - TTXVN.

TRONG TỈNH


Sáng 9.3, UBND tỉnh tổ chức hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố năm 2021. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao những chuyển biến từ nhận thức đến hành động của người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức các ngành, các cấp trong thực hiện CCHC. Năm 2021 mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 song công tác điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CCHC luôn được các sở, ngành, địa phương quan tâm, có bước bứt phá mạnh mẽ. Chỉ số CCHC của cấp sở, cấp huyện đều cao hơn các năm trước. Bên cạnh kết quả đạt được, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong việc này như một số người đứng đầu chưa tích cực nêu gương, chưa quyết tâm chỉ đạo, còn ngại khó. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa tốt; chưa quan tâm bố trí cán bộ có phẩm chất, năng lực làm việc tại bộ phận giải quyết thủ tục CCHC; chưa chú trọng công tác truyền thông để người dân, doanh nghiệp nắm bắt, tiếp cận dịch vụ công trực tuyến. Một số nội dung quan trọng trong đánh giá CCHC đạt thấp. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng đề xuất từ năm 2023 sẽ lấy ngày 1.3 là ngày công bố Chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố và yêu cầu năm 2022 các cấp, ngành cần tiếp tục quán triệt sâu sắc nhiệm vụ CCHC nhà nước là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là một trong những giải pháp quan trọng, đột phá góp phần phát triển kinh tế - xã hội... Nhân dịp này, UBND tỉnh tặng bằng khen cho 8 tập thể, 12 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện CCHC năm 2021. Trong ảnh: Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể. Ảnh: Thành Chung


Chiều 9.3, tại trụ sở Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội Viettel ở TP Hà Nội diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số (CĐS) giai đoạn 2022-2025 giữa UBND tỉnh Hải Dương và Tập đoàn Viettel. Phát biểu tại lễ ký kết, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng cảm ơn sự hỗ trợ, đồng hành của Tập đoàn Viettel trong suốt thời gian qua, nhất là trong công tác phòng chống dịch. Đồng chí mong muốn sự hợp tác giữa Hải Dương và tập đoàn chặt chẽ hơn nữa nhằm đẩy mạnh CĐS trong thời gian tới. Nêu bật chiến lược phát triển của tỉnh là tăng trưởng xanh-CĐS, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng khẳng định tỉnh đang nỗ lực hiện thực hóa bằng những việc làm cụ thể. Đồng chí nhấn mạnh với 3 mục tiêu là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, nhiệm vụ, dư địa CĐS trong thời gian tới còn rất lớn. Khẳng định Hải Dương quyết tâm đưa CĐS vào tất cả các lĩnh vực trên cơ sở phù hợp nguồn lực, mở rộng sự hợp tác với các doanh nghiệp có thế mạnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Hải Dương và Tập đoàn Viettel sẽ mở ra trang mới trong hợp tác, đẩy mạnh CĐS; hai bên sẽ thực hiện ngay các nội dung hợp tác trên tinh thần “5 rõ”, mục tiêu cao nhất là phục vụ người dân, doanh nghiệp. Với thỏa thuận hợp tác, tỉnh Hải Dương và Tập đoàn Viettel đặt mục tiêu chuyển đổi tổng thể, toàn diện từ cơ quan nhà nước đến người dân, doanh nghiệp về cách sống, cách làm việc, phương thức sản xuất và tiêu thụ dựa trên công nghệ số. Phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh. Đưa Hải Dương sớm trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước về CĐS với 3 trụ cột là chính quyền số-kinh tế số-xã hội số... Trong ảnh: Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng và Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng ký kết thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Thành Chung

QUỐC TẾ


Ngày 9.3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nước này không còn thúc ép yêu cầu gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong cuộc phỏng vấn với đài ABC News của Mỹ được phát sóng tối 7.3, khi được hỏi liệu ông có sẵn sàng từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO vào một thời điểm nào đấy hay không, Tổng thống Zelensky trả lời rằng "Tôi đã trở nên kém mặn mà với vấn đề này sau khi nhận ra rằng NATO không sẵn sàng chấp nhận Ukraine". Trong ảnh: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại thủ đô Kiev. Ảnh: AFP/TTXVN.


Nga dự định tiếp tục thực thi "cơ chế im lặng" (lệnh ngừng bắn) từ 10h (giờ Moskva), tức 14h ngày 9.3 (giờ Hà Nội), để tạo điều kiện sơ tán dân thường qua các hành lang nhân đạo mở tại một số thành phố ở Ukraine, trong đó có thủ đô Kiev. Trước đó, ngày 8.3, quân đội Nga đã thực thi lệnh ngừng bắn để tạo điều kiện sơ tán dân thường theo các hành lang nhân đạo được mở tại thủ đô Kiev và 4 thành phố khác của Ukraine gồm Chernihiv, Sumy, Kharkov và Mariupol. Trong ảnh: Người dân Ukraine sơ tán khỏi TP Irpin, phía Tây Bắc thủ đô Kiev. Ảnh: AFP/TTXVN.


Sáng 9.3, cử tri Hàn Quốc bắt đầu đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử chính thức để lựa chọn vị Tổng thống thứ 20 của nước này. Số liệu từ Ủy ban Bầu cử Quốc gia Hàn Quốc (NEC) cho biết tổng cộng 44.197.692 cử tri nước này đủ điều kiện tham gia bỏ phiếu, tăng 1.1717.982 người so với cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 19 hồi năm 2017. Trong ảnh: Cử tri Hàn Quốc bỏ phiếu bầu Tổng thống tại điểm bầu cử ở Seoul, ngày 4.3.2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN.


Giới chức Pakistan cho biết tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã thừa nhận tiến hành vụ đánh bom ở khu vực Tây Nam nước này ngày 8.3 làm 7 thành viên của lực lượng bán quân sự Frontier Constabulary thiệt mạng. Vụ đánh bom trên xảy ra ở huyện Sibi, tỉnh Balochistan. IS tuyên bố một phần tử thuộc nhóm này đã kích hoạt thuốc nổ mang trong người tại một cuộc hội họp của lực lượng an ninh. Trong ảnh: Chuyển nạn nhân bị thương trong vụ đánh bom ở Peshawar, Pakistan. Ảnh: THX/TTXVN.