Ứng dụng chuyển đổi số để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

Tin tức - Ngày đăng : 12:56, 10/03/2022

Hội nghị lần thứ 56 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xem xét đề án về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; kết quả rà soát và đề xuất phương án sắp xếp các trường đại học, cao đẳng công lập trực thuộc tỉnh quản lý.


Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng phát biểu kết luận tại Hội nghị lần thứ 56 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Sáng 10.3, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Hội nghị lần thứ 56 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Làm điểm phạt nguội vi phạm giao thông tại TP Hải Dương và Chí Linh


Nghe kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng về đề án "Tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025"

Phát biểu kết luận về Đề án "Tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025", đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh đề án phải căn cứ trên Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Kết luận 45-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 18-CT/TW. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất tên gọi đề án nhưng thay đổi thời gian từ 2022-2025. Về phần đánh giá thực trạng, cơ quan soạn thảo văn bản cần tiếp thu những ý kiến phát biểu xác đáng của các đại biểu dự hội nghị. Trong đó, cần đánh giá thực trạng trật tự, ATGT trên địa bàn tỉnh 5 năm qua trên các lĩnh vực và địa bàn; dự báo diễn biến giao thông trong thời gian tới trên cơ sở bám sát tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đồng thời chỉ ra các hạn chế, bất cập, phân tích rõ nguyên nhân chủ quan liên quan đến trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền trong việc triển khai Chỉ thị 18-CT/TW, Kết luận 45-KL/TW để "quả bóng" về ATGT không được đá đi, đá lại. Về mục tiêu cụ thể, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Xuân Thăng yêu cầu điều chỉnh chỉ tiêu về loại bỏ xe cơ giới hết niên hạn sử dụng, xe tự chế từ 70% lên 100%. Bổ sung chỉ tiêu 100% số chủ xe ô tô sử dụng tài khoản thu phí điện tử để thanh toán các dịch vụ giao thông và nộp phạt vi phạm. Xem xét lại mục tiêu 100% các vụ tai nạn giao thông được tiếp cận sơ cứu y tế trong thời gian không quá 30 phút bằng trong thời gian sớm nhất để hạn chế thấp nhất hậu quả của tai nạn giao thông. Bổ sung chỉ tiêu cụ thể về số vụ vi phạm giao thông được xử phạt nguội vì chỉ có phạt nguội mới duy trì được trật tự giao thông bền vững, lâu dài. Các tuyến đường giao thông huyết mạch có mật độ lưu thông cao, nguy cơ mất ATGT lớn phải được lắp camera giám sát.

Đối với nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đề án, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý trong quá trình triển khai, phải ứng dụng chuyển đổi số triệt để và sâu rộng, coi đây là giải pháp có tính chất đột phá nhằm đổi mới căn bản, toàn diện công tác bảo đảm trật tự, ATGT theo định hướng phát triển kinh tế số, xã hội số và chính quyền số. Trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh sẽ tập trung đầu tư lắp đặt camera giám sát và xử phạt nguội vi phạm giao thông theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Ngay trong tháng 3 sẽ làm điểm tại TP Hải Dương và TP Chí Linh, từ đó rút kinh nghiệm để nhân ra các địa phương khác trong quý II.2022. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, việc xử phạt nguội trở thành phổ biến.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng yêu cầu bổ sung thêm các giải pháp bảo đảm trật tự, ATGT cho khu vực nông thôn; giải pháp bảo đảm trật tự, ATGT đường sắt đường thuỷ, chống ùn tắc ở cổng các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, trường học và tham gia quản lý trật tự, ATGT trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn. Phân cấp triệt để cho các địa phương trong việc quản lý các tuyến đường trên địa bàn để làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong bảo đảm trật tự, ATGT. Về tổ chức thực hiện, phải phân công rõ trách nhiệm theo tinh thần "5 rõ", phải quy rõ trách nhiệm người đứng đầu...

Sáp nhập Cao đẳng Hải Dương và Đại học Hải Dương


Nghe kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng về việc sáp nhập 2 trường Cao đẳng Hải Dương và Đại học Hải Dương


Các đại biểu dự hội nghị

Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí chủ trương sáp nhập Trường Cao đẳng Hải Dương và Trường Đại học Hải Dương thành trường đa ngành, đa lĩnh vực nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ mục tiêu phát triển để Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, hướng tới thành phố hiện đại, thông minh trực thuộc Trung ương. Giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt xây dựng và hoàn thiện đề án sáp nhập theo đúng lộ trình, bảo đảm đúng quy định của pháp luật để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến cụ thể, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Phấn đấu năm học 2022-2023 sẽ đào tạo mã ngành sư phạm, trình độ đại học. Khi xây dựng đề án sáp nhập phải có sự đổi mới căn bản, toàn diện về mục tiêu đào tạo, cơ cấu ngành đào tạo, bộ máy tổ chức, đội ngũ lãnh đạo quản lý, giảng dạy cũng như công tác tuyển sinh, cơ sở vật chất. Rà soát lại quỹ đất Trường Đại học Hải Dương quản lý để quy hoạch, điều chỉnh, tập trung kinh phí đầu tư hiện đại, khang trang. Trường mới sau sáp nhập phải trở thành biểu tượng về giáo dục chất lượng cao của tỉnh với tầm nhìn đến 2050. Hoạt động của trường phải bám sát mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, bám sát nhu cầu đào tạo của thị trường lao động. Tăng cường liên kết với các trường đại học uy tín trong nước, quốc tế và tích cực liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Xuân Thăng chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Cao đẳng Y tế Hải Dương và Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương. Chủ động tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các trường trong đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực trong giai đoạn mới. Sẵn sàng tiếp nhận thêm trường mà Trung ương giao cho quản lý.

NGUYỄN MƠ - THÀNH CHUNG