Đình Mậu Duyệt - di tích văn hóa nghệ thuật thời Lê
Di tích - Ngày đăng : 07:34, 11/03/2022
Khung cảnh yên bình tại đình Mậu Duyệt
Nơi thờ vị tướng có công
Theo sử sách và những văn bia cổ còn lưu giữ tại đây thì đình Mậu Duyệt thờ Đại vương Tể tướng Lữ gia, ông mất năm 111 trước Công nguyên. Từ nhỏ ông đã thông minh ham học, lớn lên trở thành trang nam nhi văn võ song toàn. Năm 21 tuổi, ông được nhà vua trọng dụng, phong chức Tể tướng. Một lần đi qua trại Mậu Duyệt, thấy thế đất nơi đây sơn thủy hữu tình, vượng khí hào hùng, dân cư đông đúc nên ông cho đóng quân, dựng trại, xây thành đắp lũy, lập tuyến phòng thủ kiên cố. Ông khuyến khích người dân trồng trọt, chăn nuôi, mang nghề tầm tang canh cửi giúp dân an cư lạc nghiệp, nên ở đây tục truyền có câu: Hỡi cô hái lá dâu xanh/ Có về Mậu Duyệt với anh thì về/ Mậu Duyệt có cây bồ đề/ Sông Nghĩa tắm mát có nghề cửi canh.
Sau khi nhà vua băng hà, nhà Hán xâm chiếm nước ta, ông kéo quân dẹp thù trong giặc ngoài và giành được thắng lợi. Nhà Hán tiếp tục dấy binh, lần này địch mạnh ta yếu, không chống nổi cường bạo, ông liều thân để báo đền nợ nước nhà. Người dân Mậu Duyệt nhớ công đức liền lập ông làm thành hoàng. Thời vua Lê Đại Hành sắc phong ông là “Nhất vị bản cảnh thành hoàng linh phù chi thần”, thần hiệu là “Lữ Gia linh ứng Đại vương”.
Thời vua Lê Thái Tổ (1385-1433), khởi nghĩa dẹp giặc Minh, lấy được thiên hạ, vua phong thêm mỹ tự cho ông là “Nhất vị Đại vương phổ tế, cương nghị, anh linh”.
Điểm tựa tâm linh
Những đường nét chạm trổ tinh xảo ở đình Mậu Duyệt
Theo người dân địa phương kể lại, đình làng Mậu Duyệt xưa do Vũ Tướng Công, người địa phương làm quan ở tỉnh Biên Hòa đã cất công thuê người chở gỗ từ miền Trung về dựng đình từ giữa thế kỷ thứ XVI. Năm 1779, đình được trùng tu lại, trên câu đầu còn lưu dòng chữ Cảnh Hưng Tứ thập niên, tuế thứ Kỷ Hợi. Đến năm Quang Trung 1789, đình tiếp tục được tu sửa và mở rộng thêm. Năm Duy Tân 1913, ngôi đình lại tiếp tục được trùng tu.
Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đình Mậu Duyệt vẫn bảo tồn phong cách thời Lê như ngày mới khởi dựng. Đình xây trên nền gạch cao thềm vỉa bằng những phiến đá xanh, mái thấp, lòng rộng, bốn mái xoè ra thoai thoải tạo cho mái đình bề thế vững chãi. Đình có chiều dài hơn 20 m, rộng gần 11 m, cao 6 m, kiến trúc chữ Đinh, gồm 5 gian tiền tế và 2 gian hậu cung. Đến nay, đình vẫn còn lưu giữ được kiến trúc cổ cũng như những mảng, miếng chạm khắc nghệ thuật tinh xảo. Những hàng cột gỗ lim vươn cao kết nối với những xà ngang, xà dọc, con kê, trụ đỡ, tạo nên sự hoành tráng, chắc khỏe. Những con chồng, đấu sen, đầu dư, đòn bẩy… được chạm khắc rồng, nghê và hoa lá uyển chuyển, cân đối, hài hòa. Ngôi đình được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia năm 1996.
Là điểm tựa tâm linh của người dân, nơi đây còn lưu lại nhiều câu chuyện về sự linh thiêng của ngôi đình. Theo người dân kể lại, thời kháng chiến chống Pháp, có “quan tây” đến ra lệnh đốt đình, nhưng binh lính không ai dám làm, người này giành bó đuốc từ tay quân lính châm lên mái đình. Khi vừa châm, người kia cảm, ngã xuống chết, từ đó không ai dám động đến ngôi đình nữa.
Những năm gần đây, người dân địa phương thường xuyên quan tâm cung tiến sửa sang một số chi tiết nhỏ tại ngôi đình. Đứng vững qua hàng trăm năm, đến nay ngôi đình đã xuống cấp. Nhiều cột gỗ lim đã mục ruỗng, gạch ở đầu hồi phía đông cũng mục, một số bức tường bị bong tróc. “Nhân dân địa phương mong cấp trên quan tâm trùng tu để giữ lại một công trình văn hóa, lịch sử quý giá cho thế hệ sau này”, bà Nguyễn Thị Thanh Tịnh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Mậu Duyệt cho biết.
BÌNH AN