Thách thức giảm nghèo thời Covid-19

Xã hội - Ngày đăng : 06:27, 14/03/2022

Thời gian qua, Hải Dương đã nỗ lực trong công tác giảm nghèo và đạt nhiều kết quả tích cực. Song do những tác động của dịch Covid-19, việc giảm nghèo của tỉnh đang gặp không ít khó khăn.


Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Miện tích cực giải ngân cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn sản xuất, kinh doanh

Khó thoát nghèo

Vợ chồng anh Vũ Minh Tuấn ở thôn Phương Xá, xã Yết Kiêu (Gia Lộc) luôn khao khát thoát nghèo nên không ngừng nỗ lực vươn lên. Ngoài những ngày đi làm công nhân thời vụ, cuối tuần anh chị còn tranh thủ làm thuê cho bất cứ gia đình nào trong thôn có nhu cầu để tăng thu nhập. Những tưởng cố gắng sẽ sớm thoát nghèo ngay trong năm 2021 nhưng dịch Covid-19 xuất hiện đã khiến gia đình anh khó đạt được mục tiêu đề ra.

Anh Tuấn cho biết: “Năm 2021, dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp nơi vợ chồng tôi làm việc gặp khó khăn, đơn hàng phập phù, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất khan hiếm nên nhiều lần vợ chồng tôi bị nghỉ việc luân phiên. Vợ chồng tôi có đến gần chục lần phải nghỉ cách ly ở nhà vì tiếp xúc với người nhiễm Covid-19. Không được đi làm, thu nhập bấp bênh nên có lẽ gia đình tôi đành lỡ hẹn với mục tiêu thoát nghèo”.

Dịch Covid-19 xuất hiện đã khiến mục tiêu giảm nghèo của nhiều địa phương trong tỉnh gặp khó. Huyện Thanh Miện đang là địa phương có số hộ nghèo thuộc nhóm cao của tỉnh. Toàn huyện hiện có gần 1.600 hộ nghèo. Huyện đặt mục tiêu năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 2%. Địa phương đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhưng trong thời điểm dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp như hiện nay thì để đạt được mục tiêu đó không dễ.

Do dịch bệnh, thu nhập của nhiều gia đình bị giảm sút, khả năng tiếp cận với nhiều chương trình hỗ trợ an sinh xã hội của người nghèo khó khăn hơn. Nhiều gia đình vừa thoát nghèo có thể lại phải đối diện với nguy cơ tái nghèo. Anh N.V. G. ở thôn Đỗ Hạ, xã Phạm Kha (Thanh Miện) cho biết: “Trước đây gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo của xã do thu nhập của hai vợ chồng bấp bênh, con cái bị bệnh hiểm nghèo. Nhờ tích cực làm ăn, buôn bán và quyết tâm giảm nghèo nên năm 2020 gia đình tôi đã có điều kiện xin ra khỏi danh sách hộ cận nghèo. Nhưng năm 2021, dịch bệnh kéo dài, rau màu tiêu thụ khó khăn, thu nhập giảm sút, chi phí chữa bệnh cho con nhiều hơn nên gia đình tôi chưa thể thoát nghèo như mong muốn”. 

Theo tổng hợp diễn biến kết quả số hộ nghèo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2021 toàn tỉnh phát sinh thêm 50 hộ nghèo và hơn 500 hộ cận nghèo. Dịch bệnh đã khiến ước mơ thoát nghèo của nhiều gia đình khó thành hiện thực. Nhiều chương trình, giải pháp để thực hiện chính sách giảm nghèo của tỉnh cũng bị gián đoạn.


Xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) xác định rõ nguyên nhân nghèo của từng gia đình để có biện pháp hỗ trợ hiệu quả

Chia sẻ khó khăn

Trước những thách thức không nhỏ trong công tác giảm nghèo, ngay từ đầu năm 2022, xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) đã đề ra nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo và từng bước hỗ trợ những hộ nghèo, cận nghèo của địa phương vượt qua khó khăn. Địa phương này đã sớm rà soát lại số hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn, phân công lãnh đạo xã, thôn và một số đoàn thể hỗ trợ những hộ nghèo, cận nghèo. Trên cơ sở rà soát và đánh giá tình hình của các hộ nghèo, xã đề ra giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Ông Nguyễn Trung Kết, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đoàn Thượng cho biết: “Trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì mục tiêu giảm nghèo của địa phương sẽ gặp không ít khó khăn, thậm chí phải đối diện với nguy cơ nhiều hộ mới thoát nghèo lại tái nghèo. Sau khi đánh giá tình hình giảm nghèo trên địa bàn xã, chúng tôi xác định rõ nguyên nhân nghèo của từng gia đình để có biện pháp hỗ trợ cụ thể. Gia đình nào thiếu vốn sẽ tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn. Gia đình nào thiếu kiến thức sẽ hỗ trợ học nghề, tìm việc làm"…

Gần đây nhiều thôn của xã Đoàn Thượng đã xây dựng được các tổ liên gia để động viên, hỗ trợ những gia đình khó khăn, nhất là những hộ nghèo hoặc cận nghèo về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ nhau những lúc gia đình có người ốm đau. "Cách làm này khá hiệu quả bởi thấm đẫm tình làng nghĩa xóm, giúp người nghèo không mặc cảm, tự ti, từ đó quyết tâm vươn lên làm giàu, thoát nghèo”, ông Kết chia sẻ. 

Trải qua hơn 2 năm phải đối phó với dịch Covid-19, người dân trong tỉnh đang từng bước thích ứng dần với dịch bệnh và tập trung khôi phục sản xuất, kinh doanh. Các hoạt động chăm lo cho hộ nghèo, gia đình khó khăn cũng đang được đẩy mạnh. Trong năm qua, nhiều người dân trong tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định sẽ tích cực tham mưu cho tỉnh thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo theo chuẩn mới. Trước hết, các chương trình hỗ trợ tạo việc làm, nâng cao tay nghề lao động nông thôn, nhất là cho hộ nghèo và hộ cận nghèo sẽ sớm được triển khai. Tỉnh tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội hợp pháp khác hỗ trợ người nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Với tinh thần “Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, mới đây UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ giảm nghèo, tiếp tục quan tâm, chăm lo tốt hơn cho những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế trong xã hội, nhất là những người nghèo bị tác động bởi đại dịch Covid-19. 

HẢI MINH