Phụ huynh đừng làm toáng lên khi con xem phim sex
Gia đình - Ngày đăng : 14:17, 14/03/2022
“Đến giai đoạn dậy thì, về mặt rất tự nhiên của con người, đứa trẻ sẽ bị hấp dẫn bởi người khác giới, tò mò, có nhu tìm hiểu về cơ thể, cơ quan sinh dục, tình yêu, tình dục, sức khỏe sinh sản. Đây là chuyện bình thường”, TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, mở đầu khi được hỏi cha mẹ nên làm gì nếu phát hiện con xem phim sex hoặc hình ảnh nhạy cảm.
Ông nói thêm phụ huynh cần tôn trọng sự phát triển tự nhiên của trẻ. Theo ông, khi biết con xem phim người lớn, cha mẹ phải hiểu đây là thời điểm con bắt đầu quan tâm đến vấn đề này, thể hiện con đã lớn.
Thực tế, nhiều trẻ tìm đến phim sex, chất liệu người lớn trên mạng khi tò mò về tình dục, giới tính
Làm con xấu hổ chỉ khiến sự việc thêm nghiêm trọng
TS Trần Thành Nam cho biết thực tế, nhiều phụ huynh giáo dục giới tính cho con muộn. Phim sex hay chất liệu người lớn trên mạng đang thay thế cha mẹ để giáo dục giới tính cho trẻ trong thời gian khá dài, không phải mới xuất hiện gần đây.
Do đó, thấy con xem hình ảnh nhạy cảm, người lớn đừng hét lên. Nó phản ánh cha mẹ chưa hành động kịp thời ở khía cạnh này, chưa chuẩn bị cho con ở thời điểm phù hợp.
“Bố mẹ làm toáng lên khiến đứa trẻ xấu hổ. Khi đó, con sẽ có cảm xúc rất tiêu cực, nghĩ bố mẹ là ‘người âm lịch’. Con không còn muốn chia sẻ, mối quan hệ cha mẹ - con cái trở nên xa cách. Lúc đó, trẻ có xu hướng vi phạm nghiêm trọng hơn nhưng ở môi trường người lớn không kiểm soát được. Tức con vẫn tò mò, muốn tìm hiểu nhưng lần sau làm lén lút, bí mật hơn để bố mẹ không biết. Như vậy còn nguy hiểm hơn”, ông Nam nói.
Ông cho biết rất thông cảm với phụ huynh khi phản ứng quá lên vì biết con xem phim sex bởi mạng xã hội ngày nay quá nguy hiểm. Song ông cho rằng người lớn cần hiểu trẻ đang trong giai đoạn dậy thì, rất nhạy cảm với việc người khác tôn trọng mình không.
Hành xử của người trưởng thành xuất phát từ tình yêu thương, lo lắng cho con nhưng lại có thể dẫn đến nguy cơ. Do đó, cha mẹ không nên phản ứng dựa trên cảm xúc mà cần theo khuyến cáo về mặt khoa học.
Theo TS Trần Thành Nam, nếu bắt gặp trẻ xem ảnh nhạy cảm, phim sex, phụ huynh không nên làm con xấu hổ như công khai, trầm trọng hóa vấn đề, khiến con cảm thấy mình làm điều gì tội lỗi.
Ông khuyên bố mẹ nên “rút êm” ở tình huống đó, không nói gì với con mà người lớn trong nhà nói chuyện với nhau để chuẩn bị tâm lý, thống nhất rằng con đã lớn, bắt đầu quan tâm đến vấn đề này và cần giáo dục giới tính cho con một cách đúng đắn thay vì để con tự tìm hiểu, được giáo dục giới tính bằng chất liệu trên mạng.
Người lớn cần trò chuyện cởi mở, chân thành với con khi phát hiện con xem phim sex
Trò chuyện với con về giới tính, tình dục
Ông khẳng định người lớn cần thay đổi quan niệm về giáo dục giới tính, không nên sợ “vẽ đường cho hươu chạy” mà cần chủ động “vẽ đường” cho “hươu chạy đúng” vì ngày nay, trẻ có thể tiếp cận nhiều “đường” qua mạng xã hội.
Họ có thể mua sách về giáo dục giới tính, đặt ở tất cả không gian chung trong nhà để trẻ dễ tiếp cận. Trước mặt bố mẹ, con có thể không đọc vì ngại. Song do tò mò, trẻ sẽ đọc khi bố mẹ không ở đó. Phụ huynh kiểm duyệt trước nội dung trong sách nên cũng yên tâm, định hướng con đúng đắn khi tìm hiểu về vấn đề này.
Ngoài ra, bên cạnh việc bình tĩnh khi thấy con xem phim sex, bố mẹ nên chờ đến không gian, thời điểm tách khỏi sự kiện đó rồi nói chuyện một cách chân thành với con về vấn đề tình yêu, tình dục, giới tính.
Ông gợi ý phụ huynh có thể bắt đầu bằng cách cho thấy sự thấu hiểu rằng con lớn rồi, có thể quan tâm đến bạn khác giới song con cần có trách nhiệm, sự thông thái và bố mẹ đã chuẩn bị sách cho con xem.
Họ cần đề cập đến việc tìm kiếm thông tin trên mạng có thể sai lệch. Ví dụ, phim sex không thể hiện đúng bản chất của tình yêu. Tình yêu có cả tình cảm, sự cam kết, thân mật, gần gũi còn phim sex chỉ có yếu tố tình dục, thậm chí mô tả hành động bạo lực, mang tính xâm hại. Do đó, con cần tìm hiểu để có nhận thức đúng.
Người lớn cũng có thể thoải mái nói về mong muốn con tìm hiểu đúng kênh, khuyên con có giai đoạn tìm hiểu lâu dài, suy nghĩ nghiêm túc về quan hệ tình dục khi đã lên đại học. Theo ông, như vậy con có khoảng thời gian chờ để tìm hiểu, biết được nội dung trên mạng có thể khiến con suy nghĩ sai lệch về tình yêu.
“Bố mẹ tập nói chuyện với nhau hoặc tập nói trước gương để lúc trò chuyện, không ngượng nghịu khi đề cập đến chuyện nhạy cảm. Nhiều người vẫn ngại, chưa biết cách trò chuyện thân thiện, phù hợp, chân thành, chia sẻ chứ không phải đe dọa, tức giận với con khi nói về chuyện tình dục”, TS Trần Thành Nam chia sẻ thêm.
Không đưa lên mạng chuyện khiến trẻ xấu hổ
Liên quan đến nuôi dạy con cái, TS Trần Thành Nam còn đề cập đến việc đưa chuyện của trẻ lên mạng. Ông cho biết ngày nay, chỉ một vài giây, thông tin có thể chia sẻ đến hàng triệu người.
Tuy nhiên, theo thống kê, 60% người trưởng thành vẫn thoải mái công khai trên mạng những thông tin riêng tư mà không hiểu một khi đưa lên Internet, thông tin đó sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.
“Thông tin là quyền lực, có thể giúp chúng ta thành công hay vướng rắc rối. Thực tế, nhiều ông lớn công nghệ bị kiện vì làm lộ thông tin khách hàng nên thông tin là một tài sản. Thông tin của con cũng vậy. Việc sử dụng thông tin như thế nào cần thông minh hơn”, ông Nam nêu quan điểm.
Ông nói thêm khi thông tin khiến trẻ không thoải mái bị đưa lên mạng, cứ 3-4 giây, lại có thêm một người tiếp cận thông tin đó. Nếu một triệu người biết đến, mỗi người bấm like một lần lại hiện lên bảng tin rồi người khác có thể xem, sự khó chịu, nỗi xấu hổ của trẻ tăng lên một triệu lần, dẫn đến trẻ rất áp lực.
Ông cảnh báo có những việc tưởng như rất đơn giản như bị mẹ mắng, bị quay clip hôn bạn trai nhưng xuất hiện trên mạng, mỗi người đưa ra một bình luận thiếu tôn trọng, ảnh hưởng đến lòng tự trọng của trẻ, con đối mặt với nguy cơ tự hại để thoát khỏi cảm giác đó.
“Một số vụ tự tử xảy ra với nguyên nhân mà trước đây, chúng ta vẫn nói là do không có khả năng vượt qua nghịch cảnh. Nhưng mọi thứ trên mạng kinh khủng lắm. Cá nhân có thể bị tấn công 24/7, mức độ tiếp cận quá lớn”, ông giải thích.
Ông nói thêm có thể ở tình huống nào đó, người lớn chụp ảnh trẻ, cảm thấy buồn cười nên đăng lên mạng. Nhưng trẻ không thấy vậy. Các con cảm thấy xấu hổ, không thích hình ảnh của mình bị “troll”. Do đó, trong việc đăng ảnh hay việc cá nhân của trẻ lên mạng, người lớn cần có sự đồng thuận từ trẻ và giới hạn người có thể tiếp cận thông tin một cách phù hợp.
Thực tế, nước ta đã có quy định để bảo vệ trẻ em như việc đưa thông tin, hình ảnh cá nhân của trẻ lên mạng cần có sự đồng thuận từ trẻ.
Theo Zing