Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới
Thị trường - Ngày đăng : 06:30, 15/03/2022
Người tiêu dùng chỉ nên giao dịch trực tuyến trên các nền tảng, ứng dụng di động, website uy tín, các địa chỉ mua hàng tin cậy, có độ bảo mật cao
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, người tiêu dùng đã thay đổi hành vi, thói quen thích ứng linh hoạt nhằm bảo đảm tiện lợi, an toàn.
Thay đổi thói quen
Dịch bệnh đã tạo sự phát triển cho xu hướng kinh doanh - tiêu dùng mới, phù hợp hơn với bối cảnh “bình thường mới” đồng thời thay đổi hành vi, thói quen, nhu cầu và phương thức mua sắm của người tiêu dùng. Chị Vũ Thị Sen, Giám đốc siêu thị BigC (TP Hải Dương) cho biết, để thích ứng với tình hình dịch bệnh, người dân đã mua sắm rải rác vào các ngày trong tuần thay vì tập trung vào cuối tuần như trước. Nếu trước đây, nhu cầu mua sắm của người dân khá đa dạng thì hiện nay tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, sản phẩm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra người tiêu dùng cũng lựa chọn các sản phẩm chất lượng có giá cả phù hợp cũng như "săn" hàng khuyến mãi, giảm giá... để tiết kiệm tiền. Người tiêu dùng dần chuyển sang mua trực tuyến thông qua các ứng dụng hoặc mạng xã hội thay vì chỉ mua trực tiếp như trước đây. Siêu thị BigC cũng đã triển khai, áp dụng nhiều biện pháp nhằm đáp ứng, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng một cách tốt nhất như tăng cường hoạt động, triển khai nhiều chính sách khuyến mãi khi bán hàng trực tuyến. Bên cạnh phương thức thanh toán truyền thống, siêu thị còn tập trung đẩy mạnh các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như quẹt thẻ, sử dụng ví điện tử… Hiện nay, các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt chiếm từ 10-12% trong cơ cấu giao dịch thanh toán của siêu thị, tăng khoảng 5-7% so với thời điểm chưa có dịch Covid-19.
Chị Phạm Thị Hương (ở phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương) cho biết: “Trước đây tôi không hào hứng với thanh toán online hoặc chuyển khoản trực tuyến. Nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát, tôi cài đặt và sử dụng để vừa tiện mua sắm, vừa thích nghi linh hoạt với tình hình mới. Vừa qua, gia đình tôi có người mắc Covid-19, tôi và các thành viên phải cách ly, lúc này tôi càng cảm nhận rõ ràng sự tiện lợi, hiệu quả của việc mua bán trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt mang lại”.
Theo đánh giá của Sở Công thương, sau khi Nghị quyết số 128 của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” được ban hành (ngày 11.10.2021), các hoạt động đi lại, lưu thông, phân phối hàng hóa được thuận lợi, thông suốt hơn. Thị trường hàng hóa sôi động hơn so với thời gian trước đó dẫn đến hoạt động thương mại, dịch vụ có mức tăng trưởng tốt, tác động tích cực đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Thông điệp “3A”
Người tiêu dùng xây dựng thói quen tích cực trong quá trình mua sắm
Theo đại diện Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Hải Dương, trong bối cảnh "bình thường mới", người tiêu dùng cần phải trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng để tránh những rủi ro.
Khi các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phát triển mạnh mẽ, người tiêu dùng cũng cần phải cẩn trọng và chủ động bảo mật thông tin của mình trong quá trình thanh toán. Cần cập nhật, tìm hiểu về những hành vi vi phạm riêng, những rủi ro mang tính chất đặc thù khi tham gia mua sắm trực tuyến. Những rủi ro có thể gặp phải như hàng hóa nhận được khác với trưng bày, giới thiệu; chế độ chăm sóc hậu mãi, giải quyết khiếu nại kém hoặc không có; hàng hóa mất mát, hư hỏng không rõ nguyên nhân... Do đó, người tiêu dùng chỉ giao dịch trực tuyến trên các nền tảng, ứng dụng di động, website uy tín, các địa chỉ mua hàng tin cậy, có độ bảo mật cao. Cần giữ lại các hóa đơn thanh toán thẻ, chứng từ có liên quan để đối chiếu với các giao dịch sao kê tài khoản và thực tế hàng hóa, dịch vụ nhận được để làm bằng chứng nếu xảy ra tranh chấp.
Hiện nay, nhiều người tiêu dùng chưa nhận thức đầy đủ về các quyền cơ bản của mình như quyền được thông tin; lựa chọn; tư vấn; được yêu cầu bồi thường; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện. Nhiều người cũng chưa hiểu rõ các rủi ro có thể phát sinh cũng như chưa biết rõ cách thức để xử lý các nguy cơ mất an toàn đối với bản thân trong quá trình tiêu dùng. Chưa tìm hiểu, thực hiện đầy đủ các bước trước khi mua, lựa chọn hàng hóa. Khi xảy ra tranh chấp hoặc bị xâm hại về quyền lợi, đa phần người tiêu dùng còn chưa chủ động hay sẵn sàng lên tiếng để đòi lại quyền lợi cho mình do còn có tâm lý ngại va chạm, dễ dàng chấp nhận, bỏ qua.
Nhằm hưởng ứng chủ đề "Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới" của Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã phát hành bộ tài liệu "Hướng dẫn tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới". Bộ tài liệu với nội dung trọng tâm là "Thông điệp 3A", bao gồm: An toàn lựa chọn; an toàn thanh toán và an toàn sử dụng. Đi kèm với từng thông điệp là các nội dung chi tiết, nhằm hướng dẫn người tiêu dùng cách thức tiêu dùng an toàn trong suốt quá trình giao dịch và sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
Theo Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, để thích ứng với thời kỳ “bình thường mới”, người tiêu dùng cần tìm hiểu, nghiên cứu bộ tài liệu nêu trên, đồng thời xây dựng những thói quen tích cực, lành mạnh để chủ động cảnh giác, thận trọng, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo.
HUYỀN TRANG