Tòa án Công lý quốc tế yêu cầu Nga ngừng chiến dịch quân sự ở Ukraine

Tin tức - Ngày đăng : 10:17, 17/03/2022

Ngày 16.3, Tòa án Công lý quốc tế của Liên hợp quốc (ICJ) ra phán quyết yêu cầu Nga ngừng chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tuy nhiên, phán quyết này phần lớn mang ý nghĩa biểu tượng.


Người ủng hộ Ukraine bên ngoài trụ sở Tòa án Công lý quốc tế của Liên hợp quốc (ICJ) tại Hague, Hà Lan - Ảnh: AP

Theo báo Washington Post, Ukraine đã khởi xướng vụ kiện tại ICJ để phản đối lý do Tổng thống Vladimir Putin đưa quân vào Ukraine. Ông Putin giải thích "chiến dịch quân sự đặc biệt" (bắt đầu từ ngày 24.2) của Nga là nhằm bảo vệ các khu vực ly khai ở miền đông Ukraine khỏi các phần tử phát xít tại Ukraine.

Tòa án của Liên hợp quốc (LHQ) đã bỏ phiếu với tỉ lệ 13/2 (13 ủng hộ và 2 phiếu chống). 13 thẩm phán ủng hộ yêu cầu Nga ngừng các hoạt động quân sự ở Ukraine cũng như ngăn cản các đơn vị vũ trang Nga mở rộng chiến dịch.

Hai phiếu chống đến từ thẩm phán Nga và thẩm phán Trung Quốc.

Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết phán quyết của ICJ đã tạo nên một "chiến thắng toàn diện trong vụ kiện chống lại Nga" và "việc phớt lờ lệnh sẽ khiến Nga bị cô lập hơn nữa".

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định Moscow nhiều khả năng sẽ không tuân thủ phán quyết sơ bộ này, dù phán quyết của ICJ về lý thuyết được ràng buộc theo luật pháp quốc tế.

Không có đại diện nào của Nga xuất hiện khi Ukraine tranh luận về trường hợp của Nga vào tuần trước. Sau đó, phía Nga đã đệ trình một tài liệu khẳng định rằng ICJ không có thẩm quyền để quyết định vụ việc.

Trong tài liệu này, phía Nga cũng khẳng định đã chính thức giải thích nguyên nhân phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” trong một bức thư gửi đến Tổng Thư ký LHQ. Nga cho biết lý do của họ xuất phát từ cơ sở tự vệ, không phải diệt chủng như các cáo buộc.

LHQ nhận định "18 năm thành tựu kinh tế - xã hội" có thể mất đi nếu xung đột tại Ukraine tiếp diễn.

ICJ là một cơ quan trực thuộc LHQ có nhiệm vụ giải quyết tranh chấp giữa các nước thành viên và cố vấn pháp luật cho LHQ. Phán quyết của ICJ có giá trị ràng buộc.

Nếu một quốc gia không tuân theo lệnh của tòa án, các thẩm phán của ICJ có thể yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ hành động. Tuy nhiên, Nga là 1 trong 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và có quyền phủ quyết.

Báo Washington Post nhận định ICJ dường như không có một con đường khả thi để thực thi phán quyết mới nhất này.

Theo Tuổi trẻ